TIN LIÊN QUAN | |
Hầu hết người dân Thái Lan cảm thấy áp lực từ dịch Covid-19 | |
Virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại khá lâu trên một số bề mặt |
Hôm nay (22/3), số lượng hành khách đi trên các chuyến bay trở về từ các vùng dịch là 2.348 người. |
* Cảng hàng không quốc tế Nội Bài dự kiến trong ngày 22/3, sẽ có 15 chuyến bay đến từ các nước và vùng lãnh thổ gồm: Đức, Nga, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Singapore, Nhật Bản, Ấn Độ, Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc)… đáp xuống sân bay quốc tế Nội Bài.
Cụ thể, số lượng hành khách đi trên các chuyến bay trở về từ các vùng dịch nói trên là 2.348 người; trong đó, số liệu đặt vé cho thấy có 2.146 khách Việt Nam và 202 khách quốc tế.
Ngày 21/3 vừa qua, số lượng khách nhập cảnh tại sân bay quốc tế Nội Bài thực tế là 1.451 hành khách, giảm so với lượng khách đặt chỗ 1.782 người.
* Trước đó, Bộ Ngoại giao thông báo, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, để triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống, ngăn ngừa và kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam quyết định tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài vào Việt Nam, trừ trường hợp nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và các trường hợp đặc biệt (khách nước ngoài tham dự, phục vụ các hoạt động đối ngoại quan trọng; chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao); tạm dừng hiệu lực Giấy miễn thị thực được cấp cho người gốc Việt Nam và thân nhân. Các biện pháp nêu trên được áp dụng từ 0h ngày 22/3.
Người nhập cảnh vào Việt Nam phải tuân thủ quy trình kiểm tra y tế và thực hiện cách ly tập trung, trừ trường hợp nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và các trường hợp đặc biệt khác (khách nước ngoài tham dự, phục vụ các hoạt động đối ngoại quan trọng; chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao) được thực hiện cách ly phù hợp tại cơ sở lưu trú theo quy định.
Bộ Ngoại giao đã thông báo quyết định này tới các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài nhằm đảm bảo công dân các nước chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam.
* Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn vừa ký công văn hỏa tốc gửi các đơn vị trực thuộc, các Sở Giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai thực hiện việc khai báo y tế bắt buộc trên các chuyến bay nội địa và phương tiện giao thông công cộng nhằm phát hiện sớm ca bệnh và ngăn chặn lây lan kịp thời dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Sở Giao thông Vận tải địa phương và các cục: Hàng không Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam thông báo cho tất cả các hãng hàng không Việt Nam, các doanh nghiệp vận tải đường sắt, đường bộ, chủ và người điều khiển phương tiện vận tải thực hiện ngay việc khai báo y tế điện tử bắt buộc đối với tất cả các hành khách trước khi thực hiện hành trình trên các chuyến bay nội địa, tàu hỏa, tàu chở khách du lịch và xe khách liên tỉnh.
Nhân viên phục vụ trên các phương tiện nêu trên thực hiện các bước sau: Bước1, sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng để tải ứng dụng khai báo sức khỏe (tìm kiếm theo từ khóa chính xác: "Vietnam Health Declaration") từ CH Play (đối với hệ điều hành Android) hoặc App store (đối với hệ điều hành iOs).
Bước 2 là hướng dẫn và hỗ trợ hành khách khai báo trên trang website http://tokhaiyte.vn hoặc tải ứng dụng như hướng dẫn tại bước 1 đối với hành khách chưa khai báo.
Bước 3 là thông báo ngay cho sở y tế, Trung tâm y tế dự phòng/Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 nơi gần nhất khi phát hiện hành khách có biểu hiện nghi ngờ nhiễm Covid-19 (sốt, ho, khó thở).
Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu hành khách trước khi thực hiện hành trình của mình phải thực hiện khai báo y tế điện tử bắt buộc và cung cấp cho nhân viên sử dụng ứng dụng, thực hiện quét mã "QR code" mà khách được cấp khi khai trên ứng dụng này.
