Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin đến các phóng viên nội dung buổi họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2019. (Ảnh: Linh Nguyễn) |
Mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc lại một số vấn đề mà Thủ tướng lưu ý tại cuộc họp thường kỳ. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tình hình kinh tế xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế. Tỷ giá lãi suất cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối tiếp tục đạt kỷ lục, thu ngân sách và xuất khẩu tăng khá…
Cụ thể, trong tháng 5 vừa qua, tình hình kinh tế vĩ mô tương đối ổn định. CPI tháng 5/2019 tăng 0,49% so với tháng 4; CPI bình quân 5 tháng tăng 2,74% so với cùng kỳ và đây là mức tăng bình quân 5 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.
Hoạt động thương mại dịch vụ sôi động, tổng cầu tiếp tục tăng mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,6%. Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế, khách quốc tế đạt gần 7,3 triệu lượt người (cùng kỳ năm trước là 6,7 triệu lượt), tăng 8,8%.
Đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục có những dấu hiệu khởi sắc. Vốn FDI thực hiện đạt 7,3 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ; vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm đạt trên 9 tỷ USD, tăng hơn 27%.
Xuất khẩu đạt hơn 100 tỷ USD, tăng 6,7%; trong đó điểm đáng mừng là khu vực trong nước tăng 11,6%, cao hơn khu vực FDI. Gần 54.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 3,2% về số doanh nghiệp và tăng 29,6% về vốn đăng ký; có gần 20.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng trên 48%.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường được quan tâm, đời sống dân cư tiếp tục cải thiện. Công tác bảo đảm an ninh, trật tự có nhiều cố gắng, hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong bối cảnh tình hình thương mại, đầu tư toàn cầu còn gặp nhiều khó khăn, thách thức thì kết quả trên là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của toàn bộ nền kinh tế.
Tham dự buổi họp báo còn có lãnh đạo các Bộ, ban ngành. (Ảnh: Linh Nguyễn) |
Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận định, hiện tại, chúng ta vẫn còn những tồn tại, yếu kém, còn nhiều khó khăn, thách thức cần tập trung giải quyết. Điển hình là các vấn đề: giải ngân vốn đầu tư công chưa được cải thiện, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng lan rộng, gây thiệt hại cho người dân.
Bên cạnh đó, thời tiết bất thường cũng phần nào ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Công nghiệp có xu hướng tăng chậm, sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp đóng cửa, tạm dừng còn tương đối lớn.
Không chỉ thế, Chính phủ vẫn còn lo ngại về các vấn đề gây bức xúc xã hội như gian lận thi cử, các vụ tai nạn giao thông, các vụ giết người man rợ hay buôn bán ma túy, tạo ra tâm lý đáng lo ngại trong xã hội.
Liên quan đến vụ việc gian lận thi cử, Trung tướng Lương Tam Quang chia sẻ tại buổi họp báo, hiện đã phát hiện ra 3 vụ việc gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.
Trung tướng Quang cho biết, các cơ quan điều tra vẫn đang trong quá trình thu thập chứng cứ để làm rõ vụ việc trên. Việc một số thông tin về đưa nhận tiền từ người nhà thí sinh cho các bị can, ông Lương Tam Quang trả lời: “Chưa đủ căn cứ để kết luận có việc đưa và nhận tiền, chúng tôi đang đấu tranh làm rõ vấn đề này”.
Cũng tại buổi họp báo, người phát ngôn Chính phủ cho biết, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho từng bộ trưởng, từng bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng vừa qua cũng có thư gửi các bộ trưởng, trưởng ngành, bí thư các tỉnh, thành phố động viên, nhắc nhở để tạo sự đồng lòng, tháo gỡ khó khăn.
Về các giải pháp cụ thể, Chính phủ yêu cầu huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, dập dịch tả lợn châu Phi. Ngoài ra, cần phải theo dõi sát sao tình hình sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là trong công nghiệp chế biến, chế tạo; khuyến khích đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực sản xuất, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần đẩy nhanh công tác chuẩn bị để sớm triển khai các dự án trọng điểm của ngành giao thông. Chú ý chủ động dự báo và ứng phó với những tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.