Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng khó khăn hơn trên báo chí truyền thống. (Ảnh: Đức Khải) |
Đó là quan điểm của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm tại “Hội nghị trực tuyến bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên cơ quan, thông tấn báo chí năm 2024” do Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức ngày 26/6 tại Hà Nội.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhận định, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ các giá trị văn hóa của đất nước, của dân tộc giờ đây khó khăn nhất là trên không gian mạng chứ không phải trên không gian báo chí truyền thống.
Hiện niềm tin của công chúng bị tác động, chi phối nghiêm trọng trong kỷ nguyên hỗn loạn thông tin. Thông tin trên các nền tảng số hiện đại có xu hướng cho ra đời các "gương mặt quyền lực" trên mạng, có khả năng tạo ra "cơn bão", "cơn sốt" trong dư luận. Có thể kể đến "hiện tượng" Nguyễn Phương Hằng... đã gây khủng hoảng truyền thông, ảnh hưởng an ninh chính trị, trật tự xã hội.
"Internet là mặt trận chính, chiến trường chính, tuyến đầu trong đấu tranh ý thức hệ. Mạng internet là trận địa chính của công tác tuyên truyền tư tưởng hiện nay. Chúng ta cần chiếm lĩnh trận địa này và đoàn kết người dân trên môi trường Internet. Bởi nếu chúng ta không chiếm lĩnh trận địa này, người khác sẽ chiếm và dẫn dắt", ông Lâm nhấn mạnh.
Về cách nhận biết tin giả, tin xấu độc, Thứ trưởng TT&TT cho biết, các nền tảng xuyên biên giới là nơi phát tán nhiều nhất tin giả, thông tin xấu độc chống phá Đảng, Nhà nước. Do vậy, để quản lý tốt không gian mạng thì phải đấu tranh buộc các nền tảng xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, Bộ TT&TT đã triển khai đồng bộ các giải pháp đấu tranh bằng pháp lý, truyền thông, kinh tế, kỹ thuật, với nhiều cách làm mới như chặn hạ hiệu quả nội dung xấu độc; hỗ trợ lan tỏa thông tin chính thống, tích cực.
Đồng thời, với các nền tảng xuyên biên giới, Bộ duy trì ở mức cao tỉ lệ ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc. Từ trước 2017, các nền tảng xuyên biên giới không hợp tác. Giai đoạn 2018 - 2019, các nền tảng xuyên biên giới bắt đầu hợp tác nhưng chỉ chặn gỡ nội dung với số lượng giới hạn ở mức thấp chỉ ở 200 link/tuần; không chặn gỡ các tài khoản, kênh… đáp ứng 50 - 60%. Từ 2020 đến nay, các nền tảng xuyên biên giới đã thực hiện các yêu cầu, chặn gỡ với số lượng lớn lên tới 700 link/tuần, đáp ứng >90%.
Bộ TT&TT cũng sử dụng công nghệ rà quét, chặn lọc tự động các quảng cáo trực tuyến vi phạm. Trong đó, Bộ làm việc với Facebook, YouTube về triển khai sử dụng công nghệ AI để phát hiện và xử lý tài khoản nguồn quảng cáo vi phạm theo quy trình xử lý rút gọn. Đặc biệt, yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới không quảng cáo, bật kiếm tiền đối với những trang, kênh vi phạm (Black List).
Cùng với đó, Bộ yêu cầu các OTT cung cấp dịch vụ nội dung theo yêu cầu phải đăng ký hoạt động tại Việt Nam theo quy định; "nắn chỉnh" dòng tiền quảng cáo về các cơ quan báo chí, các trang, kênh sạch; triển khai White List và Black List.
Tại “Hội nghị trực tuyến bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên cơ quan, thông tấn báo chí năm 2024”, các đại biểu đã được nghe nhiều chuyên đề: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh bóc gỡ thông tin xấu độc trên không gian mạng; Những nội dung mới về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong các nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XIII; Một số vấn đề về sáng tạo tác phẩm báo chí thể loại chính luận; Kỹ năng sáng tạo tác phẩm phát thanh, truyền hình; Giới thiệu chủ đề sáng tạo tác phẩm báo chí về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; Những mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác xây dựng Đảng; Kỹ năng sáng tạo tác phẩm ảnh báo chí, chia sẻ kinh nghiệm sáng tạo tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải cao Giải Búa liềm vàng.
Qua đó, lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí được cập nhật những quan điểm mới, những vấn đề cần quan tâm trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, góp phần tuyên truyền thật tốt việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cùng nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.
Năm 2024, Bộ TT&TT tiếp tục triển khai Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý Internet và thông tin trên mạng (sắp được Chính phủ ban hành); duy trì tỷ lệ chặn gỡ nội dung xấu độc trên các nền tảng xuyên biên giới ở mức cao; tiếp tục đấu tranh để gỡ nhiều tài khoản, trang, kênh, nhóm vi phạm hơn; chấn chỉnh, xử phạt, buộc các nền tảng xuyên biên giới phải khắc phục các sai phạm, tuân thủ nghiêm pháp luật Việt Nam, đồng thời nghiên cứu để tiếp tục kiểm tra, xử lý các nền tảng xuyên biên giới khác; tiếp tục nắn chỉnh dòng tiền quảng cáo về các cơ quan báo chí, các trang kênh sạch, có kết quả số liệu bước đầu; phối hợp với cộng đồng các nhà sáng tạo nội dung trên mạng, những người có ảnh hưởng trên không gian mạng triển khai chiến dịch truyền thông về phòng chống tin giả trên mạng... |