Ông Joe Biden phát biểu tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington D.C, ngày 23/6/2015. (Nguồn: Reuters) |
Sau nhiều năm cáo buộc Trung Quốc về các hoạt động kinh doanh không công bằng, Tổng thống Donald Trump đã tăng cường áp lực lên Bắc Kinh bằng các biện pháp trừng phạt thường được đột ngột đưa ra thông qua các bài đăng trên mạng xã hội Twitter. Cho đến nay, chính quyền của ông đã đánh thuế đối với hàng hóa trị giá hàng tỷ USD của Trung Quốc và khiến gã khổng lồ viễn thông Huawei bị trừng phạt.
Greg Gilligan, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho biết: “Các vấn đề còn tồn tại giữa mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không thay đổi khi chính quyền thay đổi. Có áp lực khiến cả hai bên phải giữ thái độ cứng rắn”.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một vào tháng 1 năm nay, giúp giảm bớt căng thẳng trong 2 năm qua. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng Trung Quốc chậm trễ trong việc hoàn thành các thỏa thuận mua hàng hóa của Mỹ, trong khi đàm phán cho thỏa thuận giai đoạn hai vẫn chưa bắt đầu.
Cũng không rõ chính quyền của ông Biden sẽ xử lý thuế quan như thế nào, vấn đề vốn đã gây tổn hại cho các doanh nghiệp ở cả hai quốc gia sau khi Trung Quốc đáp trả các áp đặt thuế quan của Mỹ.
Scott Kennedy, Cố vấn cấp cao và Chủ tịch Ủy ban Kinh doanh và Kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Mỹ cho biết: “Có một quá trình chuyển đổi kéo dài và một đại dịch cần được kiểm soát. Có lẽ chúng ta sẽ tiếp tục thấy một cuộc ngừng bắn trong cuộc chiến thương mại, nhưng còn quá sớm để biết liệu thuế quan sẽ được gỡ bỏ hay các lệnh trừng phạt Huawei và những thực thể khác sẽ được hủy bỏ”.
Sự cạnh tranh không biến mất
Các nhà phân tích đã chỉ ra rằng chính quyền của ông Biden sẽ có thể làm việc với các đồng minh của Mỹ hiệu quả hơn ông Trump để theo đuổi một chiến lược gắn kết hơn trong cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc. Bởi vì, một trong số ít vấn đề mà cả đảng Cộng hòa và Dân chủ đều nhất trí chính là chính sách cứng rắn hơn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ông Biden, trong bài phát biểu đầu tiên sau khi các hãng truyền thông lớn đồng loạt xác nhận ông là Tổng thống đắc cử, cho biết ông sẽ tập trung vào việc kiểm soát đại dịch Covid-19 mà không đề cập Trung Quốc.
Tổng thống đắc cử cho rằng "an ninh kinh tế là an ninh quốc gia", theo đường lối chính sách đối ngoại của ông.
Tuy nhiên, trong một bài báo "ngoại giao" có tiêu đề "Tại sao Mỹ phải dẫn đầu một lần nữa: Cứu vãn chính sách đối ngoại của Mỹ sau Trump" vào đầu năm nay, ông Biden đã viết: "Mỹ cần phải cứng rắn với Trung Quốc".
“Nếu Trung Quốc làm theo cách của họ, họ sẽ tiếp tục “đánh cắp” công nghệ và tài sản trí tuệ của Mỹ và các công ty Mỹ. Bắc Kinh cũng sẽ tiếp tục sử dụng các khoản trợ cấp để mang lại cho các doanh nghiệp nhà nước một lợi thế không công bằng - và thúc đẩy việc thống trị các công nghệ và ngành công nghiệp trong tương lai”, ông Biden viết trong bài báo.
Bài báo viết rằng: Cách hiệu quả nhất để đối mặt với thách thức đó là xây dựng một mặt trận thống nhất gồm các đồng minh và đối tác của Mỹ để đối đầu với Trung Quốc, ngay cả khi chúng ta tìm cách hợp tác với Bắc Kinh về các vấn đề mà hai bên có lợi ích chung, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và an ninh y tế toàn cầu.
