📞

Cẩn trọng với các triệu chứng sốt xuất huyết

18:02 | 16/09/2015
Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có khoảng 100 triệu trường hợp mắc sốt xuất huyết, phần lớn là trẻ em dưới 15 tuổi và tỷ lệ tử vong trung bình do sốt xuất huyết (SXH) khoảng 2,5-5%. Tại Việt Nam, dịch sốt xuất huyết đang ở tình trạng báo động với gần 30.000 ca nhiễm và đã có 18 ca tử vong. Vì vậy, việc nhận biết và chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết là rất quan trọng, đặc biệt là với trẻ em.
Bệnh sốt xuất huyết do muỗi vằn hút máu truyền siêu vi trùng từ người bệnh sang người lành. (Nguồn: Ecuben.com)

Triệu chứng của bệnh

- Sốt cao đột ngột, nhiệt độ 39-40oC, sốt liên tục, kéo dài; Sốt kèm mệt mỏi, chán ăn, đau bụng vùng thượng vị hoặc hạ sườn phải; Xuất huyết thường xuất hiện từ ngày thứ 2 của bệnh;; Khi xuất huyết xảy ra nhiều nơi sẽ có biến chứng nặng.

- Xuất huyết ngoài da: biểu hiện dưới dạng chấm xuất huyết hoặc vết bầm máu, vị trí thường gặp là mặt trước 2 cẳng chân, mặt trong 2 cẳng tay, lòng bàn tay và bàn chân. Xuất huyết niêm mạc: chảy máu mũi, máu nướu, xuất huyết kết mạc mắt, tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài.

- Xuất huyết đường tiêu hóa: nôn ra máu, đại tiện ra máu.

- Các triệu chứng khác: đau người, đau cơ, đau khớp, nhức đầu, đối với trẻ nhỏ có thể có co giật do sốt cao, hốt hoảng.

- Các triệu chứng nặng: sốc là một diễn tiến nặng của bệnh sốt xuất huyết. Sốc thường xảy ra từ ngày thứ 3 - 6 của bệnh. Vì vậy, trong những ngày này, người bệnh cần được theo dõi kỹ để phát hiện kịp thời những triệu chứng sau: Hạ nhiệt độ đột ngột, da lạnh có mồ hôi, tay chân lạnh, ẩm, chảy máu mũi, chảy máu nướu răng, nôn ra máu hoặc dịch màu nâu, đại tiện ra máu hoặc phân đen, tiểu tiện ra máu… Bệnh nhân có thể hết sốt, nhưng li bì, vật vã hoặc bứt rứt, kích động, với triệu chứng đau bụng ngày càng tăng.

Khi thấy một trong những triệu chứng trên xảy ra trong ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh, cần đưa người bệnh đến khám ngay tại bệnh viện.

Chăm sóc tại nhà

Khi người bệnh không có những dấu hiệu nặng, bác sĩ sẽ đề nghị gia đình theo dõi, chăm sóc bệnh nhân tại nhà.

Trường hợp bệnh nhân sốt quá cao, đặc biệt là trên 39 độ đối với trẻ em, thì ngoài việc hạ sốt bằng thuốc, cần cho người bệnh cần lau mát bằng nước ấm để nhiệt độ thoát nhanh, tránh tình trạng sốt cao, co giật. Đặc biệt, không cạo gió cho người bệnh vì như thế sẽ rất khó theo dõi tình trạng xuất huyết trên da.

Chế độ ăn uống cho người bị sốt xuất huyết

- Thức ăn: Người bị sốt xuất huyết thường bị sốt cao liên tục nên cần được cung cấp nhiều năng lượng hơn ngày thường. Ở trẻ nhỏ, do tình trạng bệnh, trẻ trở nên mệt mỏi và biếng ăn. Vì vậy, bạn nên chọn những thức ăn trẻ thích. Nếu trẻ ăn được ít thì nên cho ăn nhiều lần, không kiêng khem.

- Nước uống: lượng nước cần cung cấp cho người bị sốt xuất huyết cũng nhiều hơn bình thường, do sốt cao dẫn đến mất nước. Loại nước được khuyến khích là nước hoa quả tươi, nước chanh muối, nước dừa… vì những loại nước này ngoài việc bù nước rất tốt, còn bù được một số chất điện giải mà cơ thể bị mất do sốt cao. Nước hoa quả tươi cũng cung cấp lượng vitamin C đáng kể giúp bảo vệ thành mạch, giảm thiểu tình trạng xuất huyết trên cơ thể.

M.H (tổng hợp)