Chuyên gia giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương cho rằng, cần có nhiều hệ quy chiếu để giáo dục trẻ. (Ảnh: NVCC) |
Đó là quan điểm của bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, nhà nghiên cứu và thực hành giáo dục tại TP. Hồ Chí Minh (nghiên cứu sinh ngành thiết kế và lãnh đạo giáo dục tại ĐH Illinois, Mỹ) với báo Thế giới và Việt Nam xung quanh việc giáo dục trẻ.
Trong nền giáo dục hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng trẻ đang được cung cấp chủ yếu kiến thức. Rất ít nhà trường dạy các em biết khám phá về con người thật của mình, khơi gợi đam mê, sở trường của mỗi người. Góc nhìn của bà?
Câu hỏi này khiến cho tôi nhớ đến câu nói nổi tiếng: “Giáo dục không phải là rót cho đầy mà là khơi lên ngọn lửa”. Đây cũng là câu châm ngôn về giáo dục mà tôi rất là tâm đắc.
Nền giáo dục hiện nay đang chú trọng "rót" cho đầy kiến thức là chủ yếu và kiến thức được đề cập ở đây là kiến thức sách vở, ít được áp dụng vào thực tế. Có thể thấy, học sinh trong những năm vừa qua dành phần lớn thời gian để nạp cho đầy những kiến thức từ trong sách vở. Chính các em cũng không biết tại sao phải học và dùng những kiến thức này làm cái gì.
Các em chỉ giống như những cỗ máy học tập, cố gắng học thuộc lòng, dường như mục tiêu hướng tới là làm sao để đạt thành tích cao trong các kỳ thi. Câu hỏi được đặt ra, sau khi hoàn tất các kỳ thi, các em sẽ làm gì với những kiến thức đã học, đem thành tích đó để làm gì? Nhiều em cảm thấy hoàn toàn hụt hẫng vì không biết thi xong sẽ vận dụng kiến thức như thế nào. Và hệ lụy là học sinh có thể đạt được những điểm số rất cao trong các kỳ thi, nhưng chính các em lại thiếu đi sự tự tin vào bản thân. Các em không biết thực sự mình giỏi cái gì.
Dù bạn trẻ là cỗ máy học tập có rất nhiều kiến thức, nhưng nếu không thể chuyển đổi kiến thức đó để giải quyết vấn đề trong thực tế thì cũng trở nên vô nghĩa. Từ đó, họ sẽ dần trở thành con người tự ti và hoài nghi năng lực của bản thân.
Hiện nay, phần lớn thời gian trong trường học, các bạn trẻ chủ yếu học để thi, học thuộc lòng, ghi nhớ và trả bài, không có thời gian để khám phá sở trường của bản thân. Những sở trường đó chỉ được khám phá khi các em có thời gian tìm hiểu thêm những cái khía cạnh khác bên ngoài sách vở.
So với những gì mà thực tế cuộc sống đang yêu cầu, nhiều bạn trẻ gần như không dành thời gian để rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề, quan sát chính bản thân mình, từ đó tìm kiếm những đam mê sở trường của bản thân. Đây là vấn đề mà nhiều nhà giáo dục cũng như các bậc phụ huynh trăn trở.
Hiện nay giáo dục nhà trường còn nhiều vấn đề, bối cảnh xã hội quá nhiều phức tạp. Trong bối cảnh đó, cha mẹ phải chủ động và cứu lấy con bằng giáo dục gia đình thế nào?
Đây là vấn đề rất lớn, để có thể thay đổi thì chắc chắn không chỉ trong một sớm một chiều mà sẽ cần đến những giải pháp cải cách đi từ gốc rễ.
Thay đổi sẽ không thể đến nhanh nên chúng ta sẽ cần phải làm gì đây? Từ những thời đại trước, giáo dục trẻ đã được xem là việc không của riêng ai, mà cần đến sự tham gia của nhiều mắt xích khác nhau. Giống như một câu ngạn ngữ châu Phi đã nói rằng là “Cần một ngôi làng để nuôi một đứa trẻ”, việc nuôi dạy đứa trẻ cần sự tham gia của những ai trong ngôi làng đó?
Như chúng ta thấy, không thể thiếu vai trò của những người thiết lập các cơ chế và chính sách lớn về giáo dục. Cũng không thể thiếu sự tham gia của nhà trường - nơi con chúng ta thụ hưởng những chính sách giáo dục và những chương trình giáo dục ở đó. Nhà trường là nơi không phải chỉ chăm chăm “rót” cho đầy kiến thức.
Đặc biệt, không thể thiếu sự tham gia của cộng đồng. Có những bài học trẻ không học ở nhà trường, không học được trong chương trình chính quy nhưng qua nề nếp xã hội, những nét văn hóa của cộng đồng.
Trong bầu không khí xã hội con em hít thở mỗi ngày có tác động tới những gì con sẽ hấp thụ vào bên trong, đó là những suy nghĩ, góc nhìn, quan niệm sống. Các con sẽ hấp thu những điều này và sẽ trưởng thành từ đó.
“Cứu” con bằng giáo dục gia đình trong những năm gần đây được nói nhiều và được đề cao. Đây là một câu chuyện đáng buồn. Bởi vì chúng ta đã phải dùng đến chữ “cứu”. Chúng ta có thể hiểu rằng, người làm cha làm mẹ đã cảm thấy bất lực như thế nào và kém tin cậy ra sao trong việc giáo dục con.
