📞

Cao Bằng phát triển bóng đá cộng đồng dưới sự hỗ trợ của Na Uy: Quả bóng tròn đưa giấc mơ của trẻ em Việt vươn xa

Vy Anh 13:40 | 02/12/2023
Cao Bằng là một trong 4 tỉnh phía Bắc đầu tiên của Việt Nam tham gia thực hiện dự án 'Bóng đá cộng đồng tại Việt Nam' của Liên đoàn Bóng đá Na Uy.
Phó Đại sứ Na Uy Mette Møglestue phát biểu tại Lễ khởi động của “Dự án Bóng đá cộng đồng tại Việt Nam” ở Cao Bằng. (Ảnh: FFAV)

Không chỉ là thể thao mà còn là lớp học

Bóng đá không chỉ là môn thể thao mà còn là động lực khơi dậy khát vọng, nội lực mạnh mẽ đứng lên sau thất bại và thông điệp về bình đẳng giới. Đó chính là thông điệp của Phó Đại sứ Na Uy Mette Møglestue trong chuyến công tác đến tỉnh Cao Bằng tham dự Lễ khởi động Dự án "Bóng đá cộng đồng tại Việt Nam” (gọi tắt là FFAV) của Liên đoàn Bóng đá Na Uy.

Tham dự chuỗi sự kiện khởi động FFAV tại Cao Bằng có đại diện lãnh đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch; và Sở Kế hoạch, Đầu tư tỉnh Cao Bằng; đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục; UNESCO và các cơ quan hữu quan địa phương.

Phó Đại sứ Na Uy Mette Møglestue: Khi các em thắt dây giầy và bước ra sân, các em không chỉ đuổi theo quả bóng, mà đang theo đuổi giấc mơ, phát triển nhân cách và học hỏi về tinh thần đồng đội, tính kỷ luật, sự dẻo dai, tôn vinh sự đa dạng và học cách đứng dậy từ thất bại để bước tiếp.

Đặc biệt, có 72 thầy, cô giáo là đại diện từ 18 Trường Tiểu học và Trung học cơ sở từ 4 huyện trên địa bàn Tỉnh, những người đã vừa hoàn thành 2 khóa tập huấn “Huấn luyện viên Bóng đá cộng đồng” và “Giáo dục kỹ năng sống”, cùng gần 100 em học sinh đã tụ hội trong sự kiện bóng đá vô cùng đặc biệt này của tỉnh Cao Bằng.

Ông Ngọc Văn Chắn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, đơn vị chủ trì Dự án cho biết FFAV, được triển khai tại Cao Bằng với mục đích phát triển sân chơi bình đẳng, không mang tính cạnh tranh và sử dụng bóng đá làm công cụ lồng ghép giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em.

Hơn nữa, Dự án còn nhằm giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em gái, thông qua việc thành lập, phát triển các Câu lạc bộ Bóng đá phong trào trong trường học, qua đó nhằm thực hiện tốt công tác giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường, phát triển phong trào tập luyện môn bóng đá, nhân rộng mô hình bóng đá trẻ tại địa phương góp phần tích cực vào việc xây dựng, rèn luyện thế hệ trẻ, giảm thiểu các tệ nạn xã hội...

Bày tỏ vui mừng về sự mở rộng của Dự án FFAV, Phó Đại sứ Na Uy Møglestue chia sẻ người Na Uy cũng là các fan bóng đá cuồng nhiệt như người Việt Nam. Trẻ em Na Uy cũng đá bóng từ nhỏ.

Theo bà, với trẻ em, bóng đá không chỉ là một môn thể thao, sân bóng còn là lớp học. Khi các em thắt dây giầy và bước ra sân, các em không chỉ đuổi theo quả bóng, mà đang theo đuổi giấc mơ, phát triển nhân cách và học hỏi về tinh thần đồng đội, tính kỷ luật, sự dẻo dai, tôn vinh sự đa dạng và học cách đứng dậy từ thất bại để bước tiếp. Đây chính là những kỹ năng sẽ đồng hành cùng các em khi lớn lên.

“Quan trọng hơn cả, FFAV còn giúp các em thay đổi được quan niệm về bóng đá. Đây không chỉ là môn thể thao của nam giới mà trẻ em gái và phụ nữ đều có thể theo đuổi giấc mơ đá bóng của mình. Thúc đẩy bình đẳng giới đã và luôn là một ưu tiên của Na Uy”, Bà Moglestue nói thêm.

Cao Bằng là một trong 4 tỉnh phía Bắc đầu tiên của Việt Nam tham gia thực hiện dự án FFAV. (Ảnh: FFAV)

Mô hình được nhân rộng, thông điệp được lan tỏa

Theo thông tin của ông Nguyễn Hoàng Phương, Trưởng văn phòng Dự án, Cao Bằng là một trong 4 tỉnh phía Bắc đầu tiên của Việt Nam tham gia thực hiện dự án này.

Bắt đầu từ năm 2001, từ mô hình ban đầu tại tỉnh Thừa Thiên Huế, sau khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam lựa chọn để nhân rộng ra toàn quốc căn cứ “Chiến lược phát triển bóng đá đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Việt Nam” vào năm 2015, tới nay mô hình FFAV đã được nhân rộng tới trên 15 tỉnh, thành của Việt Nam.

Dự án không chỉ tạo sân chơi bóng đá không cạnh tranh cho các em mà còn góp phần rèn luyện, nâng cao kỹ năng sống, xây dựng trường học thân thiện tích cực, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học…

Các hoạt động chính của Dự án tại Cao Bằng gồm tập huấn chuyên môn cho giáo viên các Trường, tổ chức các câu lạc bộ bóng đá cộng đồng tại các Trường; duy trì số lượng, chất lượng hoạt động tập luyện bóng đá và sinh hoạt giáo dục kỹ năng sống thường xuyên tại các Câu lạc bộ bóng đá; tăng cường sự tham gia của các em học sinh trên tinh thần tôn trọng và bình đẳng, đặc biệt khuyến khích học sinh nữ, các đối tượng thiệt thòi, học sinh dân tộc tham gia.

Thay mặt Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng, Bà Đàm Thị Trung Thu, Phó Giám đốc nhấn mạnh: “Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, việc Cao Bằng nhận được sự hỗ trợ của Liên đoàn bóng đá Na Uy để triển khai dự án có ý nghĩa rất thiết thực; kịp thời hỗ trợ cho ngành Giáo dục Cao Bằng tháo gỡ một phần khó khăn trong công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học; tạo tiền đề, cơ sở để các nhà trường tiếp tục nghiên cứu, thúc đẩy; xây dựng các mô hình câu lạc bộ thể thao khác, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này trong các nhà trường; góp phần tích cực vào việc giáo dục toàn diện học sinh, xây dựng, rèn luyện thế hệ trẻ, giảm thiểu các tệ nạn xã hội”.

Đại diện của Đại sứ quán Na Uy cũng mong muốn, FFAV được tiếp tục nhân rộng và sẽ góp phần, cùng với các cơ quan hữu quan, nhà trường và toàn xã hội, nuôi dưỡng niềm đam mê bóng đá của trẻ em Việt Nam, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn, qua đó góp phần bồi dưỡng nên những thế hệ lãnh đạo, các cầu thủ và những công dân kiên cường của tương lai.