Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. |
“Gia tăng đàn áp”, “xuống cấp nghiêm trọng”, “tàn khốc”… Đó là những cụm từ nói về điều gì vậy? Liệu bạn có thể tin được không, khi những sự bịa đặt, vu khống đầy ác ý ấy là do tổ chức theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) có trụ sở tại Mỹ áp đặt bừa bãi khi nhận xét thiếu khách quan về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.
Thực ra, đó là những luận điệu cũ mèm, dường như năm nào cũng xuất hiện, lặp đi lặp lại một cách vô căn cứ, thổi phồng trong cái gọi là bản báo cáo về tình hình nhân quyền toàn cầu. Thậm chí, trong báo cáo được công bố vào giữa tháng 1/2020, HRW còn lộng ngôn khi nói rằng, “2019 là một năm tàn khốc đối với các quyền tự do cơ bản ở Việt Nam”. Các quyền tự do cơ bản ấy là gì? Đó là tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do tôn giáo.
Thực tế có như vậy không? Chỉ xin điểm một vài lát cắt nhỏ thôi, cũng đã thấy rõ đó là sự bóp méo, thổi phồng, vu khống của HRW. Hiếm có đất nước nào người dân lại được tự do ngôn luận, tự do Internet, tự do lập hội, tự do bày tỏ, tôn thờ tín ngưỡng tôn giáo đến thế.
Bất kỳ người dân nào cũng đều có thể trải lòng cả ngoài đời lẫn trên không gian mạng về mọi chuyện, từ tâm tư, phản ánh, thắc mắc, nêu quan điểm, chính kiến của mình về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội… của đất nước. Bất kỳ người dân nào cũng có thể thành lập, tham gia các hội, từ làm vườn, nuôi chim cảnh, làm kinh tế, hoặc tự do tham gia các tôn giáo khác nhau…
Điều đáng nói, trong suốt nhiều năm qua, vị thế của Việt Nam trên bản đồ chính trị thế giới ngày càng được gia cố, tăng cường, với nhiều cương vị, trọng trách nắm giữ, nhiều hành động thiết thực, hiệu quả không chỉ cho bản thân đất nước mà còn có tầm ảnh hưởng nhất định đến khu vực và thế giới.
Đặc biệt, kinh tế - xã hội có những bước phát triển mạnh mẽ, đời sống người dân không ngừng được nâng cao, bảo đảm; các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, điển hình là xóa đói, giảm nghèo được hoàn thành sớm, đầy nhân văn khiến bạn bè thế giới thán phục.
Gần đây nhất, trong khi cả thế giới quay cuồng đối phó với đại dịch Covid-19, kinh tế suy thoái thì Việt Nam vừa khống chế dịch bệnh thành công ngoài cộng đồng, vừa bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ “kép”, với những kết quả rất ấn tượng khi mà lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ, nền kinh tế hoạt động trở lại trong trạng thái “bình thường mới” và không một ai bị bỏ lại phía sau…
Đó rõ ràng là niềm mơ ước của nhiều nước trên thế giới, ngay cả với Mỹ - nơi trụ sở của tổ chức HRW.
Xin được nhắc lại một nguyên tắc rất sơ đẳng, căn bản là, thể chế chính trị, luật pháp của một quốc gia này không thể áp dụng một cách cứng nhắc, nguyên xi ở một đất nước có chủ quyền khác. Và, người dân của đất nước nào cũng phải thượng tôn pháp luật của đất nước đó, nếu vi phạm cũng đồng nghĩa với việc phá hoại đất nước.
Thế nên, những việc phát ngôn tự do, vô lối, xuyên tạc, kích động gây rối, đập phá tài sản, chống lại Đảng, Nhà nước… rõ ràng là hành động vi phạm pháp luật, đáng lên án, cần phải ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh. Bởi con người biết tuân theo pháp luật mới là con người nhận thức được đầy đủ về tự do. Và chỉ khi kiểm soát được hành vi của mình một cách có ý thức, con người mới thật sự có tự do.
Thế nên, không có gì phải bàn cãi điều hiển nhiên rằng, tự do là quyền của con người nhưng đó không phải là tự do vô lối, tùy tiện, vô chính phủ. Tự do chỉ được bảo đảm khi con người nhận thức đúng đắn quy luật khách quan và hành động phù hợp pháp luật - giao kèo, thỏa ước về tự do của tập thể, của cộng đồng, của xã hội.
Một lần nữa, xin khẳng định chắc chắn rằng, những gì mà báo cáo nhân quyền của HRW rắp tâm bịa đặt, thổi phồng về tình hình nhân quyền ở Việt Nam chỉ là những lời xuyên tạc lố bịch, vô căn cứ, không phản ánh đúng tình hình nhân quyền cùng những nỗ lực không mệt mỏi vì quyền con người tại Việt Nam. Thế nên, càng dùng những lời lẽ ác ý, phi lý năm này qua năm khác trong các báo cáo của mình, điều ấy chẳng khác gì HRW tự lột trần bộ mặt tối tăm của mình, và nó cũng như hành động tự vả vào mặt mình khi xuyên tạc, vu khống về một quốc gia có chủ quyền, người dân được bảo đảm mọi quyền lợi chính đáng, hợp pháp, phù hợp với luật pháp quốc tế nói chung, Công ước quốc tế về quyền con người nói riêng.