📞

Cẩn trọng trong cách xưng hô khi đối ngoại (Phần 2)

Huyền Trâm 11:26 | 13/01/2022
Trong tiếp xúc đối ngoại, ngoài việc gọi tên, chức vụ, tước hiệu đối với một cá nhân còn có những quy tắc lịch thiệp trong thưa gửi và xưng hô.
Trong tiếp xúc đối ngoại, khi thưa gửi và xưng hô với một người cần lưu ý thưa gửi và xưng hô phải phù hợp với chức vụ và tước hiệu của người đó.(Nguồn: iconscout)

Trong quan hệ quốc tế, một số chức vụ lãnh đạo cao cấp có những danh từ chung để gọi. Khi dùng những danh từ này, chúng ta cần phân biệt và hiểu một cách chính xác.

Danh từ Nguyên thủ Quốc gia gọi người đứng đầu nhà nước của quốc gia đó, tùy theo hình thức tổ chức nhà nước của quốc gia, đó có thể là Tổng thống, Chủ tịch nước, Vua, Nữ hoàng, Quốc vương, Hoàng đế hay Sultan.

Đối với các vị lãnh đạo của một quốc gia có chức vụ Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch hay Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng,… tùy theo hệ thống tổ chức chính phủ của mỗi quốc gia, được gọi chung là Người đứng đầu Cơ quan hành pháp.

Bên cạnh chức vụ, ở một số nước, đặc biệt là những nước theo chế độ quân chủ, nhiều người còn có tước hiệu được phong tặng. Đối với các tước hiệu này, ở mỗi quốc gia có những quy định khác nhau. Có nước có tập quán khi gọi tên một người luôn luôn đi liền với tước hiệu mà người đó có; nhưng cũng có nước tập quán quy định chỉ trong những nghi lễ chính thức thì mới cần gọi tên với đầy đủ tước hiệu, còn trong những giao tiếp thông thường thì không cần.

Ngoài việc gọi tên, chức vụ, tước hiệu đối với một cá nhân trong giao tiếp quốc tế còn có những quy tắc lịch thiệp trong thưa gửi và xưng hô. Khi thưa gửi và xưng hô với một người cần lưu ý thưa gửi và xưng hô phải phù hợp với chức vụ và tước hiệu của người đó, tuân thủ những quy tắc chung theo tập quán quốc tế và các quy định hay thông lệ của quốc gia hay tổ chức của người đó.

Trong tiếng Việt các đại từ danh xưng khi thưa gửi và xưng hô trong giao tiếp quốc tế được sử dụng là ngài, ông/bà/cô.

Dùng từ ngài, đại từ danh xưng có mức độ kính trọng cao nhất trong tiếng Việt cho đối tượng nào còn có nhiều cách hiểu khác nhau. Có người cứ thấy người phương Tây là gọi “Ngài”. Có người gọi ngài không chỉ đối với một vị Đại sứ nước ngoài mà với bất kỳ một cán bộ nhân viên nào của Đại sứ quán nước ngoài.

Ở nhiều nước, việc gọi ai là ngài có quy định khá chặt chẽ và cụ thể, ví dụ từ cấp Bộ trưởng và tương đương trở lên và Đại sứ mới được gọi là Ngài.

Ở Việt Nam, do đến nay chưa có quy định cụ thể, nên việc sử dụng đại từ danh xưng còn tương đối tùy tiện. Tuy nhiên, có thể dựa theo chuẩn mực khá phổ biến là chỉ nên gọi “Ngài” đối với những người có chức vụ lãnh đạo từ cấp Bộ, tương đương trở lên và Đại sứ.