Hà Nội rà soát tất cả người nhập cảnh từ 7/3 để cách ly TGVN. UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu Công an TP và các quận huyện rà soát tất cả những người nhập cảnh vào Việt ... |
* Ngày 22/3, Chính phủ Thái Lan đã kêu gọi người dân không có nguy cơ cao tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 nên ngừng đi xét nghiệm, sau khi đã có 3 bệnh viện ở thủ đô Bangkok phàn nàn về tình trạng thiếu hụt dung dịch xét nghiệm.
Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Narumon Pinyosinwat cho hay rất nhiều người đã yêu cầu được xét nghiệm tại cả các bệnh viện công lẫn bệnh viện tư. Chính phủ Thái Lan đang nỗ lực để tăng nguồn cung dung dịch xét nghiệm sau khi các bệnh viện Ramathibodi, Phyathai 2 và Paolo Kaset tuyên bố ngừng xét nghiệm vì không còn dung dịch trong kho. Dự kiến Cục Y tế sẽ nhận một lô dung dịch xét nghiệm trong ngày 23/3 để phân phát cho các bệnh viện.
Bà Narumon cũng kêu gọi người dân không nằm trong các nhóm nguy cơ cao ở trong nhà vì việc xét nghiệm quá mức có thể dẫn tới kết quả âm tính sai do virus SARS-CoV-2 có thể mất tới 14 ngày mới thể hiện trong kết quả xét nghiệm.
Trong khi đó, Thái Lan đã ghi nhận thêm 188 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, qua đó nâng tổng số bệnh nhân mắc Covid-19 ở quốc gia Đông Nam Á này lên 599 trường hợp. Đây là số bệnh nhân tăng theo ngày cao nhất ở Thái Lan.
Phần lớn ca nhiễm bệnh mới có liên quan đến các ổ dịch xuất phát từ một sàn thi đấu quyền anh Thái (Muay Thai) ở Bangkok. Hiện nhà chức trách y tế Thái Lan vẫn đang truy tìm khoảng 500 người từng đến các sàn thi đấu Muay Thai đầu tháng này do họ có nguy cơ bị nhiễm virus SARS-CoV-2.
* Bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia (BUMN) Erick Thohir cho biết chính phủ nước này đã quyết định dùng thuốc chống sốt rét Chloroquine và thuốc chống cảm cúm Avigan để chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.
Trong một thông cáo báo chí, Bộ trưởng Thohir khẳng định quyết định nói trên là một phần trong các nỗ lực của Chính phủ Indonesia nhằm chữa trị cho những người dân mắc Covid-19, đồng thời cho biết hai loại thuốc này đã cho thấy “hiệu quả rõ ràng” khi được sử dụng tại một số quốc gia trên thế giới. Bộ trưởng BUMN cũng cho biết công ty dược phẩm nhà nước PT Kimia Farma hiện có trong kho khoảng 3 triệu viên Chloroquine, đủ dùng cho ít nhất 60.000 bệnh nhân. Công ty còn có thể sản xuất thêm nếu loại thuốc này cho thấy hiệu quả trong điều trị thực tế.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nhà nước của Indonesia cũng có thể đặt mua thuốc Avigan từ Nhật Bản nếu trong nước có nhu cầu. Theo ông Thohir, hiện BUMN và Đại sứ quán Indonesia tại Tokyo đã đề nghị các nhà sản xuất Avigan ở Nhật Bản cung cấp loại thuốc này.
Tính đến ngày 21/3, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 450 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 38 ca tử vong do Covid-19. Một ngày trước đó, chính quyền thủ đô Jakarta đã ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch bệnh trong hai tuần tới khi tỷ lệ tử vong tại quốc gia này cao nhất Đông Nam Á.
* Tại Kuala Lumpur, 46 công dân Malaysia cùng 9 người mang quốc tịch một số nước láng giềng (8 người Singapore và 1 người Indonesia) đã được hãng hàng không AirAsia đưa về sân bay quốc tế Kuala Lumpur sáng 22/3. Đây là chuyến bay thứ ba của Malaysia nhằm thực hiện sứ mệnh hỗ trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai sau sự bùng phát của dịch Covid-19.
Toàn bộ các hành khách trên chuyến bay đã phải thực hiện các thủ tục bắt buộc về y tế trước khi được đưa đến các khu cách ly trong 14 ngày theo quy định.
