Cảng Quy Nhơn được đánh giá là cảng dẫn đầu tại miền Trung về xếp dỡ hàng hóa nhanh và có sản lượng hàng hóa thông qua tăng trưởng cao. |
Với việc sở hữu nhiều lợi thế về vị trí địa lý cùng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đủ điều kiện tiếp nhận, xếp dỡ các mặt hàng tổng hợp, hàng container và hàng siêu trường, siêu trọng, Cảng Quy Nhơn được đánh giá là cảng có năng suất xếp dỡ cao trong cả nước với sản lượng hàng hóa thông qua tăng trưởng cao. Đây là động lực quan trọng để Ban lãnh đạo và tập thể người lao động Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn nỗ lực hơn nữa nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng, phấn đấu đưa Cảng Quy Nhơn đi lên xứng tầm khu vực.
Nơi hội tụ lợi thế
Là một trong những cảng biển có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, Cảng Quy Nhơn có vai trò rất quan trọng trong việc góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định nói riêng và khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói chung. Theo ông Hồ Liên Nam, Trưởng phòng kinh doanh Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn, là một trong 04 Hành lang kinh tế Đông – Tây, Cảng Quy Nhơn trấn thủ cửa ngõ về phía Đông của một vùng kinh tế đặc thù, quan trọng của Việt Nam là Tây Nguyên. Từ đây, có thể kết nối, liên kết vùng tam giác kinh tế Tây Nguyên – Nam Lào – Đông Bắc Campuchia với tuyến hàng hải nối liền 2 khu vực kinh tế sôi động bậc nhất trên thế giới hiện nay là Đông Bắc Á và Đông Nam Á.
Đây còn là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại 1) của nhóm Cảng biển Nam Trung bộ, nằm trong vịnh Quy Nhơn, có bán đảo Phương Mai che chắn, kín gió, rất thuận lợi cho tàu neo đậu và xếp dỡ hàng quanh năm. Luồng tàu và cầu Cảng có độ sâu tự nhiên có thể tiếp nhận được các loại tàu 30.000DWT ra/vào bình thường và tàu 50.000 DWT (giảm tải). Trong tương lai, Cảng Quy Nhơn hoàn toàn có thể tiếp nhận được các dòng tàu Panamax để tăng khả năng cạnh tranh, tiết giảm chi phí cho khách hàng.
Đặc biệt, ngày 11/3/2020, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng vừa ký ban hành Quyết định số 832/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 mở rộng Cảng Quy Nhơn đến năm 2030. Theo đó, tổng diện tích quy hoạch 88,03 ha, gồm diện tích quy hoạch mở rộng Cảng 69,73 ha; diện tích quy hoạch khu mặt nước, vũng quay tàu 18,30 ha. Việc quy hoạch mở rộng Cảng giúp khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế của Cảng: tổ chức các khu chức năng với tiện nghi, cơ sở hạ tầng hiện đại, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; bảo vệ môi trường sinh thái, không gây ô nhiễm môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Tăng nguồn thu cho ngân sách, làm động lực thúc đẩy quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế địa phương, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng trưởng kinh tế - xã hội trong khu vực và trên cả nước.
Hiện nay, Cảng Quy Nhơn đã được Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) chi phối hơn 75% vốn điều lệ. VIMC là đơn vị Top đầu cả nước trong khai thác dịch vụ cảng biển và hàng hải. Một điểm rất thuận lợi đó là Cảng luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và đặc biệt là Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định.
Phát triển cảng biển hiện đại vươn tầm khu vực
Phát huy những lợi thế trên, cùng sự đầu tư trang thiết bị xếp dỡ hàng hóa hiện đại, Cảng Quy Nhơn đã đạt được kết quả tăng trưởng rất ấn tượng. Năm 2019, sản lượng hàng hóa thông qua Cảng tăng 9% so với cùng kỳ năm 2018, doanh thu đạt 782 tỷ đồng, tăng hơn 9%, lợi nhuận trước thuế đạt gần 128 tỷ đồng, tăng 7%, nộp ngân sách Nhà nước hơn 56 tỷ đồng. Với tàu 50.000 DWT cập Cảng, thời gian xếp dỡ được rút ngắn từ 4 - 4,5 ngày xuống chỉ còn 2 - 2,5 ngày. Nhờ đó, Cảng Quy Nhơn được đánh giá là cảng dẫn đầu tại khu vực miền Trung trong những năm gần đây về xếp dỡ hàng hóa nhanh và có sản lượng hàng hóa thông qua tăng trưởng cao.
Bước sang năm 2020, đứng trước khó khăn do tình hình dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Cảng nhưng tập thể lãnh đạo, công nhân viên toàn Công ty đã đoàn kết, năng động vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ông Hồ Liên Nam - Trưởng phòng kinh doanh Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn cho biết: "Riêng 6 tháng đầu năm 2020, do tình hình dịch Covid-19 nên hoạt động xuất khẩu hàng hóa thông qua cảng cũng bị sụt giảm. Nhưng với sự cố gắng và kịp thời, đặc biệt là công tác hỗ trợ doanh nghiệp của Cảng cũng như tổ chức tiếp xúc thường xuyên với doanh nghiệp nên doanh thu hoạt động 6 tháng đầu 2020 vẫn tăng trưởng".
