📞

Cạnh tranh Mỹ-Trung: Ai là người chiến thắng trong cuộc đua 'đón khách'?

Mỹ Lệ 08:15 | 10/08/2021
Nếu 'ngoại giao lãnh đạo' là một môn thể thao trong Thế vận hội, thì Bắc Kinh có thể đánh bại Washington để giành lấy huy chương vàng.
Tổng thống Joe Biden có thể đảo ngược tình thế trong cuộc đua gay cấn Mỹ-Trung xem 'nhà ai đông khách hơn'?

Trong một bài phân tích trên trang Channel News Asia, Neil Thomas, nhà phân tích về Trung Quốc tại công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, đã so sánh và phân tích ý nghĩa đằng sau số lượng chuyến thăm tới Mỹ và Trung Quốc của các nhà lãnh đạo trên thế giới.

Trong khuôn khổ một môn thi đấu, để phân định thắng thua đều cần có luật chơi, và trong cuộc đua “nhà ai sáng đèn hơn” giữa Mỹ và Trung Quốc, điểm số sẽ được tính dựa trên số “lượt đi-lượt về” của các lãnh đạo trên toàn cầu.

Kể từ năm 1990 đến 2019, đáp án cho những lần gặp gỡ song phương các cấp cùng các chuyến tham dự cuộc họp đa phương tại Mỹ và Trung Quốc đã đặt ra câu hỏi: Vì sao các nhà lãnh đạo trên thế giới lại đến thăm Trung Quốc nhiều hơn?

Không thể phủ nhận cả Mỹ và Trung Quốc đều là điểm đến lý tưởng và những cuộc gặp gỡ đều mang ý nghĩa quan trọng khi thể hiện được ưu tiên ngoại giao của mỗi quốc gia. Đồng thời, đây là cơ hội giúp xây dựng lòng tin và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với những người đồng cấp giữa các nước.

Do đó, việc các nhà lãnh đạo đến thăm Trung Quốc nhiều hơn đến Mỹ cho thấy Bắc Kinh hiện đang vượt mặt Washington về các biện pháp ảnh hưởng ngoại giao.

Những con số biết nói

Bắc Kinh là "tấm vé nóng" cho các chính trị gia trên thế giới. Năm 2019, một năm trước khi đại dịch Covid-19 làm tạm dừng hầu hết các chuyến thăm gặp trực tiếp, 79 nhà lãnh đạo nước ngoài đã đến thăm Trung Quốc, trong khi chỉ có 27 chuyến thăm tới Mỹ.

Tỷ số chênh lệch này bắt đầu từ năm 2013 và tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ trong tương quan sức ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ thời kỳ đầu hậu Chiến tranh Lạnh cho đến nay.

Trước đó, số lượng chuyến thăm tới Mỹ nhỉnh hơn Trung Quốc, thậm chí là lớn hơn gấp 3 lần. Bởi khi ấy, nước Mỹ dưới nhiệm kỳ của Tổng thống George Bush vẫn là siêu cường duy nhất trên thế giới.

Washington tiên phong trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu và làm chủ “quỹ đạo” đồng minh còn Bắc Kinh lại đang trong thời điểm chuyển giao quyền lực giữa chính quyền ông Giang Trạch Dân và chính quyền ông Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2001, nền kinh tế nước này đã phát triển vượt bậc và bắt đầu thu hút số lượng lớn chuyến thăm của các nhà lãnh đạo.

Cho đến khi ông Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch Trung Quốc vào năm 2013, Bắc Kinh tiến hành triển khai chính sách đối ngoại mới nhằm thúc đẩy hoạt động ngoại giao kinh tế thì ​​trung bình mỗi năm đã thu hút gần 87 nhà lãnh đạo đến với đất nước này.

Trong khi đó, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama lại có vẻ kém nhộn nhịp hơn khi số lượng các cuộc gặp gỡ giảm mạnh do cuộc khủng hoảng tài chính, sự sa lầy của Mỹ trong cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan và sự chia rẽ nội bộ trong nước.

Khoảng cách đã chính thức bị bỏ xa dưới thời Tổng thống Donald Trump khi ông đề cao triết lý “Nước Mỹ trên hết”, bỏ qua các nguyên tắc ngoại giao và xa lánh các nước đồng minh.

Do đó, từ năm 2017 đến 2019, số lượng các chuyến thăm gặp ông Trump chỉ bằng 1/3 số chuyến thăm gặp ông Tập và con số 82-272 đã nói lên phần thắng chính thức nghiêng về phía Bắc Kinh.

Từ năm 2013, Trung Quốc tiến hành triển khai chính sách đối ngoại mới nhằm thúc đẩy các hoạt động ngoại giao kinh tế, trung bình mỗi năm đã thu hút gần 87 nhà lãnh đạo đến với đất nước này. (Nguồn: Reuters)

Bùng nổ từ năm 2010

Hơn ba thập niên qua, các chuyến gặp gỡ “xuyên lục địa” đã cho thấy sự thay đổi lớn trong diễn biến quan hệ quốc tế và sự chuyển dịch từ Tây sang Đông trong xu hướng ngoại giao của các quốc gia hiện nay.

