Không được hướng dẫn, một số nơi, gia đình có người mắc Covid-19 đã vứt rác thải có nguy cơ lây nhiễm lẫn lộn với rác thải sinh hoạt. (Nguồn: TTXVN) |
Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, số ca mắc mới tăng nhanh từng ngày, mới đây, Bộ Y tế đã có công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đề nghị tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo quản lý chất thải với các hộ gia đình có trường hợp F0 tại nhà.
Tuy nhiên, theo ghi nhận tại nhiều địa phương, việc quản lý vẫn còn “cách xa” thực tế vốn đang nảy sinh nhiều bất cập.
Hướng dẫn xử lý rác thải: Nơi có, nơi không
Theo Bộ Y tế, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn quốc. Số trường hợp mắc bệnh tăng cao. Phần lớn số ca mắc thường không có triệu chứng lâm sàng hoặc có triệu chứng nhẹ nên được cách ly, theo dõi tại nhà.
Vì thế, để tăng cường quản lý chất thải phát sinh từ các trường hợp F0 đang quản lý tại nhà, theo đề nghị của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trên cả nước chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp tăng cường vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo kịp thời và an toàn.
Phía Bộ Y tế cũng cho rằng, các chất thải sinh hoạt phát sinh từ phòng cách ly của F0 quản lý tại nhà, khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người chăm sóc khi tiếp xúc với F0 thải bỏ, phải được bỏ vào túi hoặc thùng có lót túi; bên ngoài túi, thùng đựng chất thải có chữ “chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2.”
Các loại chất thải sinh hoạt phát sinh từ các khu vực khác của nhà có người F0 thực hiện phân loại theo hướng dẫn của địa phương để đưa đi xử lý theo quy định.
Hướng dẫn là vậy, nhưng thực tế việc áp dụng, triển khai ở cơ sở lại vô cùng bất cập. Cụ thể, tại nhiều địa phương, giải pháp thu gom, phân loại, xử lý rác thải của F0 như thế nào để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm vẫn ít được đề cập, từ đó dẫn đến việc xử lý không đồng nhất trong câu chuyện rác thải của F0.
Ngay như tại Hà Nội, mặc dù ủy ban nhân dân thành phố đã chủ động ban hành phương án 01/PA-UBND “phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh tại điểm cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người mắc Covid-19” từ ngày 6/1/2022 - tức trước khi có đề nghị của Bộ Y tế, song thực tế hiện nay việc hướng dẫn xử lý lại theo kiểu… nơi có, nơi không.
Anh P.V.T, cư dân sinh sống tại một chung cư ở phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) cho cho biết cuối tháng Hai vừa qua, anh đã nhiều lần gọi điện ra Trạm Y tế phường khai báo và hỏi cách xử lý rác thải bởi gia đình có 2 vợ chồng đều là F0. Thế nhưng, suốt 5 ngày từ khi biết mình dính Covid-19 tới khi “âm tính” trở lại, vợ chồng anh không hề được hướng dẫn cũng như phát túi đựng rác thải y tế.
Không có túi đựng chuyên dụng, thùng thu gom chất thải lây nhiễm, cũng không có Tổ Covid cộng đồng nào đến thu gom, nên toàn bộ chất thải cùng với rác sinh hoạt được vợ chồng anh cho vào các bao bóng đặt ở một góc nhà vệ sinh. Tới lúc đi làm, anh mới đem ra vứt vào đường ống rác của chung cư.
Trong khi đó, chị N.T.N ở phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm đã mắc Covid-19 đến ngày thứ 6. Tuy nhiên gia đình chị cũng không nhận được hướng dẫn gì về việc phân loại rác thải y tế. Chị N bảo gia đình có 6 người thì hiện 3 người đã dương tính. Hàng ngày, chất thải y tế như kit xét nghiệm nhanh, được chồng chị cho vào chung với túi rác thải sinh hoạt, tranh thủ lúc vắng người qua lại thì mang rác tập kết ở đầu ngõ.
Hoạt động kiểm soát việc đổ rác từ xa và hệ thống xử lý rác bằng máy tính. (Nguồn: TTXVN) |
Còn tại quận Hà Đông, khi hỏi về cách xử lý rác cho F0 điều trị tại nhà, một cán bộ y tế phường hướng dẫn gia đình có F0 mua cồn 70 độ để phun khử khuẩn, sau đó cho rác thải vào túi, buộc kín và mang ra điểm tập kết. Trường hợp các thành viên trong gia đình đều dương tính, thì đợi đến lúc khỏi mang đi…
Địa phương cần sâu sát, bố trí các điểm thu gom
Về thực trạng trên, đại diện một đơn vị quản lý về chất thải thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng hướng dẫn là nguyên tắc cần phải làm, nhưng việc triển khai có đi vào cuộc sống hay không lại là chuyện khác, bởi thực tiễn rất phức tạp, không hề đơn giản.
Ngay như việc hướng dẫn lần này, Bộ Tài nguyên và Môi trường có thể cung cấp hết danh sách các cơ sở xử lý rác thải ý tế có nguy cơ lây nhiễm, nhưng việc phân loại rác thải của các F0 tại nhà như thế nào lại thuộc về trách nhiệm của Bộ Y tế.
Vậy việc thu gom, xử lý rác thải tại nhà có F0 cần làm thế nào mới hiệu quả? Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, đây là trách nhiệm của các địa phương.
Thực tế cho thấy còn rất nhiều bất cập. Thứ nhất là nếu người dân không thông báo ra phường về trường hợp F0, phường không nắm được thì làm sao biết việc người dân đang xử lý rác thải thế nào?
Thứ hai là vì quá tải F0 nên khi người dân gọi ra y tế phường để thông báo và hỏi về cách xử lý rác thải, nhưng một số nơi cũng không quan tâm, không nghe máy. Như vậy, điều này dẫn tới việc người dân không biết xử lý ra sao, từ đó có thể dẫn tới việc vứt rác không đảm bảo.
Thứ ba là trường hợp người dân đã thông báo tới phường, nhưng liệu có Tổ Covid cộng đồng nào vào giám sát việc vứt, xử lý rác thải của các hộ gia đình có F0? Phần lớn là không có. Trường hợp người có ý thức có thể phân loại rác và phun khử khuẩn trước khi vứt, nhưng vấn đề là người dân sẽ vứt rác đi đâu khi vẫn đang phải cách ly?
"Vì thế, các địa phương cần sâu sát và bố trí điểm tập kết đối với rác thải có nguy cơ lây nhiễm, bởi nếu rác không được phun khử khuẩn, thu gom kịp thời thì sẽ rất lo ngại", đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.