📞

Cần thông cảm với khó khăn của ngành giáo dục

Phi Khanh 16:08 | 12/08/2022
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cần thông cảm với khó khăn của ngành giáo dục bởi Bộ trưởng GD&ĐT không có thẩm quyền quyết định lương giáo viên...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần thông cảm với khó khăn của ngành giáo dục. (Ảnh: Bộ GD&ĐT)

Sáng 12/8, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023.

Nhiều giáo viên nghỉ việc vì lương thấp, áp lực lớn

Chia sẻ tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương cho biết, hai cấp học mầm non và tiểu học của tỉnh vẫn còn thiếu nhiều giáo viên so với quy định.

Chỉ tính từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022, Bình Dương có tới 527 giáo viên nghỉ việc. Theo bà Hằng, lý do chủ yếu là áp lực công việc lớn, lương quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống.

Bà Hằng cho biết tình trạng thiếu giáo viên khiến tỉ lệ học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học giảm. Trong đó có những trường chỉ có thể dạy được 1 buổi/ngày. Từ thực trạng này, việc này rất khó khăn khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Nhiều đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ học sinh/lớp vượt cao so quy định. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Tổng số công chức, viên chức của toàn ngành giáo dục Bình Dương là 20.044. Trong khi, tổng số học sinh trong năm học mới 2022-2023 dự kiến sẽ tăng khoảng 29.000.

Bà Hằng cho biết: "Theo dự kiến số học sinh tăng, thì số giáo viên thiếu trên địa bàn tỉnh Bình Dương có thể sẽ trên 3.000 người”.

Thiếu giáo viên các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới

Ông Thái Văn Thành, giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho hay, tỉnh đang thiếu gần 8.000 giáo viên các cấp. Năm 2021-2022, Nghệ An được bổ sung 2.800 giáo viên, nhưng hiện vẫn còn thiếu khoảng 6.000 giáo viên.

Ông Thái Văn Thành cho biết: "Thiếu giáo viên các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là việc đáng lo khi chương trình mới đang được thực hiện".

Trong báo cáo tổng kết năm học trước, Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận tỉ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định của Chương trình giáo dục 2018. Đáng chú ý là thiếu giáo viên tiếng Anh, tin học (ở cấp tiểu học) và thiếu giáo viên âm nhạc, mỹ thuật (bậc THPT).

Một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng, chưa có nhà công vụ cho giáo viên ở các địa bàn khó khăn. Một số nơi còn phải huy động hầu hết cán bộ, giáo viên làm việc kiêm nhiệm công tác phòng dịch dẫn tới lao động giáo viên chịu nhiều áp lực.

Giáo viên chịu nhiều áp lực, thu nhập thấp. (Ảnh: Vũ Minh Hiền)

“Lương giáo viên thì Bộ trưởng GD&ĐT cũng không quyết định được”

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ khó khăn của ngành giáo dục khi không quyết định được điều kiện đảm bảo cho việc giáo dục đó là trường lớp và biên chế.

Do đó, Phó Thủ tướng cho rằng cần thông cảm với khó khăn của ngành giáo dục. Phó Thủ tướng nói: “Lương giáo viên thì Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng không có thẩm quyền quyết định được. Ngành giáo dục đương nhiên bao giờ cũng đề ra yêu cầu phải có đủ giáo viên, trường lớp, nhưng để giải quyết yêu cầu này thì Bộ trưởng Bộ GD&ĐT không quyết được”.

Đồng thời, theo Phó Thủ tướng vấn đề chưa dân chủ trong nhà trường cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thừa thiếu giáo viên cục bộ.

Phó Thủ tướng cho hay, cần làm sao để cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT phải có đủ thông tin về từng địa bàn có bao nhiêu lớp, trường, học sinh. Nắm sát, biết chỗ nào thừa -thiếu mới có thể định hướng quy hoạch.

“Phải làm quyết liệt. Số lượng giáo viên nắm được rồi, cập nhật xong phải có bộ phận xử lý những thông tin đó”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

(tổng hợp)