Ngày 11/12, Canada công bố kế hoạch từng bước nâng giá khí thải carbon. (Nguồn: Fotolia) |
Kế hoạch đề ra lộ trình bắt đầu từ năm 2023 giá carbon sẽ tăng thêm 15 CAD (11,70 USD)/tấn/năm và hướng tới mức giá 170 CAD/tấn vào năm 2030, so với mức 30 CAD/tấn hiện nay.
Mức giá 30 CAD/tấn của Canada thấp hơn so với các quốc gia khác như Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và Pháp.
Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhấn mạnh nền kinh tế càng "sạch" sẽ càng thúc đẩy phát triển nhanh và mạnh mẽ. Chính phủ sẽ trả lại phần lớn số tiền thu được cho các cá nhân và hộ gia đình.
Thủ tướng Trudeau cũng nhấn mạnh các biện pháp trên sẽ giúp Canada đạt được mục tiêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, theo đó đến năm 2030, cắt giảm 30% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức của năm 2005.
Kế hoạch trên của Ottawa đã nhận được phản ứng tích cực từ các nhóm hoạt động môi trường sau nhiều thập kỷ Canada không đạt được cam kết giảm khí phát thải. Tuy nhiên, ông Doug Ford, Thủ hiến Ontario, tỉnh bang đông dân nhất Canada, chỉ trích biện pháp trên của chính phủ liên bang sẽ làm tê liệt nền kinh tế vốn đang phải phải đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Tòa án tối cao của Canada đang xem xét kháng cáo của bang Ontario về thuế carbon.
Giới quan sát nhận định, đề xuất tăng giá carbon cũng có khả năng không “được lòng” các tỉnh, bang sản xuất năng lượng như Alberta và Saskatchewan. Những khu vực này vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề do giá dầu đi xuống. Trong khi đó, đảng Dân chủ mới (NDP) và đảng Xanh đánh giá kế hoạch của chính phủ chưa đủ tham vọng.
Canada, quốc gia có diện tích rộng lớn và thời tiết lạnh giá, là nước xuất khẩu dầu thô chủ chốt trên thị trường thế giới, đang phải chật vật kiểm soát lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính được cho là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng ấm lên toàn cầu.
Tháng 11 vừa qua, chính phủ liên bang Canada đã trình Quốc hội dự luật nhằm đảm bảo đáp ứng các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, theo đó đạt mục tiêu đưa lượng khí phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Dự luật yêu cầu chính phủ liên bang phải đặt ra mục tiêu cụ thể từ năm 2030 trở đi; thành lập một ban cố vấn; trao quyền cho ủy viên môi trường để xem xét, đánh giá công việc của chính phủ và trao quyền tối cao cho Bộ trưởng Môi trường trong việc đặt ra các mục tiêu và đưa ra các kế hoạch để đạt được các mục tiêu này.