Trong bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine ngày một leo thang, cuối tháng 1, Mỹ đã yêu cầu người nhà của các nhà ngoại giao làm việc ở Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine, cũng như các nhân viên đảm nhận vị trí không thiết yếu, trở về quê nhà do những lo ngại rằng Moscow sẽ có những động thái quân sự với Ukraine.
Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên quyết định rút các nhà ngoại giao khỏi Ukraine. (Nguồn: Reuters) |
Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, Đại sứ quán Mỹ tại Kiev vẫn hoạt động bình thường và việc rút bớt các cán bộ và nhân viên ngoại giao không phải là một cuộc di tản, bởi quyết định này đã được cân nhắc trong thời gian dài và không đồng nghĩa với việc Mỹ nới lỏng các biện pháp hỗ trợ Ukraine.
Sau đó, các nước đồng minh của Mỹ như Anh và Canada cũng đã có những động thái tương tự và tạm thời đưa một số cán bộ, nhân viên ngoại giao về nước trong khi một số khác, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), chọn ở lại để tìm kiếm các biện pháp ngoại giao mạnh mẽ hơn nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra xung đột.
Tuy nhiên, động thái của một số nước phương Tây lại khiến Ukraine phật lòng. Ngày 24/1, trên Twitter, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko gọi động thái này là “quá sớm”.
Cụ thể, ông Nikolenko viết: “Mặc dù chúng tôi tôn trọng quyền của các quốc gia nước ngoài trong việc đảm bảo an toàn và an ninh cho các cơ quan đại diện ngoại giao của họ, song chúng tôi tin rằng một bước đi như vậy là quá sớm và là một ví dụ của sự thận trọng quá mức”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine cũng thông tin thêm, chỉ một vài nước trong tổng số 129 cơ quan đại diện tại Ukraine mới đưa ra thông báo giảm nhân viên. Dưới đây là động thái cụ thể của một số nước:
Mỹ
Sau khi đưa ra thông báo, các nhà ngoại giao Mỹ ở Kiev đã có một buổi họp trực tuyến với công dân Mỹ tại đây và thông báo rằng, trong trường hợp xảy ra xung đột, Đại sứ quán Mỹ sẽ không thể sơ tán công dân. Đồng thời, các nhà chức trách Mỹ cũng đưa ra cảnh báo cấp độ 4 và yêu công dân Mỹ không du lịch đến Nga và Ukraine “do các mối đe dọa gia tăng từ hành động quân sự của Nga và do dịch Covid-19”.
Ngoài ra, người dân Mỹ tại Ukraine cũng được khuyên nên cân nhắc rời khỏi Ukraine ngay lập tức bằng các phương tiện thương mại hoặc tư nhân. New York Times ghi nhận, các quan chức Mỹ từ chối cung cấp thêm chi tiết vì sao lại đưa ra “lệnh sơ tán” trong thời điểm này, mà chỉ đưa lại phát biểu của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng “một cuộc xâm lược có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.
Nhưng theo Wall Street Journal, Nhà Trắng đã thông qua một kế hoạch của Lầu Năm Góc cho phép quân đội Mỹ ở Ba Lan có thể sơ tán người dân tại Ukraine trong trường hợp xung đột nổ ra.
Theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, quyết định trên nhằm bảo vệ sự an toàn và an ninh cho các nhân viên ngoại giao Mỹ và gia đình của họ.
“Tôi muốn nói rõ rằng đại sứ quán của chúng tôi tại Kiev sẽ vẫn mở cửa và chúng tôi tiếp tục duy trì sự hiện diện mạnh mẽ để cung cấp hỗ trợ ngoại giao, kinh tế và an ninh cho Ukraine”, ông Blinken khẳng định.
Canada
Ngày 25/1, Bộ Ngoại giao Canada thông báo rằng nước này sẽ tạm thời đưa thành viên gia đình các cán bộ , nhân viên ngoại giao tại Ukraine, về nước. Nguyên nhân được đưa ra cũng là vì “động thái tăng cường quân sự của Nga và hoạt động gây mất ổn định ở và xung quanh Ukraine".
Cố vấn Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak nói với tờ Globe and Mail của Canada rằng động thái đưa gia đình các nhà ngoại giao về nước là có thể hiểu được. Nhưng ông cảnh báo rằng điều đó đang làm suy yếu tinh thần của Ukraine. “Phản ứng thái quá với những gì Nga đang làm… đang khiến xã hội Ukraine lo lắng”, ông Podolyak cho biết.
Đại sứ quán Anh tại Ukraine. (Nguồn: EPA) |
Anh
Cùng ngày, trong một tuyên bố, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nước này đã tạm thời rút một số cán bộ, nhân viên ngoại giao và những người liên quan khỏi Đại sứ quán Anh tại Ukraine. Theo BBC, ĐSQ Anh chỉ còn một nửa số nhân viên so với trước.
Ông Johnson gọi đây là một "biện pháp phòng ngừa có trách nhiệm" nhưng nói rằng ĐSQ sẽ vẫn mở và tiếp tục cung cấp hỗ trợ lãnh sự cho công dân Anh tại Ukraine.
Liên minh châu Âu
Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết, hầu hết các quốc gia thành viên EU sẽ không rút bớt nhân viên ngoại giao khỏi Ukraine.
“Chúng tôi sẽ không làm điều tương tự vì chúng tôi có bất kỳ lý do cụ thể nào”, ông Borrell khẳng định.
Trước đó, ngày 24/1, Bộ Ngoại giao Đức thông tin rằng, các nhà ngoại giao Đức sẽ ở lại, mặc dù một số thành viên gia đình có thể rời đi.
Israel
Tờ Jerusalem Post ngày 26/1 đưa tin, người Do Thái ở Ukraine được cảnh báo rằng họ nên chuẩn bị sơ tán đến Israel khi có nguy cơ xảy ra một cuộc xâm lược.
Ngoài ra, theo Haaretz, cuối tháng 1 vừa qua, chính phủ Israel đã tổ chức một cuộc họp ngắn về mức độ đe dọa đối với các cộng đồng Do Thái ở Ukraine.
Tại cuộc họp, các quan chức đã thảo luận về khả năng tổ chức một chương trình sơ tán dành cho 75.000 người Do Thái ở Ukraine. Đây là những người được cho là đủ điều kiện theo Luật Trở về (Law of Return) của Israel. Luật này ghi rõ sẽ cấp cho mọi người Do Thái, dù họ ở đâu, quyền được đến Israel và có thể sau này được cấp quyền công dân.
| Nga nêu các điều kiện để giảm leo thang nhanh chóng ở Ukraine Ngày 9/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, việc giảm leo thang căng thẳng ở Ukraine, vốn "đã được các ... |
| Nga khước từ Hội nghị An ninh Munich, khối an ninh do Moscow dẫn đầu tung ý tưởng tổ chức hội nghị cạnh tranh Ngày 9/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, các quan chức nước này không có kế hoạch tham gia Hội ... |