Trước những diễn biến căng thẳng này, các chuyên gia phân tích cho rằng cả Mỹ và Trung Quốc cần tìm ra giải pháp nhằm tránh xảy ra một cuộc chiến thương mại.
Tổng thống Mỹ gia tăng sức ép áp thuế hàng hóa từ Trung Quốc
Trong một động thái nhằm gia tăng sức ép với Trung Quốc, ngày 19/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục công bố các kế hoạch áp mức thuế suất 10% đối với gói hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá tới 200 tỷ USD nhằm đáp trả cái mà ông gọi là động thái "không thể chấp nhận" của Bắc Kinh khi tăng thuế đối với hàng hóa Mỹ.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn thế giới có thể sụt giảm hơn 3% nếu các quyết định áp thuế gần đây của Mỹ và Trung Quốc kích động một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu. (Nguồn: Financial Review) |
Tổng thống Trump khẳng định: "Cần phải có hành động tiếp theo để khuyến khích Trung Quốc thay đổi các quy định không công bằng, mở cửa thị trường đối với hàng hóa Mỹ và chấp nhận một mối quan hệ thương mại cân bằng hơn với Mỹ". Tổng thống Trump cho biết ông đã ra lệnh cho Đại diện Thương mại Mỹ xác định những mặt hàng Trung Quốc phải chịu mức thuế mới. Theo ông, đây là hành động đáp trả việc Trung Quốc tăng thuế đối với lượng hàng Mỹ trị giá 50 tỷ USD.
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch áp mức thuế 10% đối với gói hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá tới 200 tỷ USD, một người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố nếu Mỹ công bố thêm danh mục hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế bổ sung, phía Trung Quốc sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện các biện pháp đáp trả tương ứng cả về số lượng và chất lượng.
Trong tuyên bố, Người Phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh: "Những hành động gia tăng sức ép và hăm dọa như vậy đi ngược lại sự đồng thuận mà hai bên đã đạt được qua các vòng tham vấn và gây thất vọng cho cộng đồng quốc tế". Người phát ngôn này cũng cho rằng, cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động đi ngược luật pháp thương mại quốc tế và xu hướng phát triển hiện nay của thế giới, làm tổn hại những lợi ích của người dân hai nước cũng như của các doanh nghiệp và người dân trên toàn thế giới.
Trước đó, ngày 15/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố danh sách các mặt hàng tổng trị giá 50 tỷ USD của Trung Quốc bị áp mức thuế 25% với cáo buộc Bắc Kinh vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời cảnh báo sẽ áp thuế bổ sung nếu Trung Quốc dùng các biện pháp trả đũa. Ngay sau đó, Bắc Kinh có động thái trả đũa bằng cách áp thuế tương tự lên số hàng Mỹ có cùng trị giá.
Thị trường chứng khoán thế giới lao dốc
Sau các tuyên bố áp thuế lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc, thị trường chứng khoán châu Mỹ và châu Âu đồng loạt "lao dốc".
Trong phiên giao dịch ngày 19/6, trong ba chỉ số chứng khoán chính của Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones bị tác động mạnh nhất, giảm tới 1,2% giá trị, chốt phiên ở mức 24.700,21 điểm. Trong khi đó, chỉ số tổng hợp S&P 500 và chỉ số công nghệ Nasdaq lần lượt giảm 0,4% và 0,3% giá trị.
Tại các thị trường bên kia bờ Đại Tây Dương, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) ít bị ảnh hưởng nhất, giảm 0,4%. Trong khi đó, các sàn chứng khoán khác của châu Âu như Frankfurt (Đức), Paris (Pháp) và Euro Stoxx 50 đều ghi nhận mức giảm khoảng 1%.
Chứng khoán châu Á cũng diễn biến trái chiều do các nhà đầu tư thận trọng theo dõi tình hình thị trường. Chứng khoán Nhật Bản và Hàn Quốc mở cửa phiên giao dịch ngày 20/6 đều tăng giá. Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo tăng 0,31%, tương đương 68,21 điểm so với giá trị chốt phiên ngày 19/6. Chỉ số Topix tăng 0,08%. Trong khi đó, chỉ số KOSPI ở Seoul (Hàn Quốc) cũng tăng 0,28%, tương đương 6,53 điểm trong vòng 15 phút giao dịch đầu tiên.
Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã gia tăng kể từ khi ông Trump lên nắm quyền vào năm 2017. (Nguồn: Kfgo) |
Trong số các chỉ số chứng khoán của Trung Quốc, duy nhất có chỉ số Hang Seng ở Hong Kong tăng điểm (với mức tăng 0,35%) khi mở cửa ngày 20/6 sau khi lao dốc trong phiên giao dịch trước. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite ở sàn giao dịch Thượng Hải và Shenzhen Composite ở Thâm Quyến đều giảm lần lượt là 0,615 và 0,62%.
Các biện pháp trừng phạt lẫn nhau liệu có hiệu quả?
Việc Tổng thống Mỹ Trump công bố danh sách các mặt hàng tổng trị giá 50 tỷ USD của Trung Quốc bị áp mức thuế 25% với cáo buộc Bắc Kinh vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và gia tăng sức ép với Trung Quốc khi công bố các kế hoạch áp mức thuế suất 10% đối với gói hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá tới 200 tỷ USD đã cho thấy ông Trump quyết tâm thể hiện quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh.
