Trái cây Việt Nam đã tìm được chỗ đứng ở thị trường Thái Lan. (Nguồn: moit.gov.vn) |
Gia tăng giá trị và khả năng cạnh tranh
Trong một bài viết bàn về thương hiệu trái cây Việt Nam trên mạng Fruitnet.com, tác giả đã đưa ra gợi ý rằng, Việt Nam cần phát triển bộ nhận diện thương hiệu quốc gia cho trái cây để giúp gia tăng giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, như mục tiêu phát triển ngành hàng tươi sống đã đặt ra.
Trên thực tế, chỉ tính năm 2022, giá trị xuất khẩu ngành rau quả đạt 3,34 tỷ USD; trong đó trái cây chiếm hơn 80% với nhiều sản phẩm chủ lực như: thanh long, sầu riêng, xoài, bưởi… Nghịch lý ở chỗ trái cây Việt Nam xuất khẩu nhiều, mỗi năm đem về hàng tỷ USD, nhưng chưa có "hàng hiệu" gắn liền với tên tuổi quốc gia. Trên thị trường quốc tế, trái cây Việt gần như không có thương hiệu nào nổi tiếng đáng tự hào như nhiều sản phẩm của Thái Lan, Nhật Bản…
Một báo cáo của Vietnam News cũng phản ánh rõ, mặc dù Việt Nam có thế mạnh về xuất khẩu trái cây nhưng chưa có nhận diện thương hiệu thống nhất, như một số nhà cung cấp quốc tế khác.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T chia sẻ, “Nói đến táo là chúng ta nghĩ đến Mỹ. Nói đến kiwi là chúng ta nghĩ đến New Zealand. Nói đến dưa là nghĩ tới Nhật Bản.
Nhắc tới sầu riêng Monthong là người ta nghĩ ngay đến Thái Lan. Sầu riêng Musang King là chúng ta nghĩ ngay đến Malaysia…
Trong khi đó, Việt Nam nơi trồng nhiều loại trái cây nhưng lại không có một thương hiệu trái cây nào nổi tiếng”.
Ông Tùng cho biết, Việt Nam có sản phẩm chất lượng, như sầu riêng Ri6 nhưng do thiếu thương hiệu mạnh nên xuất khẩu không đạt mức giá cao. Vì "vô danh", nên giá Ri6 luôn thấp hơn Monthong khoảng 20% và thấp hơn Musang King rất nhiều”, ông Tùng cho biết.
Bà Lê Thị Kiều Oanh, Giám đốc Công ty xuất khẩu Apple LLC của Việt Nam, lấy quả thanh long làm một ví dụ khác. Bà Oanh cho biết, Nhật Bản nhập khẩu thanh long từ Việt Nam nhưng chỉ có 10% được bán tại siêu thị dưới thương hiệu Việt Nam.
Ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết, các nhà xuất khẩu Việt Nam cần truyền tải được câu chuyện thương hiệu tới người tiêu dùng quốc tế. “Đã đến lúc trái cây Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng, bổ sung yếu tố văn hóa, sáng tạo vào phương pháp canh tác để sản phẩm chứa đựng những câu chuyện hấp dẫn người tiêu dùng”, ông Minh nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng gợi ý, để xây dựng thương hiệu quốc gia ngành cần quan tâm và phát huy các yếu tố như giống đặc trưng, văn hóa Việt Nam, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm... Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý là một cách khác để gia tăng giá trị, nhưng phải kiểm soát chặt chẽ những thủ tục như vậy.
“Chúng ta nên chọn nhiều loại trái cây để xây dựng thương hiệu quốc gia”, ông Tùng nói. “Giống như New Zealand, nước này đã xây dựng thành công thương hiệu cho quả Kiwi, có thị trường khắp thế giới với giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD/năm, bằng tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam”.
Bảo vệ "ngành hàng tỷ USD"?
Trong Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt 5 tỷ USD vào năm 2025.
Tuy nhiên, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu đề ra, ngay từ tháng 11 năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này đã đạt 5,2 tỷ USD. Dự kiến, xuất khẩu rau quả sẽ đạt kỷ lục 5,6 tỷ USD trong năm 2023 này.