Cơ hội hợp tác
Tuy có sự đối đầu căng thẳng, song cả hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đều hy vọng rằng chính sách đối ngoại dễ đoán hơn dưới thời chính quyền mới của Mỹ sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho một số hợp tác kinh doanh.
"Biden là hợp lý", Xu Hongcai, Phó Giám đốc Ủy ban Chính sách Kinh tế tại Hiệp hội Khoa học Chính sách Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với CNBC. "(Ông) Biden, (ông) Obama, họ hiểu những điều cơ bản của việc tổ chức một cuộc đối thoại".
Ông Xu cũng lưu ý về sự chấm dứt “thời kỳ của (ông) Trump" với việc sử dụng thuế quan, lệnh trừng phạt và các chiến thuật khác để giải quyết các vấn đề thương mại không công bằng.
Lạc quan hơn, chuyên gia này còn cho biết, Trung Quốc có thể giúp Mỹ phát triển cơ sở hạ tầng và hợp tác thương mại quốc tế. Ông cũng nói rằng Bắc Kinh đang tập trung giải quyết các vấn đề như tái cơ cấu các công ty nhà nước, điều mà Mỹ thúc đẩy trong các cuộc đàm phán thương mại.
Mối quan hệ "mong manh" nhưng "ổn định hơn"
Trong khi lãnh đạo các nước từ Đức đến Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nhanh chóng chúc mừng ông Biden với chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ 2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn “án binh bất động”. Việc này có vẻ khác so với cách đây 4 năm, khi giới truyền thông cho biết, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã gọi điện cho ông Trump chỉ một ngày sau khi ông đắc cử năm 2016.
Liên quan cuộc bầu cử, cho đến nay, đương kim Tổng thống Trump vẫn không chịu nhận thất bại. Chiến dịch tranh cử của ông đã đệ đơn kiện ở một số bang quan trọng, yêu cầu điều tra cuộc bầu cử mà họ cho là có sự can thiệp và gian lận.
Tuần trước, trong khi kết quả bầu cử vẫn chưa được xác định, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành nói với các phóng viên rằng ông hy vọng chính quyền tiếp theo của Mỹ sẽ hợp tác với Bắc Kinh và tuân thủ các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau.
Michael Hirson, người đứng đầu nhóm nghiên cứu Trung Quốc và Đông Bắc Á tại công ty tư vấn Eurasia Group nhận định rằng, Bắc Kinh sẽ hoan nghênh thực tế rằng hệ thống chính trị Mỹ bị chia rẽ sâu sắc.
Nhóm nghiên cứu lưu ý rằng sự bế tắc trong Quốc hội đã cản trở các nỗ lực của Mỹ trong việc đưa ra các chính sách đầy tham vọng nhằm chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc, trong khi “sự lộn xộn” của cuộc bầu cử vô hình trung “lại là một chiến thắng tuyên truyền cho Trung Quốc” khi nêu bật những bất ổn của nước Mỹ.
"Tuy nhiên, việc Mỹ phải đối mặt với sự chia rẽ chính trị chỉ là một lý do khiến ông Tập Cận Bình không nhượng bộ các vấn đề quan trọng trong các mối quan hệ với Mỹ, từ vấn đề Hong Kong đến các chính sách công nghiệp và công nghệ của Bắc Kinh", công ty Eurasia Group nhận định.
"Điều đó chỉ ra một điểm cân bằng mong manh trong quan hệ song phương, sẽ ổn định hơn so với thời ông Trump nhưng vẫn căng thẳng và cạnh tranh gay gắt”, theo Eurasia Group.
| Cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc: Bất kể kết quả bầu cử Mỹ 2020 ra sao, căng thẳng thương mại sẽ không biến mất TGVN. Theo cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke, bất kể kết quả bầu cử Mỹ 2020 thế nào, Washington cũng vẫn cần ... |
| Mỹ dự kiến mở rộng trừng phạt thương mại với Trung Quốc TGVN. Ngày 14/10, theo 2 nguồn thạo tin, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đệ trình một đề xuất với chính quyền Tổng thống Donald Trump ... |
| Bloomberg: Mỹ có lợi thế trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc TGVN. Hãng tin Bloomberg dẫn nhận định của nhiều chuyên gia cho rằng, sự thống trị của đồng USD chính là lợi thế của Mỹ ... |