Thủ tướng Australia Scott Morrison đã lên tiếng trấn an dư luận về những căng thẳng trong mối quan hệ với Trung Quốc và ảnh hưởng của những căng thẳng này đối với hoạt động thương mại của Australia.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Australia sang Trung Quốc trong năm 2020 trị giá 145,05 tỷ AUD, chỉ giảm 2,2% so với mức cao kỷ lục của năm 2019. (Nguồn: Getty) |
Quan hệ thương mại ở mức cao chưa từng thấy
Trong bài viết đăng tải trên tờ Sydney Morning Herald ngày 19/5, nhà báo Peter Hartcher dẫn phát biểu của ông Morrison cho biết, bầu không khí ngoại giao với nhiều mảng màu tối đang bao phủ hai quốc gia, nhưng mối quan hệ giữa hai bên vẫn tiếp diễn.
Hơn một năm qua, chính phủ Trung Quốc liên tục áp đặt lệnh hạn chế đối với nhiều loại hàng hóa xuất khẩu của Australia, như thịt bò, lúa mạch, rượu vang, than nhiệt, đồng, bông, hải sản, đường và gỗ. Ngoài ra, nước này cũng công khai cảnh báo sinh viên và khách du lịch không nên đến Australia vì nguy cơ bạo lực do phân biệt chủng tộc.
Tuần trước, tờ Thời báo Hoàn cầu cảnh báo Bắc Kinh có thể gây ảnh hưởng nhiều hơn đối với nền kinh tế Australia nếu Canberra tiếp tục tăng chi tiêu quốc phòng.
Trả lời phỏng vấn cho cuốn sách "Vùng Đỏ: Thách thức của Trung Quốc và tương lai của Australia" do nhà báo Hartcher chắp bút, ông Morrison khẳng định, hai quốc gia vẫn đang trao đổi thương mại với nhau.
Thủ tướng Australia nói: "Mối quan hệ đôi bên vẫn tồn tại, xét riêng khía cạnh thương mại - tổng khối lượng đang ở mức cao chưa từng thấy. Đây có thể là một quan điểm minh chứng rằng khi tất cả đã được nói ra và thực hiện, thì mối quan hệ vẫn còn giá trị rất lớn".
Nhận định của ông Morrison được đưa ra trong buổi phỏng vấn vào tháng 9/2020. Lúc đó, những nhận định như vậy có vẻ không phù hợp với các lệnh hạn chế mà Bắc Kinh áp dụng đối với hơn 20 tỷ AUD (15,6 tỷ USD) hàng hóa xuất khẩu của Australia. Nhưng cho tới đầu năm nay, các số liệu thống kê thương mại năm 2020 của Australia đã cho thấy quan điểm của ông Morrison là hoàn toàn chính xác.
Theo Cơ quan Thống kê Australia, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ nước này sang Trung Quốc trong năm 2020 trị giá 145,05 tỷ AUD, chỉ giảm 3,3 tỷ AUD, tương đương 2,2% so với mức cao kỷ lục của năm trước đó.
Điều gì khiến Australia tự tin ‘không lùi bước’?
Nhà kinh tế học Roland Rajah thuộc Viện Lowy của Australia nhận định, trong khi một số công ty của Australia phải hứng chịu các lệnh trừng phạt do Bắc Kinh áp đặt, thì ở cấp quốc gia, các biện pháp trừng phạt thương mại của Trung Quốc đối với một số hàng hóa xuất khẩu của Australia hoàn toàn bị "phủ bóng" bởi sự bùng nổ của hoạt động buôn bán quặng sắt - điều mà Trung Quốc chưa thể ngăn chặn.
Chuyên gia kinh tế Stephen Bartholomeusz viết trong một bài phân tích đăng tải trên tờ Sydney Morning Herald trước đó, bất chấp những nỗ lực "cắt đứt" nhập khẩu hàng hóa từ Australia, Trung Quốc vẫn bị phụ thuộc phần lớn vào quặng sắt và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) do nước này cung cấp.
