📞

Căng thẳng tại Nam Á phủ bóng Hội nghị Thượng đỉnh BRICS

17:36 | 14/10/2016
Ấn Độ được cho là sẽ dùng tư cách chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), diễn ra vào cuối tuần này tại bang Goa, để cô lập Pakistan.

An ninh là vấn đề trọng tâm

Đối với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, sự kiện có mặt lãnh đạo các quốc gia Brazil, Nga, Trung Quốc và Nam Phi là cơ hội để nêu bật mối đe dọa từ Pakistan đối với New Delhi. Tuy nhiên, trong quá trình diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có lẽ sẽ không tập trung vào việc xem xét lại quan hệ đồng minh với Pakistan.

Giới ngoại giao và giới phân tích đều cho rằng, tuyên bố cuối cùng của Hội nghị có thể nhắc lại những lời lên án mới đây về “chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức”, song sẽ tránh nhắc tới những căng thẳng đang nảy sinh giữa các đối thủ cùng sở hữu vũ khí hạt nhân tại Nam Á.

Những cuộc thảo luận này được cho là sẽ khiến an ninh trở thành vấn đề trọng tâm tại Hội nghị BRICS, dù các nhà lãnh đạo cũng sẽ nhắc đến nhiều chủ đề quan trọng khác như kinh tế toàn cầu, hợp tác tài chính và thương mại. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Amar Sinha phát biểu trước thềm Hội nghị: “Chúng tôi sẽ đánh giá tình hình kinh tế toàn cầu và bối cảnh chính trị. Bên cạnh đó, chống chủ nghĩa khủng bố chắc chắn cũng là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự”.

Một trong những vấn đề mà Thủ tướng Ấn Độ Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ cùng bàn thảo, ít nhất là trong cuộc họp riêng, là mong muốn chung của hai bên về việc yêu cầu Islamabad ngăn chặn các tay súng Hồi giáo. Theo quan điểm của Bắc Kinh, các phiến quân Pakistan này sẽ là mối đe dọa đối với các dự án của Trung Quốc nhằm xây dựng một hành lang thương mại với số tiền lên tới 46 tỷ USD đi qua Pakistan đến Biển Arab.

Một binh sĩ Ấn Độ canh gác tại khu vực tranh chấp Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan. (Nguồn: Reuters)

Ông Michael Kugelman, chuyên gia về Nam Á tại Trung tâm Wilson (Mỹ), cho rằng: “Các khoản đầu tư và tài sản của Trung Quốc ở Pakistan ngày càng tăng, bởi vậy, hoàn toàn dễ hiểu khi họ (Trung Quốc) cảm thấy bất an. Tất cả các tay súng, dù là tốt hay xấu theo đánh giá của Pakistan, đều là mối đe dọa đến sự ổn định và nói rộng hơn là đến những lợi ích kinh tế của Trung Quốc”.

Nhằm đáp trả vụ tấn công vào căn cứ quân sự Uri gần đường biên giới chạy qua vùng lãnh thổ tranh chấp Kashmir hôm 18/9 làm 19 binh lính Ấn Độ thiệt mạng, ngoài việc tiến hành “các cuộc tấn công những mục tiêu cụ thể” dọc biên giới, New Delhi còn đang tích cực thực hiện một cuộc tấn công trên mặt trận ngoại giao nhằm cô lập Islamabad.

Islamabad cho rằng, Ấn Độ đã lợi dụng vụ việc trên để làm chệch hướng dư luận khỏi các cuộc đàn áp trong nước đối với các cuộc biểu tình nổ ra sau thủ lĩnh nổi tiếng của phe ly khai bị giết chết. Hơn 80 dân thường đã thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương tại vùng lãnh thổ Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Chính quyền Ấn Độ cũng đã ban hành một lệnh giới nghiêm trên quy mô rộng.

Cạnh tranh Trung - Ấn

Ngay sau cuộc tấn công ở Uri kể trên, Ấn Độ đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của phương Tây cũng như Nga. Tuy nhiên, Trung Quốc lại tỏ ra hạn chế những bình luận công khai đối với tình hình Kashmir.

Ông Zhao Gancheng, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Nam Á tại Viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, cho rằng Trung Quốc và Pakistan đang đặc biệt quan tâm tới những mối đe dọa an ninh đối với hành lang thương mại. Ông nói: “Nếu tình hình an ninh của Pakistan không được cải thiện thì các dự án này, nhất là các dự án cơ sở hạ tầng, sẽ gặp một số trở ngại nhất định. Vì vậy, hợp tác trong vấn đề chống khủng bố là điều rất quan trọng”.

Theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Sinha, lãnh đạo các nước BRICS sẽ thúc đẩy các kế hoạch đã được giới cố vấn an ninh của các nước này nhất trí, bao gồm hợp tác trong vấn đề an ninh mạng, chống khủng bố và an ninh năng lượng. Tuy nhiên, giới ngoại giao và phân tích cho rằng nỗ lực lâu nay của Ấn Độ là gia nhập Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG) sẽ không thể đạt tiến triển tại Goa, do Trung Quốc đến nay vẫn chưa thay đổi lập trường phản đối của mình.

Thủ tướng Ấn Độ Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu hôm 4/9. (Nguồn: Reuters)

Bất chấp những lo ngại về nguy cơ bạo loạn từ phiến quân ở Pakistan, Trung Quốc cũng chưa đáp ứng lời kêu gọi của Ấn Độ liệt Maulana Masood Azhar - thủ lĩnh nhóm Jaish-e-Mohammed mà Ấn Độ cáo buộc gây ra các vụ tấn công ở biên giới, vào danh sách khủng bố. Trung Quốc vừa quyết định kéo dài thêm thời gian xem xét việc này thêm 3 tháng.

Những điều này phản ánh sự đối địch ngày càng lớn giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới. Dưới thời Modi, Ấn Độ đang nỗ lực vượt qua khoảng cách dài tụt hậu phía sau Trung Quốc về mặt kinh tế và quân sự, đồng thời thoát khỏi các mối liên kết truyền thống để tìm kiếm một mối quan hệ đối tác gần gũi hơn với Mỹ.

Trong khi đó, Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chiến lược sang khu vực Ấn Độ Dương, bằng chứng là ngày 14/10 Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Bangladesh - nơi ông dự kiến sẽ ký các thỏa thuận cho vay 24 tỷ USD.

Shashank Joshi, nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia London (Anh), nhận định về Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần này rằng: “Xét một cách toàn diện, đây sẽ là một Hội nghị Thượng đỉnh không mấy suôn sẻ, và đối với Ấn Độ, nỗ lực ngoại giao nhằm cô lập Pakistan sẽ là mục tiêu quan trọng nhất”.

(theo Reuters)