Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Connecticut, Mỹ. (Nguồn: Getty Images) |
* Tại Mỹ, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo ngày 8/5 xác nhận ca tử vong của một bé trai 5 tuổi liên quan tới Covid-19. Bé trai xuất hiện các triệu chứng tương tự sốc nhiễm độc và bệnh Kawasaki, liên quan tới tình trạng sốt, phát ban ở trẻ em. Đây cũng là ca tử vong đầu tiên liên quan tới triệu chứng hiếm gặp ở New York.
Trong cuộc họp báo ngày 9/5, Thống đốc Cuomo cho biết ít nhất 3 trẻ em tại bang này đã tử vong sau khi xuất hiện các triệu chứng lạ trên. Ông Cuomo không tiết lộ thông tin chi tiết về tuổi cũng như hoàn cảnh cụ thể dẫn tới cái chết của 3 em nhỏ này.
Theo Thống đốc New York, ông ngày càng quan ngại rằng các triệu chứng hiếm gặp sẽ gây ra mối nguy hiểm mới cho trẻ em, mặc dù trẻ em vẫn được xem là nhóm đối tượng miễn nhiễm phần lớn với các bệnh nghiêm trọng liên quan tới Covid-19.
Ông Cuomo cho biết, giới chức y tế New York đang xem xét 73 trường hợp trẻ em mắc Covid-19 cũng xuất hiện các triệu chứng lạ tương tự, bao gồm hiện tượng tổn thương mạch máu dẫn đến các vấn đề về tim.
Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn đang xác định liệu các triệu chứng trên có liên quan tới Covid-19 hay không, vì không phải tất cả trẻ em có triệu chứng như vậy đều dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19.
Cơ quan y tế Anh hồi tháng trước đưa ra cảnh báo đầu tiên về tình trạng gia tăng bệnh nhi Covid-19 với các triệu chứng như bệnh Kawasaki và hội chứng sốc nhiễm độc. Tiếp đến Pháp, Italia, Tây Ban Nha cũng ghi nhận một số trường hợp với bệnh hiếm này. Mặc dù hiện tại chưa có bằng chứng chính thức, song các nhà khoa học tin rằng có mối liên hệ giữa Covid-19 với bệnh hiếm trên.
New York hiện vẫn tâm dịch Covid-19 tại Mỹ, chiếm hơn 1/3 trong tổng số hơn 80.000 người tử vong vì dịch tại nước này. Tuy nhiên, Thống đốc Cuomo cho biết, số ca nhập viện tại New York có xu hướng giảm và đây là tín hiệu cho thấy bang này đã phần nào kiểm soát được dịch bệnh.
Trong diễn biến liên quan, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 9/5 đã cấp phép ủy quyền sử dụng khẩn cấp (EUA) cho công ty Quidel Corp của Mỹ để sử dụng xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19 đầu tiên.
Theo FDA, xét nghiệm nhanh kháng nguyên Sofia 2 SARS FIA sẽ được các nhân viên phòng thí nghiệm lâm sàng và nhân viên tại các cơ sở chăm sóc y tế sử dụng. Xét nghiệm này chỉ được phép sử dụng trong phạm vi của EUA. FDA cũng cho biết xét nghiệm này giúp phát hiện ra cả virus SARS-CoV và virus SARS-CoV-2 song không phân biệt được giữa hai loại virus này.
Trong một thông báo, Công ty Quidel cho biết đây là một xét nghiệm thử nhanh tại giường bệnh được sử dụng với máy phân tích miễn dịch huỳnh quang Sofia 2 nhằm phát hiện nhanh chóng virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 ở các mẫu bệnh phẩm mũi của bệnh nhân.
Tin liên quan |
Việt Nam bác bỏ quyết định đơn phương cấm đánh bắt cá ở Biển Đông |
* Tân Hoa Xã ngày 9/5 dẫn nội dung bức thư Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có đoạn viết: “Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác với Triều Tiên để ngăn đại dịch và hỗ trợ cho Triều Tiên”.
Bức thư cũng nói thêm: “Với nỗ lực chung của Trung Quốc, Triều Tiên và cộng đồng quốc tế, chúng ta sẽ giành được chiến thắng cuối cùng trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh này”. Ông Tập cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ với Triều Tiên.
Trong tuần này, hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên cũng đưa tin, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã gửi điện mừng "bằng lời" tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ca ngợi thành công của Trung Quốc trong cuộc chiến ứng phó đại dịch Covid-19.
