Mỹ đang cạnh tranh vị thế của Trung Quốc tại châu Phi thông qua tuyến đường sắt xuyên châu lục này mang tên Hành lang Lobito. (Nguồn: Ivanhoe) |
Trong hai thập kỷ qua, công cuộc tái thiết sau chiến tranh ở Angola có sự giúp đỡ không nhỏ từ phía Trung Quốc, bao gồm các lĩnh vực từ đường sắt, đường cao tốc, cảng biển và đập thủy điện.
"Hình bóng" của Trung Quốc tại quốc gia Nam châu Phi này trở nên rõ ràng vào năm 2002 sau khi nước này kết thúc cuộc nội chiến kéo dài 27 năm đã tàn phá cơ sở hạ tầng và nền kinh tế, Tổng thống Angola Jose Eduardo dos Santos khi đó đã rộng cửa chào đón các nhà đầu tư Bắc Kinh.
Mỹ tăng tốc với Hành lang Lobito
Tuy nhiên, hiện nay Mỹ đang cạnh tranh vị thế của Trung Quốc tại châu Phi thông qua tuyến đường sắt xuyên châu lục này mang tên Hành lang Lobito. Tuyến đường sắt này chạy từ bờ biển Đại Tây Dương của Angola qua CHDC Congo và Zambia về phía Đông đến Ấn Độ Dương.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), khu vực Nam Sahara của châu Phi ước tính nắm giữ 30% trữ lượng khoáng sản quan trọng của thế giới.
Phó Giáo sư Austin Strange chuyên ngành chính trị và hành chính công tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc) đánh giá, Mỹ đang ngày càng cảnh giác trước tiềm năng thống trị thị trường của Trung Quốc tại các nước đang phát triển như CHDC Congo. Ông Strange nhận định: “Việc Hành lang Lobito được tái thiết có thể giúp cải thiện khả năng tiếp cận các khoáng sản quan trọng của Mỹ và châu Âu”.
Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU) đang đầu tư hàng tỷ USD để cải tạo Hành lang Lobito. Trong đó, đáng chú ý là việc cải tạo tuyến đường sắt hiện có trên tuyến Benguela dài 1.344 km (qua CHDC Congo) và xây dựng tuyến đường sắt mới dài 800 km (qua Tây Bắc Zambia). Tập đoàn Tài chính Phát triển quốc tế Mỹ (DFC) đã ứng trước 250 triệu USD ban đầu để đầu tư nâng cấp một số phần của tuyến Benguela tại CHDC Congo.
Khoản đầu tư dành cho Hành lang Lobito là một phần trong sáng kiến Đối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu (PGII) trị giá 600 tỷ USD do Mỹ và các nước G7 khởi xướng nhằm đối trọng với Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) của Trung Quốc - vốn nhằm liên kết các nền kinh tế dọc tuyến thành một mạng lưới thương mại.
Bộ Ngoại giao Mỹ vào tháng 10 cho biết, trong vòng chưa đầy 18 tháng kể từ cam kết của Tổng thống Mỹ Joe Biden, nước này đã công bố khoản tài trợ trị giá hơn 3 tỷ USD cho Angola, CHDC Congo và Zambia. Mỹ và EU cũng đặt mục tiêu đảm bảo các chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng ở Angola, Zambia, Tanzania và CHDC Congo - nhà cung cấp coban lớn nhất thế giới. Hầu hết coban hiện được xuất khẩu sang Trung Quốc - quốc gia đi đầu trong lĩnh vực xe điện (EV) và năng lượng xanh.
Tổng thống Joe Biden đã lên kế hoạch thăm Luanda (Angola) vào tuần đầu tiên của tháng 12. Đây sẽ là chuyến công du đầu tiên của ông Biden tới châu Phi kể từ khi nhậm chức năm 2021.
