Tham dự có Tiến sĩ Đặng Huỳnh Mai, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Liên Hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, cùng nhiều đại biểu đại diện đến từ các tổ chức phi chính phủ, các hội khuyết tật địa phương…
Theo ông Đặng Văn Thanh, hiện nay điều kiện thực hiện các hoạt động giáo dục có chất lượng cho người khuyết tật còn hạn chế. Nguyên nhân do các trường còn thiếu giáo viên được bồi dưỡng về kiến thức và phương pháp dạy trẻ khuyết tật, thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn. Hệ thống trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập cấp tỉnh, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục hòa nhập chưa được phủ rộng trên toàn quốc. Trong chương trình giáo dục người khuyết tật chưa khuyến khích phát triển các hình thức giáo dục linh hoạt khác tại công cộng như giáo dục từ xa, giáo dục tại nhà...
“Tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị đối với người khuyết tật vẫn tồn tại. Bởi vậy, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ các cấp chính quyền địa phương, gia đình, cộng đồng để xóa bỏ rào cản và tạo điều kiện cho người khuyết tật thực hiện các quyền của mình”, ông Đặng Văn Thanh cho hay.
Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: PK) |
Cùng với đó, tỉ lệ cha mẹ trẻ và trẻ khuyết tật có hiểu biết đầy đủ về quyền của trẻ khuyết tật còn rất thấp, đặc biệt có trẻ không biết về quyền của mình. Các cán bộ địa phương, bao gồm chính quyền, giáo dục, y tế, các hội bảo trợ người khuyết tật cũng không nắm được hết các văn bản pháp luật liên quan.
Thực tế, việc tiếp cận của người khuyết tật đối với các công trình công cộng, phương tiện giao thông còn gặp rất nhiều hạn chế, thậm chí chưa thực hiện được. Tỉ lệ người khuyết tật không biết báo cáo về vấn đề tiếp cận tới cơ quan nào vẫn chiếm khá cao.
Đưa ra những khuyến nghị của mình, ông Đặng Văn Thanh cho rằng, cần ưu tiên truyền thông về vấn đề khuyết tật ở khu vực nông thôn bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp trên diện rộng. Tăng cường truyền thông về văn bản pháp luật liên quan đến quyền của người khuyết tật, các thông tin về dịch vụ hỗ trợ, mô hình hỗ trợ từ cấp quốc gia đến địa phương.
Tiếp tục tăng cường xây dựng hình ảnh về người khuyết tật trên các phương tiện truyền thông theo hướng dựa trên quyền của người khuyết tật và bình đẳng tích cực. Các kênh truyền thông cần đảm bảo tiếp cận được với mọi dạng khuyết tật, cần có tất cả các kênh truyền hình quốc gia có phiên dịch ngôn ngữ kí hiệu và phụ đề tiếng Việt. Lồng ghép các vấn đề của người khuyết tật vào tất cả chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức.
Một trong những nguyên nhân chính của việc trẻ khuyết tật không đi học là do không tiếp cận được trường học, cũng như hạn chế trong việc đi lại từ nhà đến trường. Trong khi đó, trẻ khuyết tật ở khu vực nông thôn, miền núi còn gặp rất nhiều rào cản do đặc điểm đường làng lối xóm thường nhỏ, cơ sở vật chất của địa phương kém, dẫn tới việc di chuyển đi lại và tiếp cận cơ sở vật chất trong trường của trẻ vô cùng khó khăn. Trang thiết bị ở các trường học cũng không được thiết kế để tiếp cận với học sinh khuyết tật, đặc biệt đối với những học sinh có khuyết tật vận động.
Vì thế, để trẻ khuyết tật tiếp cận được với trường học, cần cải tạo hoặc xây dựng mỗi trường học đảm bảo một số tiêu chí tiếp cận tối thiểu. Đối với các trường học xây mới, thiết kế nên tuân theo yêu cầu của “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng”.
“Ngoài ra, cần tiến hành rà soát, đánh giá hàng năm các công trình công cộng, đặc biệt là các trụ sở, địa điểm tiếp công dân các cấp, đảm bảo tiếp cận dành cho tất cả người khuyết tật. Tăng cường công tác tập huấn phổ biến quy chuẩn xây dựng và giao thông. Ủy ban quốc gia về người khuyết tật cần thiết lập đường dây nóng để nhận phản ánh vấn đề liên quan đến tiếp cận tại các tỉnh. Có thể nói, tiếp cận về giao thông, các vấn đề an sinh xã hội là cánh cửa để người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng”, ông Thanh nhấn mạnh.
Hiện nay, Việt Nam có 22,6% số công trình y tế; 20,8% số công trình giáo dục; 13,2% số nhà triển lãm, nhà trưng bày; 11,3% trung tâm hội nghị; 5,7% siêu thị; 3,8% nhà thi đấu, nhà ga, cửa khẩu; 7,5% nhà dưỡng lão, câu lạc bộ hưu trí và 2% ngân hàng đảm bảo tiếp cận của người khuyết tật. Về kết cấu hạ tầng giao thông tiếp cận, hiện nay 30% bến xe khách trong tổng số hơn 400 bến xe ở Việt Nam có hạ tầng đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng. 16 ga hạng 1 của Việt Nam đã bố trí lối đi bằng đường dốc vào phòng chờ và ra tàu để phục vụ người khuyết tật. |