Có được kết quả đó, Công ty CP Cảng Quy Nhơn đã thành lập tổ thị trường hàng container đồng hành cùng các hãng tàu làm công tác thị trường tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Đông Bắc Campuchia nhằm thu hút bền vững nguồn hàng container. Xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu thị trường về khách hàng, mặt hàng, hãng tàu, tuyến dịch vụ, nhằm đa dạng hóa tuyến dịch vụ container khai thác tại cảng, thông qua việc thu hút và phát triển các tuyến hành trình kết nối trực tiếp từ Cảng Quy Nhơn đến các cảng quốc tế, đặc biệt ở khu vực Đông Bắc Á. Tăng cường tiếp xúc, gặp gỡ trao đổi với khách hàng để nắm bắt kịp thời các nhu cầu, xu hướng sử dụng dịch vụ, từ đó phối hợp nâng cao năng suất xếp dỡ, đẩy nhanh tiến độ giải phóng các tàu hàng. Liên kết phối hợp với các đơn vị vận tải để bổ sung, mở rộng chức năng kinh doanh của Xí nghiệp dịch vụ cảng nhằm cung cấp các dịch vụ cảng biển trọn gói, các giải pháp dịch vụ logistics tận nơi cho khách hàng.
Ngoài ra, ngay từ những ngày trước Tết Nguyên đán, nhận định tình hình dịch bệnh sẽ diễn biến phức, BĐH Công ty đã tập trung mọi nguồn lực (kho bãi, phương tiện thiết bị) hỗ trợ khách hàng giải phóng tàu nhanh; hỗ trợ khách hàng kết nối các nguồn lực, dịch vụ logistics tranh thủ tối đa các điều kiện để xuất khẩu hàng hóa; thu hút các nguồn hàng không bị tác động nhiều của dịch Covid-19. Trong thời điểm cao điểm phòng chống dịch và sau dịch Covid-19, Cảng Quy Nhơn đã triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách phục vụ khách hàng, thu hút nguồn hàng.
Năm 2020, Cảng Quy Nhơn phấn đấu đạt cột mốc 10 triệu tấn hàng hóa thông qua cảng. Mục tiêu đến năm 2025, đạt sản lượng hàng hóa thông qua Cảng ở mức 14-15 triệu tấn/năm. Kết quả này sẽ là bước tiến quan trọng để phát triển Cảng Quy Nhơn sớm trở thành cảng tổng hợp quốc tế hiện đại, cung cấp các dịch vụ cảng biến/logistics chuyên nghiệp, ngang tầm khu vực Đông Nam Á. Ông Hồ Liên Nam cho biết, trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá về vùng hậu phương rộng lớn, có kinh tế phát triển với các KCN, khu chế xuất hàng hóa, đồng thời các tuyến đường vành đai được tỉnh Bình Định đầu tư để tạo hạ tầng thuận lợi nối Cảng Quy Nhơn với QL19, QL01, Ban lãnh đạo Công ty nhận thấy sự cấp thiết trong công tác đầu tư, quy hoạch mở rộng Cảng Quy Nhơn giai đoạn 2020–2025 và tầm nhìn đến 2030.
Công ty sẽ đầu tư sửa chữa, nâng cấp bến số 04 và bến số 01 để nâng cao năng lực cầu bến tại cảng; nạo vét khu nước trước bến; đầu tư bãi container tiền phương đủ sức chứa 4.000 teus, nhằm hiện đại hóa dịch vụ xếp dỡ container, rút ngắn thời gian giải phóng tàu; quy hoạch, đầu tư kho bãi cảng phù hợp, đáp ứng nhu cầu khách hàng và tăng năng suất giải phóng tàu. Tiếp tục nâng cấp, tăng cường sử dụng, chuyển đổi một số thiết bị xếp dỡ dùng nhiên liệu diezel sang dùng điện để giảm giá thành dịch vụ và phát triển cảng theo xu hướng thân thiện môi trường. Song song, đầu tư hệ thống cảng cạn ICD dọc QL 19 mới thuộc xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước) với tổng diện tích 30 ha, cùng hệ thống kho, bãi và dịch vụ logistics, tạo tiền đề phát triển vững chắc trong các năm tiếp theo… Đặc biệt, Cảng Quy Nhơn sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả điều hành, khai thác cảng và đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng; Tập trung đào tạo, đào tạo lại chuyên môn nghiệp vụ cho toàn bộ lực lượng quản lý và lực lượng trực triếp sản xuất, từng bước chuyên nghiệp hóa khai thác dịch vụ cảng biển.