Để hạn chế việc tập trung đông người, từ ngày 21/3, cảnh sát Malaysia yêu cầu mỗi gia đình chỉ có một người được phép rời khỏi nhà để đi mua lương thực hay thuốc men. Nhiều chốt chặn đã được lập ra trên các tuyến giao thông để thực hiện Mệnh lệnh kiểm soát di chuyển (MCO) của Chính phủ Malaysia. Theo ghi nhận, tất cả các trường hợp tham gia giao thông đều bị chặn xe kiểm tra, đo nhiệt độ và xác minh lý do đi ra ngoài. Các biện pháp này nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, hiện đã khiến 9 người tử vong và 1.183 người mắc bệnh.
* Trong bối cảnh số ca tử vong và mắc Covid-19 tiếp tục gia tăng, hàng loạt quốc gia ở khu vực Trung Đông và Vùng Vịnh đã siết chặt các biện pháp để phòng ngừa dịch bệnh lây lan.
Chính phủ Qatar ngày 21/3 thông báo sẽ triển khai các lực lượng tuần tra lưu động và thiết lập các trạm kiểm soát sau khi ban bố lệnh cấm mọi hoạt động tụ tập nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Theo Ủy ban tối cao phụ trách quản lý khủng hoảng của Qatar, một đường dây nóng sẽ được thành lập để người dân tố cáo các trường hợp vi phạm lệnh cấm tụ tập. Những người vi phạm lệnh cấm sẽ bị bắt giữ. Ngoài ra, Qatar có kế hoạch đóng cửa các công viên và bãi biển công cộng. Các cửa hàng bán thực phẩm, thuốc men và dịch vụ giao hàng vẫn hoạt động bình thường.
Tính đến ngày 21/3, Qatar ghi nhận 481 trường hợp mắc Covid-19 và không có trường hợp tử vong.
* Cùng ngày, nội các Kuwait thông báosẽ áp đặt lệnh giới nghiêm trên toàn quốc từ 17h chiều hôm trước đến 4h sáng hôm sau, có hiệu lực từ ngày 23/2. Ngoài ra, nội các Kuwait quyết định gia hạn lệnh tạm đình chỉ hoạt động của các cơ quan chính phủ và tư nhân thêm 2 tuần.
Hiện Kuwait có 176 trường hợp mắc Covid-19 và không có trường hợp tử vong.
* Cùng ngày, Palestine thông báo hoãn tất cả các sự kiện thể thao ở vùng lãnh thổ này do lo ngại dịch Covid-19 lây lan. Ngoài ra, tất cả các trung tâm thể dục, thể thao cũng phải tạm thời đóng cửa.
Trước đó, ngày 5/3, chính quyền Palestine đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong 1 tháng, sau khi phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2. Tính đến thời điểm hiện tại, Palestine ghi nhận tổng cộng 52 ca nhiễm SARS-CoV-2 ở khu vực Bethlehem, trong đó 17 trường hợp đã hồi phục. Trong khi đó, Dải Gaza (Ga-da) ghi nhận 2 ca lây nhiễm đầu tiên, là những người Palestine trở về từ Pakistan.
* Trước diễn biến dịch Covid-19, Thủ tướng Lebanon Hassan Diab đã kêu gọi người dân nước này ở trong nhà nếu không có việc khẩn cấp phải ra đường, khẳng định đây là trách nhiệm của mỗi cá nhân và cộng đồng. Ông Diab cho biết các lực lượng an ninh và quân đội Lebanon sẽ tăng cường hoạt động tuần tra, giám sát việc tuân thủ biện pháp hạn chế đi lại của người dân.
Trong khi đó, Bộ Năng lượng và Công nghiệp của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã kích hoạt chế độ làm việc từ xa đối với tất cả các cơ quan nhằm khống chế dịch Covid-19 lây lan.
Tính đến thời điểm hiện tại, Lebanon ghi nhận 230 trường hợp mắc Covid-19 và 4 trường hợp tử vong, trong khi con số này ở UAE là 153 và 2 trường hợp.