Chuyên gia Dennis Wilder, người đứng đầu chương trình về quan hệ Mỹ - Trung của Đại học Georgetown, nhận định việc chính quyền Tổng thống Trump cho rằng quyết định tiếp tục gây áp lực về thuế với Bắc Kinh sẽ giúp Washington có thể nhận lại được những đề nghị tốt hơn. Theo một số nguồn tin, tại vòng đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hồi đầu tháng Sáu này, phái đoàn Trung Quốc đã đề xuất với phái đoàn Mỹ về việc nhập thêm lượng hàng hóa có tổng trị giá gần 70 tỷ USD từ Mỹ. Tuy nhiên, đề xuất này có vẻ chưa đáp ứng được kỳ vọng của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Trong khi đó, trên thực tế, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, vốn đã đạt mức cao kỷ lục trong năm 2017 lên tới 375 tỷ USD, đang có xu hướng tăng trong năm 2018. Thực tế khó khăn này đã buộc Tổng thống Trump phải trông cậy vào chính sách áp thuế cao với Trung Quốc để giải quyết một vấn đề khó khăn mà ông đã cam kết với cử tri Mỹ.
Hơn nữa, sự phản đối từ các nghị sỹ của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ đối với quyết định của Nhà Trắng giảm mức trừng phạt với công ty công nghệ ZTE của Trung Quốc, đã bộc lộ những mâu thuẫn trên chính trường Mỹ về cách "ứng xử" với đối thủ Trung Quốc trong vấn đề thương mại. Chính vì vậy, việc Tổng thống Mỹ Trump gia tăng sức ép áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc có thể để phản ứng với những chỉ trích rằng Chính quyền Mỹ đã nhượng bộ với đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc, trong khi lại "mạnh tay" với các đối tác quan trọng khi tăng thuế nhôm và thép nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU), Canada và Nhật Bản.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định con số hàng chục tỷ USD mà Mỹ áp thuế với Trung Quốc chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với quy mô của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, qua đó hạn chế năng lực của Mỹ trong việc buộc Trung Quốc nhượng bộ theo mong muốn của Tổng thống Trump.
Mặt khác, một số chuyên gia cũng lo ngại về những “thông điệp” của quyết định này, cũng như những tác động tiêu cực đối với kinh tế thế giới. Chính quyền Tổng thống Trump đang đối mặt cùng lúc với những mục tiêu đầy thách thức như việc theo đuổi thỏa thuận với Triều Tiên, trong khi thúc đẩy sự nhượng bộ toàn diện về kinh tế từ Trung Quốc.
Các nhà phân tích nhận định con số hàng chục tỷ USD mà Mỹ áp thuế với Trung Quốc chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với quy mô của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. (Nguồn: Asia Times) |
Việc Mỹ gia tăng sức ép áp thuế hàng hóa từ Trung Quốc có thể khiến Trung Quốc nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên. Chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Viện Doanh nghệ Mỹ Derek Scissors đánh giá Mỹ đang yêu cầu Trung Quốc thay đổi hoàn toàn và hành động áp thuế đối với Bắc Kinh sẽ không đem lại kết quả khả quan nào.
Thực tế cũng cho thấy, bản chất hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc phụ thuộc lẫn nhau, nên không có nhiều cách thức để Mỹ gia tăng sức ép áp thuế hàng hóa từ Trung Quốc mà không gây tổn thương cho chính Mỹ. Bởi khi Washington áp đặt các biện pháp thuế mới, Bắc Kinh được cho là sẽ đáp trả bằng các biện pháp áp thuế nhằm vào hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Cho đến nay, chính sách áp thuế của Mỹ vẫn chưa ghi nhận được những biến chuyển từ Trung Quốc, do vậy đây có vẻ không phải cách tiếp cận hiệu quả nhất cho vấn đề thương mại với Trung Quốc. Chuyên gia về Trung Quốc Ryan Hass của Viện nghiên cứu Brookings khẳng định, việc thực hiện chính sách bảo hộ thương mại và kỳ vọng vào sự nhượng bộ lớn từ Bắc Kinh sẽ không phải là chiến lược để thay đổi cách hành xử của Trung Quốc.
Theo chuyên gia này, cả Mỹ và Trung Quốc vẫn có những mục tiêu mà không xung đột về lợi ích. Mỹ cần cho thấy sự tiến triển trong cân bằng quan hệ kinh tế Mỹ - Trung bằng cách mở rộng xuất khẩu và tạo việc làm tại Mỹ, trong khi Trung Quốc cần chuyển đổi nền kinh tế theo hướng dựa vào tiêu dùng nội địa và các dịch vụ bền vững hơn nhằm tiếp tục thúc đẩy sản phẩm của Trung Quốc vào chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó, cả Mỹ và Trung Quốc cần tìm ra giải pháp để có thể hỗ trợ cho mục tiêu của mỗi bên nhằm tránh được một cuộc chiến thương mại mà theo dự đoán sẽ gây tổn hại cho kinh tế toàn cầu.