Ông Lê Nguyễn Trường Giang cho rằng, cần xác lập mục tiêu, chiến lược để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. (Nguồn: TTXVN) |
Trong bài viết "Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới", Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: “Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đặt ra yêu cầu cấp thiết nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, sự phát triển công cụ sản xuất trong nền kinh tế số tạo ra biến đổi sâu sắc của lực lượng sản xuất, dẫn đến những mâu thuẫn mới với quan hệ sản xuất hiện hữu; vừa tạo tiền đề, động lực hình thành phương thức sản xuất mới trong tương lai, vừa đòi hỏi thay đổi căn bản cách thức tổ chức sản xuất và quản lý xã hội. Lực lượng sản xuất mới đang hình thành và phát triển mạnh mẽ; song chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn khoảng cách so với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, trong khi đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực công nghệ cao, vẫn là thách thức lớn. Quan hệ sản xuất còn nhiều bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của lực lượng sản xuất...".
Báo Thế giới và Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số, để có những nhận thức đúng đắn hơn cũng như làm thế nào để tận dụng cơ hội mà tiến trình chuyển đổi số đưa đến.
Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm về cuộc cách mạng số? Thông điệp cốt lõi mà Tổng Bí thư muốn truyền đạt là gì?
Có thể nói, bài viết "Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới" của Tổng Bí thư Tô Lâm nhân Ngày Quốc khánh 2/9 vừa qua đã tạo ra bước đột phá trong việc nhận thức về tiến trình chuyển đổi số đúng với bản chất, vai trò và vị trí đối với sự phát triển của đất nước.
Trong suốt thời gian qua, chúng ta chưa thực sự nhận thức được đúng, đầy đủ và chính xác về chuyển đổi số. Đó là một tiến trình góp phần tạo ra sự chuyển đổi mô hình phát triển, tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, tạo ra sự đột phá năng suất thông qua đột phá giá trị.
Việt Nam cần những chính sách gì để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, theo ông?
Nhân lực được xem là một trong ba điểm nghẽn quan trọng hiện nay (thể chế, hạ tầng và nhân lực) đối với tiến trình phát triển của Việt Nam nói chung và để chủ động tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Để thúc đẩy và khuyến khích việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng được các yêu cầu thời đại, Đảng, Nhà nước, Chính phủ cần nâng cao chất lượng của các yêu cầu đào tạo, đồng thời, cần có một chiến lược phát triển nhân sự đáp ứng yêu cầu chiến lược số quốc gia cụ thể.
Đây là điều cần thiết để tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”, nhà nhà đào tạo, dẫn đến chất lượng đào tạo không đáp ứng được yêu cầu, người học cũng khó khăn trong việc chọn lựa nơi đào tạo và giá trị của các bằng cấp chưa thực sự được coi trọng. Bởi lẽ, tình trạng này làm cho việc đào tạo phát triển, nhưng chất lượng nhân sự lại không đáp ứng được yêu cầu cần thiết.
Doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để thích ứng và tận dụng cơ hội mà tiến trình chuyển đổi số đưa đến? Nhà nước có thể hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào trong tiến trình này?
Doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một lộ trình chuyển đổi dài hạn; cần biết rõ, nắm chắc, hiểu sâu về chuyển đổi số để có thể hành động đúng trong tiến trình này. Chỉ khi có sự chuyển đổi nhận thức một cách đúng đắn, doanh nghiệp mới thực sự cần biết mình chuyển cái gì, chuyển như thế nào, chuyển đến đâu, để đạt mục tiêu gì.
Khi đó, doanh nghiệp có thể thích ứng và tận dụng hiệu quả các cơ hội mà tiến trình chuyển đổi số mang đến. Công tác đào tạo nhân sự, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo chủ chốt có vai trò quan trọng đối với sự chuyển đổi của doanh nghiệp.
Hiện nay, đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của các doanh nghiệp chưa ý thức và nhận thức rõ về vai trò của mình trong tiến trình này. Họ vẫn tư duy và hiểu đây là một vấn đề “chuyên môn” chứ chưa phải là một chiến lược, phương thức phát triển mới. Người lãnh đạo trước hết phải thấu hiểu để có thể dẫn dắt "con tàu" doanh nghiệp tham gia vào tiến trình chuyển đổi này.
Đối với Nhà nước, các chính sách hỗ trợ về đào tạo và các chương trình tín dụng đặc thù cho doanh nghiệp có một ý nghĩa tích cực và quan trọng, song song các hành lang pháp lý đang tích cực được xây dựng.
Vậy Chính phủ cần có những chính sách cụ thể nào để tạo lập một môi trường thuận lợi cho việc phát triển kinh tế số và xã hội số?
Chính sách quan trọng nhất để tạo lập một môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế số và xã hội số hiện nay là làm rõ những nền tảng lý luận về kinh tế số và xã hội số. Chỉ trên cơ sở đó mới xác lập được rõ những trọng điểm, cơ sở, điều kiện, mục tiêu, trọng tâm, chiến lược để thúc đẩy sự phát triển kinh tế số và xã hội số.
Hiện nay, sự thiếu rõ ràng trong việc xác lập các khái niệm đang tạo nên một điểm nghẽn quan trọng trong việc đưa các chủ trương, chính sách, đường lối... vào thực tiễn một cách hiệu quả.
Việt Nam cần hợp tác quốc tế như thế nào để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số? Những lĩnh vực nào cần ưu tiên hợp tác, theo ông?
Trong tiến trình chuyển đổi số, công nghệ đóng vai trò là động lực. Đối với công nghệ, Việt Nam hiện tại chịu sự phụ thuộc lớn cả về các công nghệ phần cứng, phần mềm. Do vậy, việc hợp tác quốc tế có một ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.
Trước hết, để hỗ trợ việc xây dựng các định chuẩn công nghệ trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung Quốc hiện nay diễn ra rất phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc quyết định sử dụng các công nghệ như thế nào để không bị rơi vào tình trạng phân cách và không đồng bộ.
Thứ hai, để hỗ trợ khả năng làm chủ và ứng dụng hiệu quả các công nghệ trong tư thế chủ động, giảm thiểu sự bị động để có thể từng bước phát triển các công nghệ lõi mới, từng bước làm chủ các công nghệ thế hệ tiếp theo.
Xin cảm ơn ông!