Người đứng đầu Cơ quan an ninh công cộng tỉnh British Columbia Mike Farnworth cho biết tình trạng khẩn cấp sẽ kéo dài 14 ngày, cho phép giới chức thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ người dân.
Đây là lần thứ 2 trong hơn một thập niên qua, tỉnh này phải ban bố tình trạng khẩn cấp sau lần đầu tiên vào năm 2017, khi lửa thiêu rụi một diện tích lớn rừng trong khu vực, buộc giới chức phải tiến hành sơ tán số lượng người kỷ lục.
Hơn 560 vụ cháy lớn nhỏ đã xảy ra tại tỉnh British Columbia. (Nguồn: CBC.ca) |
Tính tới ngày 14/8, có tới 566 đám cháy rừng hoành hành trên toàn tỉnh British Columbia, khiến giới chức phải ban bố 77 lệnh sơ tán hoặc cảnh báo ảnh hưởng tới 22.000 người và 11.000 công trình hoặc tài sản.
Các thành phố từ Vancouver bên bờ Thái Bình Dương tới Winnipeg trên khu vực Prairies ở phía Đông đều bị bao phủ bởi khói từ những đám cháy.
Gần 3.400 lính cứu hỏa, trong đó có cả lực lượng hỗ trợ từ Australia, Mexico và New Zealand đều đang nỗ lực "chiến đấu với giặc lửa". Khác với năm trước, năm nay các đám cháy không tập trung tại những địa điểm cụ thể mà lan rộng ra toàn diện tích tỉnh, nên tới ngày 13/8 vừa qua, chính quyền British Columbia đã phải đề nghị sự trợ giúp của chính phủ liên bang, với 200 binh lính cùng trực thăng quân sự được cử tới.
Cùng ngày, Chính phủ Honduras cũng phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán nghiêm trọng ảnh hưởng tới các cộng đồng dân cư tại khu vực Corredor Seco, miền Tây Nam quốc gia này. Tình trạng khẩn cấp do Hội đồng Bộ trưởng Honduras ban hành sau khi có yêu cầu từ Hệ thống ứng phó nguy cơ quốc gia và Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc.
Tình trạng hạn hán do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đã khiến nông dân ở quốc gia này chịu thiệt hại nặng nề, mất trắng 70% sản lượng ngô và 45% sản lượng đậu.
Hồi tuần trước, Tổng thống Juan Orlando Hernandez đã công bố kế hoạch hành động nhằm trợ giúp các cộng đồng cư dân bị ảnh hưởng, cũng như yêu cầu các tổ chức quốc tế hỗ trợ lương thực thực phẩm.