Giá quặng sắt thế giới đã leo lên mức trên 200 USD/tấn, trong khi giá LNG cũng đã phục hồi sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, quay lại ngưỡng tiệm cận với mức giá vào hai năm trước.
Tháng trước, Bắc Kinh công bố một loạt thay đổi về thuế quan đối với nguồn nguyên liệu thô sử dụng trong ngành thép quốc gia, nhằm khuyến khích nhập khẩu gang và sử dụng thép phế liệu. Bắc Kinh cũng có động thái thắt chặt sản lượng sản xuất thép, tập trung thúc đẩy hoạt động sản xuất quặng sắt nội địa.
Tiêu thụ thép mạnh là một yếu tố giúp Trung Quốc thành công trong việc nhanh chóng phục hồi sau những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 vào năm ngoái và cũng là nhân tố hỗ trợ sự "hồi sinh" tại các nền kinh tế lớn khác trên thế giới vào thời điểm hiện nay. Trong bối cảnh lượng thép tiêu thụ trên toàn cầu đang đạt kỷ lục, các biện pháp của Bắc Kinh chỉ có tác dụng khiêm tốn.
Do Trung Quốc phụ thuộc vào quặng sắt của Australia cho gần 2/3 nhu cầu của ngành thép nội địa và Brazil, đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực quặng sắt của Australia, đang gặp khó khăn, Trung Quốc không có bất kỳ lựa chọn thay thế nào khác. Nếu hạn chế mua quặng sắt của Australia, nước này sẽ tự làm tổn thương ngành thép và nền kinh tế của mình.
Tương tự, LNG cũng là một mặt hàng mà Trung Quốc có nhu cầu cao, nhưng khó kiếm nhà cung cấp thay thế cho các nhà xuất khẩu Australia. Australia và Qatar là quốc gia sản xuất LNG hàng đầu thế giới.
Trong khi đó, Trung Quốc mong muốn dùng LNG để giảm thiểu nguồn nhiên liệu than sử dụng trong sản xuất điện, nước này có thể mua thêm LNG từ Qatar và Mỹ.
Theo Thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Trung Quốc và Mỹ, dưới thời của cựu Tổng thống Donald Trump, Bắc Kinh đã cam kết mua thêm LNG từ Washington. Nước này cũng đang đàm phán với Qatar về việc nhận vốn cổ phần trong dự án mới, cũng như tích cực tìm cách mở rộng mối quan hệ với Turkmenistan.
Dù vậy, nhu cầu LNG ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đủ mạnh để hàng hóa của Australia có thể dễ dàng tìm kiếm khách hàng ở nhiều thị trường khác, nếu Trung Quốc từ chối mua.
Một yếu tố phức tạp trong mối quan hệ thương mại LNG giữa Australia và Trung Quốc, đó là một số công ty con thuộc các công ty năng lượng nhà nước của Trung Quốc đã đầu tư mua lượng cổ phần lớn, trị giá lên tới hàng tỷ AUD trong các liên doanh sản xuất LNG của Australia.
Ngoài ra, nhiều nhà nhập khẩu năng lượng lớn của Trung Quốc cũng đã ký các hợp đồng dài hạn với những nhà xuất khẩu LNG của Australia. Vì vậy, việc gây thiệt hại cho ngành công nghiệp LNG của Australia cũng sẽ gây ra các thiệt hại tương ứng cho các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc.
Tác giả Hartcher chia sẻ, khi được hỏi về mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc trong chính sách đối với Australia, Thủ tướng Morrison từ chối đưa ra nhận định.
Ông nói: "Tôi nghĩ rằng sẽ rất nguy hiểm nếu tôi suy đoán công khai và tôi không nghĩ nó sẽ hữu ích".
Mặc dù vậy, người đứng đầu Chính phủ Australia cho biết ông muốn duy trì một quan hệ tốt hơn với Trung Quốc, song ông cũng nhấn mạnh, Australia chắc chắn sẽ không "lùi bước".