Ngay từ tháng 10, rau quả tiếp tục là ngành hàng có mức tăng trưởng ấn tượng trong số các mặt hàng xuất khẩu "tỷ USD" của Việt Nam, đạt 4,9 tỷ USD, tăng hơn 78% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng cao nhất từ trước đến nay.
Quầy bày bán vải thiều Việt Nam tại siêu thị AEON (Nhật Bản). (Nguồn: TTXVN) |
Từ tháng 6/2023, xuất khẩu rau quả “bùng nổ” mạnh mẽ, với mức tăng gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đưa kim ngạch lên tới 1 tỷ USD chỉ trong 1 tháng. Đây là con số gần như “không tưởng”, giúp định vị thêm ngành hàng rau quả Việt Nam trên thị trường thế giới - minh chứng nông sản Việt Nam ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu thị trường quốc tế, từ mẫu mã, chất lượng và an toàn thực phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.
Dự báo xuất khẩu rau quả tiếp tục đà tăng trưởng cao trong thời gian tới, không chỉ do nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia trên thế giới, mà Việt Nam hiện còn có cơ hội thúc đẩy phát triển một số mặt hàng tiềm năng khác.
Nếu thị trường xuất khẩu trái cây hàng đầu của Việt Nam - Trung Quốc, được dự báo sẽ thuận lợi hơn, khi các nhà xuất khẩu đáp ứng tốt yêu cầu theo hướng thực hành sản xuất tốt (GAP), thì nhu cầu ở các thị trường khác dự kiến cũng sẽ tăng đáng kể. Chẳng hạn, Trung Đông - có thể là một trong những “cánh cửa” mới, đầy tiềm năng. Hay thị trường Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản.. . - những thị trường tiêu chuẩn cao, nhưng cơ hội vô cùng rộng mở.
Chẳng hạn, theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trong giai đoạn 2018-2022, nhập khẩu hàng rau, củ, quả của EU tăng đều qua các năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 4,9%/năm. Riêng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 112,9 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2021. Năm 2022, Việt Nam mới chỉ đứng thứ 50 trong số các thị trường cung cấp rau quả cho EU và chỉ chiếm 0,2% tổng trị giá nhập khẩu trái cây của thị trường này.
Vẫn còn nhiều dư địa cho trái cây và rau củ Việt Nam thâm nhập thị trường EU, không chỉ vì quy mô của thị trường này chiếm tới 43% giá trị thương mại trái cây và rau toàn cầu. Với lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Việt Nam còn được xóa bỏ đến 94% các dòng thuế cho rau quả (trước đó có thuế suất 10-20%), tạo lợi thế cạnh tranh lớn so với nhiều quốc gia xuất khẩu khác.
Với ngành hàng trái cây, các chuyên gia nông nghiệp nhận định, Việt Nam hiện còn có cơ hội thúc đẩy phát triển một số mặt hàng tiềm năng khác, không chỉ trái thanh long, trái vải, trái xoài, sầu riêng mà còn có thể là dừa, bưởi, bơ... Cụ thể như trái bơ, xuất khẩu bơ toàn cầu được dự báo đạt 3,9 triệu tấn, trị giá 8,3 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó, Mỹ và EU được dự báo là những thị trường nhập khẩu chính, chiếm hơn 70% tổng lượng bơ nhập khẩu toàn cầu, theo thống kê của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO).
Như vậy, trên thực tế, trái câu Việt Nam không chỉ cho thấy là một "ngành hàng tỷ USD", mà còn chứng minh tiềm năng trên các thị trường nổi tiếng về độ "khó tính", khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, bài toán xây dựng Thương hiệu trái cây quốc gia sẽ giúp ngành hàng gia tăng giá trị, sức cạnh tranh và "bảo vệ" chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế.
* Mạng lưới Fruitnet là nhà cung cấp tin tức hàng đầu về toàn bộ hoạt động kinh doanh sản phẩm tươi sống toàn cầu, báo cáo về sự phát triển ở tất cả các thị trường lớn thông qua mạng lưới phóng viên quốc tế rộng khắp.