📞

Cảnh báo: Gần 26.500 vụ vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em được xác nhận trong năm 2020

An Chu 15:32 | 22/06/2021
Ngày 21/6, báo cáo hàng năm của Liên hợp quốc (LHQ) cho thấy, tình trạng bạo lực đối với trẻ em tại những nước bị chiến tranh tàn phá đã tăng mạnh trong năm 2020 và càng trở nên nghiêm trọng hơn do tác động của đại dịch Covid-19.
Số vụ vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em được xác nhận trong năm 2020 là 26.425 vụ, tình trạng bạo lực đối với trẻ em tại những nước bị chiến tranh tàn phá đã tăng mạnh trong năm 2020. (Ảnh minh họa. Nguồn: Pars Today)

Theo báo cáo của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, số vụ vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em được xác nhận trong năm 2020 là 26.425 vụ, ảnh hưởng đến 19.379 trẻ em.

Trong đó, số trẻ bị sử dụng và chiêu mộ trong xung đột vũ trang ở mức cao nhất với 8.521 trẻ, số trẻ bị sát hại và thương tật là 8.422 trẻ và số trường hợp bị từ chối tiếp cận nhân đạo là 4.156 trẻ.

Theo báo cáo, số vụ bắt cóc và bạo lực tình dục đối với trẻ em năm 2020 lần lượt tăng 90% và 70% so với năm trước. Các nước nguy hiểm nhất đối với trẻ em trong năm 2020 là Afghanistan, Somalia, Syria và Yemen.

Báo cáo nêu rõ, xung đột leo thang, đụng độ vũ trang và việc coi thường luật nhân đạo quốc tế cũng như luật quốc tế về quyền con người ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo vệ trẻ em.

LHQ cũng nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đã “làm gia tăng tính chất dễ bị tổn thương ở trẻ” trước các vụ bắt cóc, sử dụng và tuyển dụng trong xung đột vũ trang, bạo lực tình dục và các vụ tấn công vào trường học, bệnh viện.

Báo cáo của LHQ kêu gọi các bên liên quan ở các quốc gia và khu vực cần xây dựng và tăng cường các sáng kiến nhằm ngăn chặn những vụ vi phạm nghiêm trọng đối với quyền trẻ em.

Cùng ngày 21/6, tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) cảnh báo, trẻ em tại vùng Maradi của Niger và khu vực Tây Bắc Nigeria đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng lương thực nghiêm trọng.

Theo MSF, từ đầu năm đến nay, số trẻ em suy dinh dưỡng nghiêm trọng tại các cơ sở của tổ chức ở Maradi tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Số trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch tăng 46% so với cùng kỳ năm 2020.

Maradi là một trong những nơi có tỷ lệ sinh cao nhất tại Niger với trung bình 1 phụ nữ có hơn 7 con, trong khi nạn tảo hôn cũng phổ biến tại khu vực này.

Giới chuyên gia cho biết, trẻ em tại Maradi thường đối mặt với vấn đề về dinh dưỡng do thiếu lương thực và do phong tục cấm cho trẻ ăn cá và trứng.

Trong khi đó, nhiều gia đình tại miền Tây Bắc Nigeria lựa chọn đưa con em sang các nước láng giềng chữa bệnh. Theo MSF, con số này tại Madarounfa tăng 90% so với cùng kỳ năm 2020.

An ninh bất ổn gia tăng, chủ yếu do các nhóm tội phạm ở bang Katsina, miền Bắc Nigeria, khiến điều kiện sinh hoạt của các cư dân trở nên tồi tệ hơn.

Tổ chức từ thiện này cảnh báo cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng tại các khu vực trên dường như đang hình thành, do đó ưu tiên hiện nay là chuẩn bị phương án tốt nhất có thể để ứng phó.

Tháng 2/2021, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) cho biết 457.200 trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi tại Niger bị suy dinh dưỡng cấp nghiêm trọng.

(theo Pars Today, AFP)