📞

Căng thẳng Mỹ-Trung đẩy mạnh 'giá trị' của NAFTA phiên bản mới

14:43 | 30/05/2020
TGVN. Trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 châm ngòi cho một phong trào trên quy mô toàn cầu muốn dịch chuyển hoạt động chế tạo khỏi Trung Quốc, vị thế của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) phiên bản mới đã được nâng lên 'tầm cao mới'.
Vào mùa Hè này, NAFTA phiên bản mới sẽ có hiệu lực trong một thế giới hoàn toàn khác biệt so với trước đây. (Nguồn: Reuters)

Cách đây một năm, NAFTA 2.0 được đánh giá như "hiệp phụ" nếu so với những nỗ lực trong "hiệp đấu chính" của Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn có một thỏa thuận thương mại mới với Trung Quốc.

NAFTA phiên bản mới có các tên gọi khác nhau ở ba quốc gia Bắc Mỹ. Hiệp định này được Mỹ gọi là USMCA. Trên website của Chính phủ Canada, “NAFTA mới” được gọi là CUSMA – Hiệp định Canada-Mỹ-Mexico, tức “Canada” được đặt lên trên đầu thay vì ở cuối. Trong khi đó, truyền thông Mexico gọi hiệp định này là “T-MEC”. Vào mùa Hè này, NAFTA phiên bản mới sẽ có hiệu lực trong một thế giới hoàn toàn khác biệt so với trước đây.

Nhà Trắng hy vọng NAFTA phiên bản mới, cũng như hai nước đối tác thành viên của hiệp định, sẽ hỗ trợ kinh tế Bắc Mỹ phục hồi. Trong một phát biểu mới đây, cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump, ông Larry Kudlow nhận định: "Khi các nền kinh tế có thể gượng dậy, hoạt động thương mại sẽ đi lên. Canada và Mexico là các đối tác thương mại vô cùng quan trọng (với Mỹ)".

Nhưng không phải doanh nghiệp nào tại Canada cũng háo hức đón chào NAFTA phiên bản mới, chẳng hạn như ngành sữa. Nông dân trong ngành và các cơ sở chế biến của Canada cho biết tác động "tổng hợp" từ các hiệp định (Hiệp định Thương mại và Kinh tế toàn diện EU-Canada, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và NAFTA 2.0) sẽ khiến ngành này thiệt hại 320 triệu CAD/năm. Tại Canada, các hãng chế tạo ô tô và phụ tùng ô tô cũng đang tích cực vận động hành lang để có thêm thời gian chuẩn bị cho việc thực thi NAFTA phiên bản mới.

Theo các chuyên gia, đại dịch lần này đang thúc đẩy các nỗ lực của Mỹ nhằm rút chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc và điều này có thể "khuyếch đại" lợi ích của NAFTA 2.0, hứa hẹn biến Bắc Mỹ thành "bến cảng an toàn" để các doanh nghiệp ẩn náu trong "cơn bão" toàn cầu. Mỹ không phải là đối tác duy nhất ở Bắc Mỹ "bỏ nhiều trứng vào giỏ NAFTA 2.0", mà Mexico cũng kỳ vọng nhiều vào hiệp định này. NAFTA 2.0 là cơ hội để rút ngắn chuỗi giá trị ở Bắc Mỹ, nơi Mexico có thể trở thành một địa chỉ rất quan trọng.

(theo TTXVN)