Từ năm 2010, Trung Quốc bắt đầu nổi lên là cường quốc khu vực và kéo theo các lãnh đạo quốc gia châu Á vào quỹ đạo kinh tế của mình.

Trong những năm 2010, so với Mỹ, Trung Quốc đã đón nhiều hơn gấp ba lần số chuyến thăm của các nhà lãnh đạo châu Á và châu Đại Dương, nhiều hơn gấp đôi số nhà lãnh đạo châu Phi và gần gấp đôi số nhà lãnh đạo Đông Âu.

Ngay cả các nhà lãnh đạo đến từ Bắc và Nam Mỹ vốn được coi là sân sau ngoại giao của Mỹ cũng dần có xu hướng “làm thân” với Trung Quốc nhiều hơn, ngoại trừ các nhà lãnh đạo Trung Đông và Tây Âu vẫn luôn có xu hướng siết chặt quan hệ với Mỹ hơn cả.

Đáng chú ý, trong 10 năm qua, những người đứng đầu các quốc gia đồng minh và đối tác của Washington thậm chí đã đến thăm Bắc Kinh thường xuyên hơn là đến Mỹ, trong số đó có Hàn Quốc, Đức, Philippines, Thái Lan, Singapore và New Zealand.

Duy chỉ có Pháp vẫn đang giữ ưu tiên ngoại giao với Mỹ-Trung ở mức cân bằng, trong khi Nhật Bản là quốc gia châu Á duy nhất thăm Mỹ nhiều hơn.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo Anh, Italy và Australia cũng ưu tiên các chuyến thăm tới Washington nhưng chủ yếu là nhằm mục tiêu thúc đẩy sản xuất.

Việc các nhà lãnh đạo thế giới tăng cường đến Trung Quốc trong nhiều năm trở lại đây là dấu hiệu cho thấy tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh ngày càng lớn với vai trò quan trọng trong dòng chảy thương mại tại khu vực châu Á.

Do đó, xu hướng hợp tác ngoại giao này được dự báo sẽ còn tiếp diễn mặc dù Trung Quốc vẫn là nền kinh tế lớn thứ 2 sau Mỹ.

Cuộc đua dài hơi và người thắng cuộc vẫn là ẩn số

Bắc Kinh đã sớm nhận ra các chuyến thăm gặp cấp cao đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập, củng cố quan hệ ngoại giao và có xu hướng tạo ra nhiều thỏa thuận hợp tác song phương cũng như tăng cường hoạt động đầu tư và viện trợ.

Mỗi nhà lãnh đạo đều là người có tầm ảnh hưởng lớn nhất tại quốc gia của họ và do đó, mỗi chuyến thăm đều là cơ hội để chính quyền của ông Tập Cận Bình từng bước thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chính sách đối ngoại.

Việc Trung Quốc gia tăng ngân sách, mở rộng cơ quan lãnh sự, củng cố sức mạnh chính trị và ngoại giao đã cho thấy chiến lược tập hợp lực lượng ngày càng quyết liệt.

Trong mục tiêu phát triển của mình, Trung Quốc cần sự ủng hộ của các quốc gia trên thế giới về các vấn đề toàn cầu và sự tham gia của các nước đó vào các sáng kiến ​do Bắc Kinh đề xướng.

Các cuộc họp thường kỳ của Diễn đàn Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Triển lãm Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc hay Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi, đã thu hút hàng chục nhà lãnh đạo thế giới tham gia, đặc biệt là các nước đang phát triển muốn học hỏi mô hình tăng trưởng của Trung Quốc.

Đó chính là những “lá phiếu” quan trọng tạo nên phần thắng cho Bắc Kinh trong nỗ lực tập hợp đồng minh quốc tế.

Sự gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh đang "làm lung lay" vị thế số 1 của Washington. Do đó, với cam kết “đổi mới vai trò lãnh đạo” cũng như nỗ lực xây dựng các khối kinh tế, chuỗi cung ứng và các nhóm đa phương nhằm đối trọng với Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ cần tăng cường và hồi sinh mạnh mẽ nền ngoại giao Mỹ trong thời gian tới.

Và dường như Mỹ đang lội ngược dòng. Bằng chứng là kể từ trước đại dịch cho đến nay, các nhà lãnh đạo từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Israel, Ukraine, Jordan và Afghanistan đều đã đến thăm Tổng thống Biden, trong khi chưa có ai đến Bắc Kinh.

Phạm vi ảnh hưởng của Mỹ vẫn còn khả năng mở rộng tới nhiều nước châu Phi, châu Á và Nam Mỹ nếu có những lời mời gặp từ Nhà Trắng trong tương lai.

Trong bối cảnh đại dịch đang diễn biến căng thẳng, phức tạp, cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ngày càng cam go khi cả Washington và Bắc Kinh đều đang toan tính các chiến lược tập hợp đồng minh nhằm đối đầu lẫn nhau trong việc gia tăng sức ảnh hưởng về kinh tế, chính trị tại khu vực.

Đây là cuộc đua dài hơi bởi lẽ kết quả hiện tại vẫn chỉ là tạm thời. Trong tương lai, “nhà ai đông khách hơn” vẫn còn là ẩn số và biến số sẽ còn thay đổi nhiều, ít nhất là trong vài thập niên tới.

(theo Channel News Asia)