📞

Căng thẳng Armenia-Azerbaijan: Yerevan phải nhờ đến quốc tế, Mỹ lên tiếng

Thế Việt 06:27 | 28/05/2021
Ngày 27/5, hãng thông tấn Interfax đưa tin, quyền Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã đề nghị triển khai các quan sát viên quốc tế từ Nga hoặc các quốc gia khác thuộc Nhóm Minsk đến khu vực biên giới giữa nước này và Azerbaijan.
Quyền Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đề nghị triển khai quan sát viên quốc tế từ Nga hoặc quốc gia khác thuộc Nhóm Minsk đến biên giới nước này và Azerbaijan. (Nguồn: TASS)

Lời đề nghị của ông Pashinyan được đưa ra sau khi Azerbaijan bắt giữ 6 quân nhân Armenia vào đầu giờ sáng cùng ngày.

Bộ Quốc phòng Azerbaijan cáo buộc những công dân Armenia này cố gắng vượt sang lãnh thổ Azerbaijan nhằm "do thám và phá hoại" trong khi phía Armenia nêu rõ, các lực lượng này chỉ đang triển khai một số công việc kỹ thuật tại khu vực Gegharkunik ở biên giới.

Đây là diễn biến mới nhất trong cuộc tranh chấp biên giới căng thẳng giữa hai nước láng giềng. Trước đó, hồi trung tuần tháng 5, Yerevan cũng tố cáo Baku đưa quân "xâm nhập trái phép lãnh thổ Armenia" mặc dù Azerbaijan bác bỏ cáo buộc trên.

Cùng ngày, Reuters đưa tin, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ lo ngại trước những vụ việc xảy ra ở biên giới Armenia-Azerbaijan, trong đó có vụ Baku bắt giữ binh sĩ trên.

Theo thông cáo của bộ trên, Mỹ hối thúc cả 2 bên giải quyết vấn đề này “ngay lập tức và bằng biện pháp hòa bình”, cho rằng mọi động thái tại các khu vực chưa được phân định trên biên giới Armenia-Azerbaijan đều “mang tính khiêu khích và không cần thiết”.

Trong diễn biến khác, cùng ngày, Interfax dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Armenia Anna Nagdalyan xác nhận, quyền ngoại trưởng nước này Ara Ayvazyan đã đệ đơn xin từ chức, trong bối cảnh làn sóng xung đột mới giữa Armenia và Azerbaijan chực chờ bùng phát.

Giữa Amernia và Azerbaijan tồn tại căng thẳng kéo dài liên quan đến tranh chấp chủ quyền đối với khu vực Nagorno-Karabakh. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia.

Xung đột bùng phát hồi tháng 9/2020 và kéo dái 6 tuần tại vùng tranh chấp Nagorny-Karabakh đã khiến khoảng 6.000 người thiệt mạng. Hai bên đã ký thỏa thuận ngừng bắn dưới sự trung gian của Nga.