“Fake news” đang lấn át tin chính thống
Ông Lê Quốc Minh nhận định, vào thời gian này năm ngoái, không nhiều người trong giới báo chí cũng như người dùng internet ở Việt Nam quan tâm đến cái gọi là “fake news” – tin giả. Mọi người tin rằng, trong thời đại hiện nay, ai cũng trở nên thông minh. Vả lại, có rất nhiều thiết bị thông minh quanh mình, cái gì cũng được gắn thêm từ “smart” nên không dễ dàng bị lừa, nhất là bị lừa bởi tin giả.
“Nhưng thực tế, chúng ta đang sống trong một thế giới dễ hoang mang khi đọc nhầm tin giả. Tiêu biểu là tin một Bộ trưởng Pakistan đã đe dọa sử dụng hạt nhân với Israel. Tin giả ấy thực tế đã suýt gây ra khủng hoảng ngoại giao giữa Nga và Đức”, ông Minh cung cấp.
Ông Lê Quốc Minh chia sẻ về cuộc đấu tranh chống lại "fake news". (Ảnh: Linh Nguyễn) |
Ông Minh cũng khẳng định rằng, một thế giới với những hoang tin có thể dẫn tới các thảm kịch trong đời sống, dễ dàng lan truyền với tốc độ chóng mặt từ người này sang người khác thông qua các phần mềm chat hoặc các mạng xã hội. “Fake news” thậm chí thu hút sự quan tâm nhiều hơn thông tin chính thống.
Một nghiên cứu của BuzzFeed phát hiện rằng, “fake news” thu hút được 8,7 triệu lượt tương tác trong 3 tháng cuối của chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Mỹ. Trong khi đó, tin tức của các nguồn tin báo chí lừng danh như New York Times, Washington Post và CNN chỉ có 7,3 triệu lượt chia sẻ, bình luận.
Đó là trên thế giới, còn Việt Nam thì sao? Ban đầu, tin giả ở Việt Nam chỉ dừng lại ở một vài đường dẫn website ca ngợi ông bà lang dân tộc này, loại biệt dược nọ, gắn với ca sỹ A, người nổi tiếng B để vờ là những người dùng uy tín. Hay những dòng trạng thái trên mạng xã hội bàn về môi trường đang bị ô nhiễm nước nhưng lại dùng hình ảnh ở bên kia địa cầu... Tệ hại hơn là tình trạng giả mạo các cơ quan báo chí chính thống bằng các website có tên miền gần giống, hoặc các fanpage, các tài khoản mạng xã hội...
Bằng những chia sẻ chân thực của mình, ông Lê Quốc Minh cho biết, trang điện tử vnanet.vn của Thông tấn xã Việt Nam với 4 ngôn ngữ (Việt, Anh, Pháp, Tây Ban Nha) ra đời vào năm 2003, cũng từng phát hiện ra một trang web “bê” nguyên xi toàn bộ thông tin bằng 4 ngôn ngữ lên trang web của họ với thiết kế giống y chang...
“Từ Mỹ đến châu Âu, từ châu Á đến vùng Caribbean hay tận châu Phi, “fake news” đang như một bệnh dịch khủng khiếp bò dần vào từng ngóc ngách của xã hội”, Ông Minh tỏ ra lo ngại.
Câu hỏi được đặt ra là: “Tác hại của việc tiếp cận thông tin giả lớn như thế nào?”. Đáp lại, ông Minh nhận định: “Tin giả không chỉ bóp méo thông tin theo kiểu vô thưởng vô phạt. Nó cũng không chỉ là câu chuyện cắt dán tin tức bừa bãi để kiếm tiền quảng cáo. “Fake news” đang làm gia tăng tình trạng nhục mạ các cá nhân, làm cho doanh nghiệp, tổ chức lao đao khốn khổ, thậm chí còn được lợi dụng vào các âm mưu chính trị và làm rối loạn xã hội”.
Với cách nhìn đó, “fake news” đang có nguy cơ lấn át những nguồn tin chính thống ở khắp nơi trên thế giới. Nhiều chính phủ trên thế giới đã có những biện pháp quyết liệt để đối phó với “fake news”. Tại Việt Nam, ngày 12/6 vừa qua, Quốc hội cũng đã thông qua luật An ninh mạng. Tuy nhiên, báo chí cũng phải hành động trước thực trạng này để đẩy lùi và xa lánh “fake news”. Có thể nói, chưa bao giờ đòi hỏi về một nền báo chí chất lượng cao lại bức thiết như hiện nay.
