📞

Canada - Saudi Arabia: Căng nhau vì nữ quyền

10:21 | 11/08/2018
Ngày 5/8, quan hệ giữa Canada và Saudi Arabia trở nên nóng hơn bao giờ hết khi Ottawa lên tiếng chỉ trích Riyadh về vấn đề nhân quyền.

Căng thẳng nổ ra khi tuần trước, cảnh sát Saudi Arabia bắt giữ một nhà hoạt động về nữ quyền có liên quan tới Canada là Samar Badawi.

Trước hành động của Riyadh, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland khẳng định: “Canada sẽ luôn đấu tranh vì nhân quyền, bao gồm cả nữ quyền và tự do ngôn luận ở các nước trên thế giới.” Canada cũng hối thúc Riyadh “trả tự do ngay lập tức” cho một số nhân vật hoạt động xã hội và nữ quyền bị bắt giữ mới đây.

Vụ bắt giữ nhà hoạt động nữ quyền Samar Badawi (ảnh) được cho là nguyên nhân dẫn tới căng thẳng quan hệ giữa Canada và Saudi Arabia. (Nguồn: Times)

Về phần mình, Riyadh bác bỏ cáo buộc “hoàn toàn sai lầm” của Ottawa về những vụ bắt giữ “không chính đáng” một số nhà hoạt động xã hội dân sự, khẳng định chúng được thực hiện bởi cơ quan có thẩm quyền và những người bị bắt được đảm bảo quyền lợi trong điều tra và xét xử. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia còn cáo buộc Canada “can thiệp nội bộ” nước này, “đi ngược lại các nguyên tắc và hiến chương quốc tế cơ bản nhất điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia”. Sau những “lời qua tiếng lại”, tình trạng quan hệ ngoại giao giữa Saudi Arabia và Canada đang trở nên căng thẳng và có nguy cơ rơi vào bế tắc.

Trên phương diện ngoại giao, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia đã triệu hồi Đại sứ tại Canada, đồng thời xếp Đại sứ Canada tại Riyadh vào diện “không được chào đón” và cho Đại sứ 24 tiếng để rời khỏi quốc gia Trung Đông này. Về mặt kinh tế, phía Saudi Arabia cũng đóng băng tất cả các thỏa thuận đầu tư, thương mại và quốc phòng với Canada trị giá gần 19 tỷ USD.

Trong lĩnh vực giáo dục, 12.000 sinh viên Saudi Arabia và các thành viên gia đình của họ tại Canada sẽ được chuyển đến một quốc gia khác để tiếp tục chương trình học của mình. Ngày 6/8, Hãng hàng không quốc gia Saudi Arabia cũng đã quyết định dừng tất cả các chuyến bay đến và đi tới Toronto - thành phố lớn nhất của Canada. Những động thái trên được xem là một loạt các hành động đáp trả việc Canada yêu cầu Saudi Arabia trả tự do cho các nhà hoạt động bị bắt giữ.

Tuy nhiên, phía Canada cũng không hề nao núng. Ngày 6/8, Ngoại trưởng Chrystia Freeland khẳng định: “Cam kết của Canada, đặt nhân quyền ở trung tâm chính sách đối ngoại đã thu hút được nhiều sự chú ý trong những ngày gần đây… Tôi đang cân nhắc trục xuất Đại sứ Canada tại Saudi Arabia. Canada sẽ luôn luôn đứng lên vì nhân quyền ở Canada và trên toàn thế giới, trong đó có quyền của người phụ nữ”.

Đến nay vẫn chưa có nhiều phản ứng quốc tế về căng thẳng mới giữa Saudi Arabiaia và Canada. Bahrain đã lên tiếng ủng hộ Riyadh trong vấn đề này, song vẫn chưa có hành động cụ thể đáng chú ý. Một quốc gia vùng Vịnh khác là Các Tiểu vương Quốc Arab thống nhất (UAE) cho biết hoàn toàn ủng hộ Saudi Arabia thực hiện bất cứ chính sách nào liên quan đến công việc nội bộ và khẳng định sẽ đoàn kết với Riyadh, chống lại bất kỳ sự can thiệp nào ảnh hưởng tới chủ quyền của Saudi Arabia.

Về phía Mỹ, Washington đã gửi yêu cầu chính phủ Saudi Arabia thông tin chi tiết hơn về vụ giam giữ các nhà hoạt động, đồng thời đồng minh này tuân thủ các nguyên tắc pháp lý xét xử công bằng. Hiện cả Saudi Arabia và Canada đều là đồng minh thân cận của nước này và Mỹ hy vọng Saudi Arabia có thể minh bạch hơn các thủ tục pháp lý đối với những trường hợp này, nhằm giảm căng thẳng. Song, trong bối cảnh hiện nay, mong muốn của Mỹ sẽ khó thành hiện thực và căng thẳng quan hệ Ottawa – Riyadh nhiều khả năng sẽ tiếp diễn cho đến khi các bên bày tỏ thiện chí, cùng nhau nhượng bộ để giải quyết khủng hoảng.