Chữ “cứu” phản ánh sự bất lực của người làm cha, làm mẹ. Nhưng đây cũng thông điệp được gửi gắm đến các bậc cha mẹ trong bối cảnh hiện nay. Cha mẹ cần phải chủ động nắm lấy vai trò giáo dục con mình.
Tôi tin rằng, gia đình luôn có vai trò quan trọng trong việc giáo dục của một đứa trẻ. Bởi vì, đứa trẻ đến trường học từ sách vở, từ việc quan sát thầy cô. Ở nhà, việc quan sát cha mẹ và người thân trong gia đình hành xử như thế nào, nên tin vào điều gì, trân trọng những giá trị gì, thể hiện thái độ như thế nào đối với việc học và quan sát mỗi ngày ảnh hưởng đến đứa trẻ mạnh mẽ hơn chuyện đứa trẻ nó học cái gì từ sách vở.
Cha mẹ nên giáo dục con mình bằng chính tấm gương của bản thân. (Ảnh: Yến Nguyệt) |
Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn?
Theo tôi, cha mẹ nên giáo dục con mình bằng chính tấm gương của bản thân. Điều này dẫn đến khái niệm “thân giáo”, giáo dục trẻ không chỉ bằng kiến thức, cha mẹ nên là một tấm gương để con noi theo và học tập.
Đồng thời, các bậc cha mẹ có thể “cứu” con bằng việc bản thân hãy trở thành người quan sát và làm màng lọc để định hướng cho con những gì nên theo đuổi, những đúng đắn trong thời đại hiện nay.
Cha mẹ không cần phải biết tất cả, cũng không cần phải dạy cho con mình tất cả. Nhưng ít nhất cha mẹ phải có sự quan tâm đến bối cảnh xã hội, những chuyện gì đang diễn ra xung quanh để có thể tự mình sàng lọc những ảnh hưởng tiêu cực, giúp con chọn ra những con đường sáng để theo đuổi.
Nói cách khác, cha mẹ không cần phải làm bách khoa toàn thư để cho con tất cả những câu trả lời nhưng cần đóng vai trò là một trong những la bàn để con có thể nhìn vào và đi theo.
Bởi lẽ, trong thời đại hiện nay, cần một cái la bàn thôi không đủ, trẻ cần nhiều hệ quy chiếu khác nhau - bên cạnh hệ quy chiếu của cha mẹ. Bởi vì cha mẹ là thế hệ đi trước, con cái là thế hệ sau, hệ quy chiếu của thời đại cũng khác nhau.
Trẻ có thể sẽ cần nhiều la bàn để đối chiếu với nhau nhưng chiếc la bàn từ chính cha mẹ luôn cần thiết cho đứa trẻ. Tôi chưa từng thấy một đứa trẻ nào có thể trưởng thành tốt khi hoàn toàn thiếu vắng đi sự định hướng của cha mẹ cho dù định hướng đó hoàn toàn không khớp với các con. Những đứa trẻ cũng không thể trưởng thành trong hạnh phúc khi thiếu vắng sự quan tâm của cha mẹ.
Do đó, bên cạnh chuyện “thân giáo” làm gương cho con, việc cha mẹ chịu khó quan sát bối cảnh xung quanh để làm màng lọc và là la bàn định hướng cho con là điều rất nên làm.
Thực tế, không ít bậc phụ huynh đầu tư cho con để tạo ra những thần đồng, thiên tài chứ ít đầu tư nhằm giáo dục trẻ thành con người đúng nghĩa, biết yêu thương, sẻ chia. Bà nghĩ sao về điều này?
Tôi nghĩ, phần lớn cha mẹ ngày nay đầu tư cho con đều mong muốn con mình có được thành tích cao hơn, nổi trội hơn. Không phải ai cũng muốn con mình trở thành thần đồng hay thiên tài vì số này rất ít.
Đó là tâm lý chung của các bậc cha mẹ. Đúng là cha mẹ vẫn thường muốn đầu tư cho năng khiếu của con nhiều hơn là đầu tư những gì thiên về phần tâm hồn bên trong con người. Cụ thể như hướng cho con đến cái việc trở thành một con người có nhân cách tốt, có giá trị sống tốt, biết cách quản lý cảm xúc của bản thân mình, biết thấu cảm với những người xung quanh.
Ví dụ, các lớp Toán, Lý, tiếng Anh lấy bằng cấp quốc tế lúc nào cũng được cha mẹ chuộng hơn hẳn những chương trình hướng trẻ tới "chân thiện mỹ", đây là thực tế có thật.
Tuy nhiên, nếu trách cha mẹ thì chúng ta mới chỉ nhìn thấy phần ngọn của vấn đề. Bởi vì tâm lý tất yếu của các bậc cha mẹ là cái gì giúp con họ “ăn ra làm nên” và thành công thì họ sẽ hướng con mình đi theo cái đó.
Chẳng hạn, tôi từng nói chuyện với một số phụ huynh về việc rèn thói quen đọc sách cho con. Nhiều cha mẹ thú nhận họ ít khi rèn cho con thói quen đọc sách. Họ cho rằng, dẫu biết đọc giúp con có thêm tri thức, nhưng suy cho cùng điều đó cũng chẳng có ích gì.
Chừng nào thước đo sự thành công của xã hội còn là tiền bạc, danh vọng… chứ không phải là những con người biết sống tử tế, biết yêu thương; thì chừng đó cha mẹ vẫn có rất ít động lực để hướng con mình đi theo những giá trị này.
Xin cảm ơn bà!