Trong báo cáo thường niên công bố ngày 9/6, FRA nêu rõ, đại dịch và những biện pháp đối phó với đại dịch đã làm trầm trọng hơn những thách thức và tình trạng bất bình đẳng vốn đang tồn tại trong các khía cạnh của cuộc sống, đặc biệt đối với các nhóm dễ bị tổn thương.
Các nhóm bị gạt ra bên lề xã hội như người di cư, người tị nạn không chỉ đối mặt với nguy cơ cao bị mắc bệnh mà còn có thể rơi vào cảnh thất nghiệp do các biện pháp phong tỏa.
Không chỉ vậy, nhóm người này còn là mục tiêu tấn công trong các vụ phân biệt chủng tộc và bài ngoại, như quấy rối bằng lời nói, bạo lực thể xác và phát ngôn có nội dung thù hận trên mạng.
Theo thống kê của FRA, trong năm 2020, các vụ bạo lực gia đình và lạm dụng tình dục có chiều hướng gia tăng.
Ví dụ như tại Czech và Đức, số cuộc gọi đến đường dây nóng quốc gia về bạo hành gia đình đã tăng 50% so với trước và tăng 20% trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 6 năm ngoái. Tình trạng lạm dụng trẻ em trên mạng cũng gia tăng.
Cơ quan này kêu gọi các nước giải quyết đại dịch và những thách thức "chưa từng có" của dịch bệnh đối với quyền con người thông qua các biện pháp phòng dịch hợp lý, dựa trên pháp luật và trong khoảng thời gian xác định.