Căng thẳng biên giới Armenia-Azerbaijan 'nóng' dần, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan yêu cầu CSTO do Nga đứng đầu hỗ trợ quân sự. (Nguồn: Sputnik) |
Ngày 14/5, hãng thông tấn RIA của Nga dẫn lời Bộ Ngoại giao Azerbaijan cho biết, Azerbaijan và Armenia đang thảo luận nhằm giải quyết căng thẳng tại khu vực biên giới.
Phó Thủ tướng Armenia Tigran Avinyan cũng xác nhận, các quan chức hai nước đang đàm phán nhằm làm dịu cuộc khủng hoảng mới nhất, song vẫn chưa đạt được kết quả.
Ông Avinyan khẳng định, Yerevan muốn giải quyết vấn đề một cách hòa bình, nhưng “chúng ta phải sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ có chủ quyền”.
Trong khi đó, cùng ngày, Văn phòng Thủ tướng Armenia cho biết, người đứng đầu chính phủ nước này Nikol Pashinyan đã yêu cầu Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu tổ chức những cuộc tham vấn về việc hỗ trợ quân sự cho Yerevan, vốn cũng là thành viên của tổ chức này.
Theo hiệp ước, 6 quốc gia thành viên CSTO - gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan - coi hành động gây hấn với một thành viên trong khối là hành động gây hấn với cả khối.
Thủ tướng Pashinyan cũng đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và thông báo về đề nghị này, đồng thời nhận được cam kết từ Moscow "sẵn sàng tiếp tục thực hiện các nỗ lực hòa giải tích cực nhằm đảm bảo sự ổn định trong khu vực”.
Hai nhà lãnh đạo cũng “nhất trí cho rằng, tình hình cần được giải quyết bằng cách yêu cầu quân đội Azerbaijan trở lại vị trí ban đầu của họ”.
Cũng trong ngày 14/5, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, Washington đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở biên giới giữa Armenia và Azerbaijan.
Trả lời báo giới qua điện thoại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jalina Porter cho biết, Washington mong muốn Azerbaijan ngay lập tức rút các lực lượng và “không tiếp diễn hành động khiêu khích”.
Người phát ngôn trên nêu rõ: “Các hoạt động quân sự ở những vùng lãnh thổ tranh chấp là vô trách nhiệm và mang tính khiêu khích một cách không cần thiết”.
Bà Porter nhấn mạnh, các vấn đề phân định biên giới nên được giải quyết thông qua đàm phán và đối thoại.
TIN LIÊN QUAN | |
Tin thế giới 13/5: Nguy cơ bùng phát chiến tranh ở Gaza; Trung Quốc coi nhẹ động thái mới ở Biển Đông; Nga ra lập trường về Donbass |