Bảng số liệu được cung cấp tại tọa đàm. (Ảnh: Linh Nguyễn) |
“Làm thế nào để gây dựng lại niềm tin của công chúng đối với nội dung báo chí chất lượng cao sẽ là câu hỏi lớn trong những năm tới dành cho các nhà quản lý, các tòa soạn báo và bản thân các nhà báo, phóng viên. Nó không chỉ quan trọng đối với sự tồn vong của báo chí, nó còn quan trọng với sự ổn định của xã hội”, ông Lê Quốc Minh trăn trở.
Để tránh tình trạng “fake news”, ông Minh cho rằng: “Sự tràn lan của tin giả trên toàn cầu cho thấy báo chí cần phải kết nối với độc giả, khán thính giả một cách hiệu quả hơn”.
Vì thế, cần dành nhiều nhân lực hơn cho báo chí điều tra, gắn chặt hơn với những giá trị đạo đức trong việc quản lý và quản trị truyền thông, đồng thời có các biện pháp nâng cao nhận thức cho công chúng về tin giả.
Ông cũng đưa ra ý kiến, cần phải xây dựng những liên minh báo chí để bảo vệ bản quyền, tìm kiếm những mô hình kinh doanh bền vững và quan trọng nhất vẫn là để đối phó với tình trạng “fake news”. “Các nhà báo chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn, bởi chúng ta khoác trên mình trọng trách to lớn với xã hội”, ông Lê Quốc Minh kêu gọi.
Hãy tự trang bị một màng lọc thông minh
Truyền thông và công tác truyền thông ngày càng có vai trò quan trọng, góp phần rất lớn vào sự phát triển của xã hội. Chia sẻ về tính tương tác của truyền thông trên mạng xã hội, đại diện Đoàn Thanh niên Ngân hàng Nhà nước cho rằng: “Đối tượng của truyền thông rất đặc biệt, gồm nhiều giai tầng, nhiều thành viên trong xã hội. Một trong số lực lượng xã hội chịu sự tác động lớn của truyền thông đại chúng là thanh niên. Trong bối cảnh mạng xã hội như “cơm ăn, thức uống” hiện nay thì vai trò của thanh niên đối với việc lan tỏa thông tin tốt mỗi ngày, đấu tranh phòng chống tin xấu là vô cùng quan trọng”.
Bên cạnh đó, sử dụng mạng xã hội đồng nghĩa với việc phải tiếp nhận những thông tin đa chiều, có tin thật và cũng có những tin tức thất thiệt. Thế hệ trẻ cần phải tạo những “màng lọc” cho bản thân mình, thận trọng khi tiếp nhận những thông tin, không nên vội vàng đưa ra phán xét trước bất kỳ một thông tin nào.
Rất nhiều bạn trẻ tham dự tọa đàm. (Ảnh: Linh Nguyễn) |
Trước thực trạng “fake news”, thế giới đang chứng kiến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc tham gia và sử dụng mạng xã hội với tất cả mọi người nói chung và người làm báo nói riêng có vai trò lớn mạnh hơn bao giờ hết. Một kết quả khảo sát trực tuyến của Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông và Phát triển cho thấy, có gần 90% người Việt sử dụng mạng xã hội để theo dõi tin tức. Như vậy, sự tham gia mạng xã hội đem đến lượng thông tin khổng lồ, thỏa mãn mong muốn thể hiện cá nhân của mỗi người dân trong môi trường công nghệ.
Cũng theo thống kê, 96% người làm báo Việt Nam đang sở hữu tài khoản facebook. Trong số đó, có đông đảo các nhà báo sử dụng facebook như một công cụ để tham gia các phong trào xã hội. Số liệu này cho thấy việc khai thác lợi thế của mạng xã hội cũng là điều kiện để quảng bá tin tức, truyền thông tin tức từ các nhà báo đến nhanh hơn với công chúng, khán thính giả.
Chính vì thế, trước những thông tin chia sẻ, các nhà báo cũng cần chọn lọc kỹ lưỡng, định hướng thông tin của mình một cách chính xác và cần phải kiểm chứng thông tin một cách có trách nhiệm tới công chúng và người tham gia mạng xã hội. Hãy là những người thông minh khi tiếp nhận những thông tin từ mạng xã hội và hãy tạo cho mình một “màng lọc” tinh tế trước một tương lai “fake news” ngày càng tinh vi như hiện nay.