Giáo sư Carlos Lopes tại Trường Quản trị công Nelson Mandela thuộc Đại học Cape Town (Nam Phi) đánh giá, Trung Quốc có lợi thế đáng kể trong việc đảm bảo quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên quan trọng và Mỹ rất muốn củng cố chỗ đứng tại khu vực này.
Theo Giáo sư Lopes, “việc tập trung vào Hành lang Lobito nêu bật nỗ lực của Mỹ trong việc thúc đẩy cơ sở hạ tầng và các tuyến đường thương mại, từ đó làm giảm sự thống trị về logistics của Trung Quốc”.
Ông Ronak Gopaldas, Giám đốc công ty tư vấn rủi ro Signal Risk nhận định, ông Joe Biden đến thăm Angola trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị diễn ra gay gắt ở châu Phi.
Mới đây, Tanzania đã ký một thỏa thuận với Mỹ để cho phép mở rộng Hành lang Lobito tới các mỏ niken ở quốc gia Đông Phi này. Hiệp ước này sẽ giúp Mỹ mở rộng quyền tiếp cận các khoáng sản quan trọng và có khả năng tạo ra hành lang xuyên châu Phi - tuyến đường sắt kết nối Đông-Tây đầu tiên ở châu Phi.
Ngoài ra, TechMet, công ty có Tập đoàn tài chính phát triển quốc tế Mỹ (DFC) là cổ đông chính, đã hợp tác với Lifezone Metals tại Tanzania để xây dựng một cơ sở mới để chế biến niken, với mục tiêu cung cấp pin niken cho thị trường toàn cầu vào năm 2026.
Động thái này diễn ra khi những xung đột thương mại đang bùng phát giữa Trung Quốc và phương Tây về những rủi ro liên quan tình trạng dư thừa công suất trong ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc - dẫn đến việc Mỹ và EU áp đặt thuế quan cao đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo cựu Bộ trưởng cCông trình công cộng Liberia W. Gyude Moore, Mỹ và EU đã đặt cược rất nhiều vào Hành lang Lobito như một giải pháp thay thế cho nguồn tài chính cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.
Ông Moore cho biết: “Hành lang Lobito gắn liền với việc kết nối một khu vực giàu khoáng sản của lục địa với chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua đường sắt và cảng biển. Đây là một minh chứng cho thấy phương Tây không nhượng bộ nguồn tài chính cơ sở hạ tầng cho Trung Quốc”.
Cần vì lợi ích của cộng đồng châu Phi trước tiên
Trung Quốc được dự đoán sẽ vẫn giữ được ảnh hưởng tại châu Phi. Trung Quốc đã đầu tư một số tiền không nhỏ để cải tạo các đoạn Đường sắt Benguela.
Bên cạnh đó, tập đoàn lớn của Trung Quốc là China Communications Construction cũng có cổ phần trong liên doanh gồm Trafigura, Mota-Engil và Vecturis đã giành được hợp đồng nhượng quyền 30 năm cho dịch vụ đường sắt và hậu cần vào năm 2022.
Theo Phó Giáo sư Dominik Kopinski tại Viện Kinh tế thuộc Đại học Wroclaw (Ba Lan), tập đoàn China Communications Construction nắm giữ 32,4% cổ phần tại Mota-Engil vào đầu năm nay. Trong khi đó, China Civil Engineering Construction của Trung Quốc cũng có cổ phần trong tuyến đường sắt Tanzania-Zambia (thường được gọi là Tazara, nối khu vực Copperbelt của Zambia với cảng Dar es Salaam).
Hồi tháng 9, quốc gia tỷ dân này đã cam kết chi 1 tỷ USD để cải tạo tuyến đường sắt Tanzania-Zambia. China Civil Engineering Construction sẽ cải tạo tuyến đường sắt được xây dựng vào những năm 1970 và đây vẫn là dự án viện trợ nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc tại châu Phi.
Sau đó, phía Trung Quốc sẽ vận hành tuyến đường sắt trong 30 năm để thu lợi nhuận và thu hồi vốn đầu tư trước khi chuyển giao cho chính quyền Tanzania và Zambia.
