Mục đích chính trong chuyến công du Mỹ lần này của Quốc vương Kuwait là tìm cách tháo gỡ thế bế tắc hiện nay cho căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh. Chuyến thăm diễn ra ít ngày sau khi Tổng thống Trump hối thúc Quốc vương Saudi Arabia Salman tìm ra một giải pháp ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng Qatar.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh khiến Mỹ không khỏi quan ngại. Rạn nứt giữa Qatar với các nước láng giềng Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) khiến Mỹ lâm vào thế "tiến thoái lưỡng nan".
Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah Al Ahmad Al Sabah. (Nguồn: Reuters) |
Mỹ có quan hệ chiến lược với cả ba nước đó nên rất khó để Washington điều phối hợp tác khi cả Qatar, Saudi Arabia, UAE không có chung một tiếng nói. Hiện Qatar là nơi đặt căn cứ không quân Al Udeid và Trung tâm Chỉ huy không quân, vũ trụ hỗn hợp của Mỹ - đầu mối chuyên điều phối tất cả sứ mệnh do thám, không kích của Không quân Mỹ trong cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.
Cuộc khủng hoảng giữa Qatar và 4 nước Arab (gồm Saudi Arabia, Bahrain, UAE và Ai Cập) bùng phát từ đầu tháng 6 vừa qua, với việc các nước này quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao và các tuyến vận tải với Qatar do cáo buộc Doha hỗ trợ khủng bố. Tuy nhiên, Qatar đã cực lực phủ nhận các cáo buộc này.
Đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua giữa các quốc gia tại vùng Vịnh. Kuwait hiện đang nỗ lực làm trung gian hòa giải, tuy nhiên căng thẳng vẫn chưa có lối thoát sau hai tháng rưỡi bùng phát, trong bối cảnh các bên không thỏa hiệp hay nhượng bộ.
Hồi tháng 8, Kuwait đưa ra sáng kiến tổ chức cuộc gặp cấp cao với lãnh đạo của tất cả các quốc gia xung đột, nhưng sáng kiến đã không được các nước liên quan trực tiếp ủng hộ. Thế bế tắc hiện nay cho thấy Kuwait sẽ không dễ dàng trong thực hiện nhiệm vụ hòa giải của mình.