Trung Quốc đã tăng thuế đối với LNG của Mỹ lên 25% vào ngày 1/6 để trả đũa mức thuế quan của Mỹ. (Nguồn: AFP) |
45 năm sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ, nước Mỹ đã vươn lên thành nhà xuất khẩu "vàng đen" lớn nhất thế giới. Năm 2018, Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ công bố, với mức sản lượng kỷ lục 10,88 triệu thùng/ngày, Mỹ đã vượt qua Nga và Saudi Arabia. EIA dự báo, năm 2019 sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ đạt mức trung bình 12,06 triệu thùng/ngày, tăng 1,18 triệu thùng so với năm trước.
Đối với LNG, Mỹ là nước xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Năm 2018, hoạt động xuất khẩu LNG của Mỹ tăng 53% so với năm trước đó. Giới chuyên gia dự báo, Mỹ sẽ chỉ xếp sau Qatar và Australia về xuất khẩu LNG vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, vị trí nói trên của Mỹ đang bị đe dọa bởi căng thẳng thương mại trong một năm qua với Trung Quốc. Mỹ đã khởi động cuộc chiến thương mại bằng cách liên tiếp giáng những đòn thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc kể từ tháng 7/2018. Chỉ hai tháng sau, Trung Quốc đã đáp trả với mức thuế 10% đối với LNG của Mỹ và các hàng hóa khác.
Ngày 1/6 vừa qua, Trung Quốc tiếp tục áp dụng mức thuế trả đũa đối với LNG từ Mỹ ở mức 25%. Động thái này được đưa ra sau quyết định mới đây của Washington về việc tăng thuế đối với hầu hết hàng hóa của Bắc Kinh.
Theo dữ liệu từ Cục điều tra dân số Mỹ, trong khoảng thời gian từ tháng 3/2019 đến nay, Trung Quốc chỉ chiếm 2% xuất khẩu LNG của Mỹ. Thay vào đó, Trung Quốc đang tìm kiếm các nguồn LNG từ các quốc gia khác khác. Vào tháng 4/2019, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đã đồng ý mua 10% cổ phần trong dự án LNG khổng lồ của Nhà sản xuất khí Novatek của Nga.
Nicholas Browne, Giám đốc nghiên cứu LNG của Công ty nghiên cứu thị trường Wood Mackenzie cho biết, ba Nhà sản xuất khí Sinopec, Novatek và Gazprombank của Nga cũng đã ký thỏa thuận thành lập liên doanh bán LNG cho người dùng Trung Quốc. Thỏa thuận này được kí kết ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin có buổi gặp gỡ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Moscow.
Australia cũng là một quốc gia sẵn sàng thay Mỹ "lấp đầy chỗ trống" LNG cho Trung Quốc. Năm 2018, Trung Quốc đã nhập khẩu 23 triệu tấn LNG của Australia (khoảng 42% tổng sản lượng xuất khẩu của nước này). Browne tại Công ty nghiên cứu thị trường Wood Mackenzie dự đoán, con số này còn có thể tăng lên.
Không chỉ thế, các liên doanh LNG của Mỹ liên quan đến các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang rơi vào tình trạng không chắc chắn. Cụ thể, một thỏa thuận phát triển chung cho sản xuất LNG ở bang Alaska (Mỹ) được cho là sẽ được ký với nhà đầu tư Trung Quốc vào tháng 12/2019 hiện đang bị trì hoãn.
Cũng trong bối cảnh này, nhiều "đại gia năng lượng" lớn của Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước cũng có những thay đổi ảnh hưởng đến việc xuất khẩu LNG của Mỹ. Do căng thẳng thương mại Trung - Mỹ, các "đại gia năng lượng" của Trung Quốc này hiện không muốn đầu tư và thực hiện hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp Mỹ.
PetroChina đã ký hợp đồng mua bán 25 năm với "gã khổng lồ" Cheniere Energy của Mỹ vào tháng 2/2018, nhưng kể từ khi cuộc chiến thương mại leo thang, PetroChina đã từ chối nhập khẩu LNG của Mỹ.
Nhu cầu LNG của Trung Quốc gia tăng kể từ năm 2018 với mục đích khắc phục ô nhiễm không khí của nước này. Với mong muốn loại bỏ sự phụ thuộc vào than đá, Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc cũng dự kiến tăng nhập khẩu từ 53 triệu tấn LNG năm 2018 lên gần 93 triệu tấn vào năm 2025.
Năm 2017, khoảng 15% LNG của Mỹ được xuất sang Trung Quốc. Nhưng kể từ khi áp dụng thuế quan, Trung Quốc chỉ nhận được 4 lô hàng LNG, so với 35 lô hàng trong khoảng thời gian từ tháng 9/2017 đến tháng 4/2018. Ngoài ra, số tàu chở LNG Mỹ sang Trung Quốc đã giảm khoảng 20% trong năm 2018 so với năm 2017. Nguyên nhân của sự sụt giảm này được cho là do cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington leo thang.
Các dự án phát triển của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ tiếp tục gia tăng sản lượng xuất khẩu của ngành LNG Mỹ. Cơ quan này muốn biến Mỹ trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn thứ 3 thế giới. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại đang là khách hàng LNG lớn của Washington. Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế ngày một gay gắt hơn sẽ tác động đến những dự án phát triển LNG trong dài hạn.