Đáng chú ý, Tazara có thể giao thoa với tuyến đường sắt Lobito và tạo ra một hành lang xuyên lục địa.
Theo ông Sun Yun, Giám đốc chương trình Trung Quốc tại nhóm nghiên cứu Stimson Center (Washington), Mỹ có lợi ích trong các dự án phát triển ở châu Phi và việc Mỹ chọn thời điểm này để tăng cường hiện diện sẽ có lợi cho chính các nước châu Phi. Vị chuyên gia này nhận định: “Cạnh tranh Mỹ-Trung là sự cạnh tranh lành mạnh vì nó cung cấp cho châu Phi các lựa chọn và buộc các cường quốc phải hành xử tốt hơn”.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng sẽ hợp lý về mặt kinh tế nếu tuyến đường sắt Tazara do Trung Quốc hậu thuẫn kết nối với tuyến đường sắt Lobito thay vì xây dựng một tuyến đường sắt mới hoàn toàn đến cảng Dar es Salaam.
Trong 120 năm qua, các công ty từ các nước phương Tây và không phải phương Tây, bao gồm cả Trung Quốc, đã đầu tư để duy trì và cải thiện đường sắt ở Hành lang Lobito.
Ông Tra Đạo Huỳnh, Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, lập luận: “Về cơ bản, không có cơ sở thực tế nào để tuyên bố hành lang đường sắt Lobito là dự án của phương Tây. Nếu Hành lang Lobito và đường sắt Tazara có thể được kết nối, có thể có một tuyến đường sắt xuyên đại dương thực sự cho khu vực đó của châu Phi. Việc các nước tham gia vào các dự án đường sắt sẽ phải phục vụ lợi ích của cộng đồng châu Phi trước tiên, đó mới là cách tiếp cận hợp lý và thực sự bền vững về mặt chính trị xã hội”.
Theo Phó Giáo sư Strange từ Đại học Hong Kong, yếu tố cạnh tranh của các cường quốc xóa nhòa đi những thách thức cấp bách hơn trong việc xác định, tài trợ và triển khai các dự án cơ sở hạ tầng có khả năng sinh lời. “Có nhiều không gian cho Trung Quốc, Mỹ và các bên liên quan công và tư nước ngoài khác đầu tư, cạnh tranh và học hỏi lẫn nhau”, ông Strange cho biết.
Theo dữ liệu từ Trung tâm Chính sách phát triển toàn cầu của Đại học Boston (Mỹ), giai đoạn 2002-2023, riêng Angola đã nhận 46 tỷ USD, tương đương 1/4 trong tổng số 182,3 tỷ USD mà các nhà cho vay Trung Quốc đã ứng trước cho các quốc gia châu Phi.
| Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu tham dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế ASEAN-Trung Quốc vùng Vịnh lớn (GBA) Ngày 12/11, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu Nguyễn Việt Dũng đã tham gia Lãnh sự đoàn thăm Đặc khu kinh tế Thâm ... |
| Thủ tướng Chính phủ chủ trì họp bàn Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam và đường sắt kết nối với Trung Quốc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam và các dự án đường sắt ... |
| Solskjaer từ chối đội tuyển Đan Mạch vì một đội bóng lớn? Theo truyền thông Đan Mạch, cựu HLV MU Ole Gunnar Solskjaer từ chối đề nghị của Liên đoàn bóng đá nước này vì đang đàm ... |
| Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: Bất ngờ với hồ sơ và tuyên bố của đối tượng bị bắt giữ vì tình nghi ám sát ông Trump Đối tượng bị bắt giữ bên ngoài sự kiện vận động tranh cử của ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump tại ... |
| Cuba đáp trả Mỹ khi bị nói 'chẳng thấy yêu cầu hỗ trợ nào', Nga sát cánh ra tuyên bố phản đối mọi sự cấm vận Havana Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel đã yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế kéo dài suốt nhiều thập kỷ qua đối với ... |