Thông tin trao đổi thư từ giữa hai nhà lãnh đạo được đưa ra giữa lúc có nhiều đồn đoán về tình hình sức khỏe của ông Kim Jong-un - người "tái xuất" đầu tháng này sau 20 ngày vắng bóng. CNN dẫn nguồn tin giấu tên nói rằng tình hình sức khỏe của ông Kim Jong-un “rất nghiêm trọng”, trong khi hãng tin NK Daily nói ông vừa trải qua một ca phẫu thuật tim hôm 12/4. Giới tình báo Hàn Quốc đã bác bỏ những giả thuyết này và cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên vắng bóng là vì muốn tránh dịch.
Triều Tiên đến nay tuyên bố chưa ghi nhận bất cứ ca mắc Covid-19 nào. Bình Nhưỡng cho biết đã triển khai biện pháp cách ly người nước ngoài, tăng cường kiểm soát biên giới, hủy hàng loạt sự kiện lớn để ngăn chặn dịch bệnh.
Nỗi xúc động của nhân viên y tế trước khi chôn cất một sĩ quan thuộc lực lượng cảnh sát qua đời vì bệnh Covid-19, tại một nghĩa địa ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 29/4. (Nguồn: Reuters) |
* Theo số liệu được Bộ Y tế Liên bang Ấn Độ công bố ngày 10/5, tổng số ca tử vong vì Covid-19 ở quốc gia Nam Á này đã vượt quá 2.000 người, trong khi tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng vượt trên 60.000 trường hợp.
Theo bộ trên, Ấn Độ đến nay đã ghi nhận tổng cộng 62.939 ca mắc Covid-19, trong đó có 2.109 trường hợp tử vong - tăng lần lượt 3.277 ca bệnh mới và 128 trường hợp thiệt mạng trong 24 giờ qua.
* Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura ngày 10/5 thông báo, Chính phủ nước này đang xem xét dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại một số tỉnh thành không phải là điểm nóng nhất của dịch Covid-19 trước ngày 31/5 - thời điểm lệnh tình trạng khẩn cấp hết hiệu lực.
Theo Bộ trưởng Nishimura, việc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, trừ những địa phương vẫn đang phải theo dõi chặt chẽ, có thể diễn ra khi địa phương đó không ghi nhận các ca nhiễm mới trong thời gian gần đây. Ông nêu rõ, quyết định gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp của Nhật Bản căn cứ trên số liệu báo cáo tình hình dịch bệnh thực tế tại các địa phương cho thấy tỷ lệ các ca nhiễm mới và ca tử vong trên đầu người liên tục giảm.
Tuần trước, Nhật Bản kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia đến hết tháng 5, đồng thời cho biết Tokyo sẽ đánh giá tình hình thực tế tại cuộc họp của lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 vào ngày 14/5 và nhiều khả năng sẽ dỡ bỏ một số biện pháp hạn chế tại một số tỉnh trong thời gian sớm hơn.
Trong số 47 tỉnh trên cả nước, Tokyo và Osaka là 2 địa phương ghi nhận sự lây lan nhanh của virus SARS-CoV-2 và đang là 2 tỉnh chịu sự giám sát chặt chẽ. Theo ông Nishimura, có khoảng 13 tỉnh sẽ được dỡ bỏ các hạn chế trước ngày 31/5.
Tính đến ngày 10/5, Nhật Bản ghi nhận tổng cộng 15.777 ca nhiễm và 324 ca tử vong, không kể số ca mắc bệnh và tử vong do Covid-19 trên tàu du lịch cách ly tại Yokohama.
* Ngày 10/5, Thái Lan thông báo về 5 ca mắc mới Covid-19, song không có trường hợp tử vong. Như vậy, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Thái Lan hồi tháng 1, quốc gia Đông Nam Á đã ghi nhận tổng cộng 3.009 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 56 trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, theo Người phát ngôn Trung tâm quản lý tình hình dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ Thái Lan Taweesin Wisanuyothin, còn có 4 ca nhiễm bệnh mới từ hòn đảo nghỉ dưỡng Phuket. Những người này sẽ được đưa vào số liệu thống kê trong ngày 11/5.
Cũng theo ông Taweesin, trong số 5 ca mắc mới Covid-19 vừa được thông báo, có 2 người liên quan tới những trường hợp nhiễm bệnh trước đó, và 3 người từng ra nước ngoài.
Ethiopia bắn rơi máy bay cứu trợ Covid-19 của Kenya TGVN. Một máy bay chở hàng cứu trợ dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã bị bắn rơi ở Somalia sau khi quân đội Ethiopia ... |
Covid-19 'đẩy' nhiều hộ gia đình Canada rơi vào cuộc khủng hoảng nợ TGVN. Giới quan sát cảnh báo Canada sẽ phải chứng kiến mức nợ của hộ gia đình, cũng như các vụ phá sản cá nhân ... |
Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến trở lại từ ổ dịch Itaewon TGVN. Ngày 10/5, Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm tăng đột biết trở lại với 34 ca sau khi xuất hiện ổ lây nhiễm mới ... |