* Israel ngày 21/3 công bố kế hoạch khẩn cấp quốc gia nhằm đưa công dân đang bị mắc kẹt ở nước ngoài do dịch Covid-19 về nước. Trong khuôn khổ kế hoạch này, Bộ Ngoại giao Israel sẽ lập bản đồ vị trí của các công dân Isael muốn về nước, thông qua các đại sứ quán và lãnh sự quán ở nước này trên toàn thế giới. Ngoài ra, một bộ phận chuyên trách của Bộ Ngoại giao Israel sẽ hoạt động 24/24 để điều hành một đường dây nóng tiếp nhận đơn đăng ký của những công dân muốn hồi hương.
Theo nguồn tin trên, các hãng hàng không của Israel gồm El Al, Israir và Arkia sẽ sắp xếp các chuyến bay để đưa công dân về nước. Bộ trưởng Ngoại giao Israel Katz cho biết sẽ phối hợp với giới chức cấp cao các nước liên quan để xin cấp phép cho những chuyến bay này.
* Pháp đặt 250 triệu khẩu trang y tế để giảm thiểu tình trạng thiếu hụt nguồn cung mặt hàng này trên cả nước, điều đang gây ra sự giận dữ từ các bác sỹ tuyến đầu chống dịch Covid-19 và nhân viên cảnh sát đòi nghỉ làm trong bối cảnh dịch bệnh này đang trở nên tồi tệ ở nước này.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết các đơn đặt hàng khẩu trang y tế đang được tiến hành với các nhà cung ứng trong và ngoài nước, và ông cũng cam kết sẽ có thêm nhiều xét nghiệm nữa cho những trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19. Ngoài ra, ông Oliver Veran cho biết thêm Chính phủ Pháp sẽ đưa ra một đánh giá về tình trạng thiếu hụt các thiết bị bảo vệ chống Covid-19 sau đó. Theo ông, đây là cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng đầu tiên trong một thế kỷ ở Pháp.
Trước đó, trình bày trước Quốc hội ngày 21/3, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe nhấn mạnh: "Chúng tôi đã yêu cầu Bộ Kinh tế và Bộ Quốc phòng tìm giải pháp thay thế, cụ thể là yêu cầu các nhà máy tăng cường sản xuất, các nhà nghiên cứu đánh giá các sản phẩm đủ điều kiện thay thế, có thể dùng một lần hoặc tái sử dụng". Theo ông Philippe, các Bộ trên đã cung cấp thông số kỹ thuật cho các nhà sản xuất và hiện nay 40 mẫu khẩu trang đang được thử nghiệm.
Các doanh nghiệp như LVMH, chủ sở hữu của Louis Vuitton, hay Ngân hàng Crédit Agricole đã chung tay để cung cấp nguồn khẩu trang thiếu hụt.
Vào đầu tháng 3/2020, Chính phủ Pháp đã xuất kho khoảng 25 triệu khẩu trang y tế. Nhờ lệnh trưng dụng được áp dụng từ sớm, số khẩu trang dự trữ vẫn được duy trì ở mức 105 triệu chiếc tính đến ngày 16/3. Theo Tổng cục Y tế, Pháp có năng lực sản xuất 6 triệu khẩu trang mỗi tuần. Tuy nhiên, từ các bệnh viện trung ương đến các cơ sở y tế địa phương, cũng như phòng khám bác sĩ gia đình, vẫn luôn phải đối mặt với sự thiếu thốn các trang thiết bị bảo hộ, nhất là khẩu trang.
Dịch Covid-19 ở Nhật Bản: Thêm 40 ca nhiễm mới, 766 bệnh nhân ra viện TGVN.Tính đến 10h30 (giờ địa phương), ngày 22/3, số ca dương tính Covid-19 trên toàn Nhật Bản đã tăng lên 1.055 trường hợp, nhiều hơn 40 ... |
Mỹ: Phó Tổng thống Mike Pence âm tính với SARS-CoV-2 TGVN. Người phát ngôn của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 21/3 cho biết, ông Pence và phu nhân đều có kết quả xét nghiệm ... |
Philippines ghi nhận thêm 73 ca mới nhiễm Covid-19 TGVN. Bộ Y tế Philippines ngày 22/3 ghi nhận thêm 73 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), nâng tổng số ca mắc bệnh viêm ... |