📞

Căng thẳng Trung Quốc-EU: Phát hiện 'củ cà rốt' hữu ích trong đàm phán, Bắc Kinh có những 'cây gậy' nào?

Linh Chi 08:00 | 21/06/2024
Giống như trong các tranh chấp trước đây, Trung Quốc có vẻ đang chuẩn bị một loạt hành động để trừng phạt Liên minh châu Âu (EU) vì áp thuế đối với ô tô điện. Cuộc điều tra chống bán phá giá thịt lợn từ EU là minh chứng có điều này.
Căng thẳng EU-Trung Quốc đang gia tăng. (Nguồn: Emodnet)

EU đã tăng gấp 5 lần thuế nhập khẩu đối với ô tô điện của Trung Quốc bắt đầu từ tháng 7, mức thuế bổ sung từ 17,4% đến 38,1% sẽ được áp dụng cùng với mức thuế 10% hiện có của EU. Điều đó nghĩa là xe điện do Trung Quốc sản xuất nhập khẩu vào EU phải đối mặt với tổng mức thuế lên tới gần 50%.

Rượu mạnh từ Pháp

Thực phẩm và nông sản thường là mục tiêu của các rào cản thương mại. Trước đây, Bắc Kinh đã nhắm đến những mặt hàng không thiết yếu hoặc có thể tìm nguồn từ nơi khác nhưng Trung Quốc là thị trường lớn cho nhà xuất khẩu. Điều đó có nghĩa là thiệt hại đối với người tiêu dùng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là thấp nhưng tác động đối với nhà sản xuất có thể cao.

Rượu mạnh phù hợp với mục tiêu này. Người tiêu dùng Trung Quốc luôn có thể tìm thấy các lựa chọn thay thế, nhưng tác động đối với Pháp - một trong những nước ủng hộ lớn nhất cuộc điều tra về xe điện của châu Âu - sẽ rất đáng kể.

Theo dữ liệu từ Trung tâm Thương mại quốc tế, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là thị trường xuất khẩu rượu mạnh lớn thứ hai của Pháp vào năm 2023.

Thịt lợn: Nỗi đau ở Tây Ban Nha

Ngày 17/6, Bắc Kinh công bố một cuộc điều tra về cáo buộc bán phá giá thịt lợn ở châu Âu. Nếu điều đó dẫn đến thuế quan, tác động sẽ tập trung vào các nhà cung cấp hàng đầu như Tây Ban Nha - nơi Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai đối với các nhà xuất khẩu vào năm ngoái - cũng như Đan Mạch và Hà Lan.

Với cuộc điều tra này, tác động lên Trung Quốc có thể rất hạn chế. Bắc Kinh có thể nhận phần lớn thịt từ nguồn cung trong nước và có thể mua hàng từ các quốc gia như Brazil và Mỹ nếu cần.

Trong các tranh chấp trước đây, đất nước châu Á đã cố gắng làm cho các lệnh trừng phạt thương mại của mình có vẻ như tuân thủ các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

"Có vẻ như quốc gia này đang đi theo con đường tương tự", Bloomberg nhận định.

Phòng Thương mại Trung Quốc tại EU nhận định rằng, ô tô nhập khẩu có động cơ lớn có thể là một mục tiêu để Bắc Kinh trả đũa.(Nguồn: AFP/Getty)

Rượu Địa Trung Hải

Tháng 5/2024, một bài đăng trên phương tiện truyền thông nhà nước đề cập, rượu vang là một sản phẩm có thể bị nhắm tới, cùng với các sản phẩm từ sữa và máy bay.

Pháp là nước xuất khẩu rượu vang lớn nhất châu Âu sang Trung Quốc, do đó, nước này có thể chịu thiệt hại. Tiếp theo là các quốc gia Địa Trung Hải.

Sẽ dễ dàng tìm được nhà cung cấp khác nếu Bắc Kinh áp thuế hoặc chặn hàng nhập khẩu từ châu Âu. Rượu vang Australia đã quay trở lại thị trường, sau khi Trung Quốc dỡ bỏ thuế quan vào tháng 3/2024.

Thị trường rượu vang toàn cầu hiện đang trong tình trạng dư thừa, vì vậy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không hề lo lắng trong vấn đề này.

Xe ô tô: Đức "chịu trận"

Tháng trước, Phòng Thương mại Trung Quốc tại EU đã ám chỉ rằng, ô tô nhập khẩu có động cơ lớn có thể là một mục tiêu để Bắc Kinh trả đũa.

Nếu thuế quan chỉ áp dụng đối với các nhà xuất khẩu xe ô tô châu Âu, Đức và Slovakia là hai quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh nhất.

Trung Quốc đã hạ thuế nhập khẩu ô tô chở khách xuống 15% vào năm 2018, như một phần trong nỗ lực ban đầu nhằm làm dịu căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.

Bắc Kinh cũng đã thể hiện sự sẵn sàng sử dụng thuế ô tô như một công cụ trong các cuộc chiến thương mại trước đây. Quốc gia này đã tăng tỷ thuế nhập khẩu ô tô Mỹ lên 40% dưới thời Cựu Tổng thống Donald Trump, trước khi cắt giảm lại.

Hầu hết hàng nhập khẩu từ châu Âu của Trung Quốc có thể đến từ các nhà sản xuất hàng xa xỉ như Porsche, Mercedes-Benz Group AG hoặc BMW AG. Người tiêu dùng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ khó tìm kiếm mặt hàng này ở quốc gia khác nhưng theo một số chuyên gia, xe điện Trung Quốc có thể là một lựa chọn hay.

Các sản phẩm từ sữa

Các sản phẩm từ sữa được đưa vào danh sách các mục tiêu có thể bị đánh thuế. Đây là một lĩnh vực mà Trung Quốc không quá phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ châu Âu.

New Zealand cung cấp khoảng một nửa lượng sữa nhập khẩu của Trung Quốc, trong khi 1/3 lượng sữa nhập khác đến từ (EU).

Đan Mạch, Hà Lan, Đức và Pháp đều sẽ bị ảnh hưởng nếu Bắc Kinh "tung đòn" nhắm vào mặt hàng này.

Lĩnh vực hàng không

Lĩnh vực hàng không đã được đề cập đến như một mục tiêu mà Trung Quốc có thể nhắm đến.

Nếu nhắm vào Airbus có trụ sở tại Pháp, Trung Quốc sẽ chỉ còn lại Boeing. Việc phụ thuộc nhiều hơn vào một công ty Mỹ có lẽ không phải là điều Bắc Kinh mong muốn, đặc biệt là với viễn cảnh căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng.

Hơn nữa, Boeing đã gặp phải một loạt các vấn đề về an toàn, trong khi Airbus lắp ráp một số máy bay tại Trung Quốc.

Trên thực tế, các hãng hàng không Trung Quốc được cho là đang đàm phán để mua hơn 100 máy bay thân rộng từ Airbus. Điều đó có thể chứng tỏ, lĩnh vực hàng không có thể là "củ cà rốt" hữu ích trong bất kỳ cuộc đàm phán nào về thuế ô tô điện - cùng với tất cả các "cây gậy" của Bắc Kinh.

(theo Bloomberg)