Với hơn 1,2 triệu ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới, số ca tử vong là 64.727 người, trong khi số ca được điều trị khỏi bệnh là hơn 246.400 người.
Đại dịch đã ảnh hưởng đến 206 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm khi ghi nhận mốc 311.357 ca mắc và 8.452 ca tử vong. Tây Ban Nha đứng ở vị trí thứ hai với 126.168 ca mắc và 11.947 ca tử vong. Italy đứng ở vị trí thứ 3 với 124.632 ca mắc và 15.362 ca tử vong (số ca tử vong cao nhất thế giới).
* Bộ Y tế Nhật Bản thông báo tính đến 10h30 ngày 5/4 theo giờ địa phương, số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên cả nước đã lên tới 3.506 ca, tăng 367 ca so với một ngày trước đó.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 là 96 ca, đã bao gồm những ca trên du thuyền Diamond Princess được cách ly tại thành phố Yokohama, gần thủ đô Tokyo, hồi tháng 2 năm nay.
Theo thông báo của Bộ Y tế Nhật Bản, có 891 ca được ghi nhận tại Tokyo, tăng 118 ca so với ngày 4/4 và đây là lần đầu tiên số ca mắc trong ngày tại thủ đô này vượt trên 100.
Tỉnh Osaka hiện là địa phương có số ca nhiễm bệnh cao nhất tại Nhật Bản với 387 ca, tiếp đến là tỉnh Kanagawa với 238 ca, Chiba 235 ca, Aichi 221 ca và 193 ca tại tỉnh cực Bắc là Hokkaido.
Bộ Y tế Nhật Bản cho biết thêm tổng cộng 1.133 ca đã được xuất viện, song hiện còn 73 bệnh nhân đang trong tình trạng bệnh nặng phải dùng tới máy trợ thở hoặc được chăm sóc, điều trị đặc biệt.
Đây là tuần thứ hai liên tiếp người dân Nhật Bản hạn chế ra ngoài theo lời kêu gọi của Hiệp hội Các Thị trưởng quốc gia trừ những trường hợp cấp thiết. Số lượng các cửa hàng và quán ăn tạm thời đóng cửa trong cuối tuần trước cũng tăng đáng kể.
* Cùng ngày, ông Jeremy McAnulty, Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Sức khỏe bang New South Wales, Australia cho biết có hy vọng về việc số lượng những ca nhiễm mới đang bắt đầu giảm. Trước đó, Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt nêu rõ mặc dù đang có được những tín hiệu tích cực, song người dân nước này sẽ vẫn phải giữ khoảng cách với những người khác trong khoảng nửa năm tới.
Trong 24 giờ qua, Bộ Y tế Australia ghi nhận thêm 181 ca nhiễm và 4 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc Covid-19 và tử vong do dịch bệnh này tại nước này lên lần lượt là 5.635 và 34 ca. Số ca nhiễm mới nói trên tương đương mức tăng dưới 5% và chỉ bằng khoảng 20% hồi giữa tháng 3.
* Theo hãng tin Yonhap, sau hơn 2 tháng kể từ khi phát hiện ca đầu tiên mắc Covid-19, số ca nhiễm bệnh ở Hàn Quốc đã vượt 10.000 ca và tốc độ bùng phát đã chậm lại. Tuy nhiên, sự gia tăng đều đều các ca lây nhiễm tập thể và từ nước ngoài về báo hiệu nước này đứng trước một cuộc chiến chống dịch bệnh dài, khiến các cơ quan y tế trong nước phải duy trì mức độ cảnh giác cao.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), Hàn Quốc đã thông báo trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên ngày 20/1 và tổng số hiện nay là hơn 10.100 ca. Daegu và Bắc Gyeongsang hiện vẫn chiếm khoảng 80% tổng số ca được xác nhận ở nước này, trong khi Seoul và tỉnh Gyeonggi chiếm hơn 10%.
Tuy nhiên, gần đây, các ca nhiễm mới ở Seoul, tỉnh Gyeonggi và thành phố cảng Incheon đã vượt xa số ca nhiễm mới ở Daegu, khi xuất hiện các ổ dịch mới, làm người ta lo ngại sự lây lan Covid-19 có thể bùng phát ở khu vực đô thị đông dân cư này (chiếm khoảng một nửa tổng dân số Hàn Quốc).
Giám đốc KCDC Jeong Eun-kyeong cho biết: "Hơn 65% các ca lây nhiễm trong nước là lây nhiễm tập thể, phần còn lại là các trường hợp lẻ tẻ và những người đang được điều tra". Theo bà Jeong và các quan chức khác, họ đang theo dõi chặt sự gia tăng lây nhiễm tập thể và những ca lẻ mới trong và xung quanh Seoul.
Để phát hiện sớm hơn các trường hợp nhiễm bệnh từ nước ngoài và ngăn chặn lây lan cộng đồng, Hàn Quốc đã thực hiện chiến dịch giãn cách xã hội trên toàn quốc cách đây khoảng 2 tuần, kêu gọi người dân tránh tụ tập và tham gia các hoạt động thể thao, văn hóa và tôn giáo trong nhà.
Ngày 31/3, nước này đã hoãn khai giảng năm học mới đến ngày 9/4 và tiến hành giảng dạy trực tuyến. Trong khi đó, các trường mẫu giáo và nhà trẻ được đóng cửa vô thời hạn. Các cơ quan y tế Hàn Quốc nhấn mạnh rằng các công dân nước này không tuân thủ các quy định kiểm dịch có thể phải đối mặt với thời gian ngồi tù lên tới một năm hoặc phạt tiền lên tới 10 triệu won (8.140 USD) trong khi người nước ngoài vi phạm có thể bị trục xuất ngay lập tức và không được phép nhập cảnh Hàn Quốc trong tương lai.
* Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết trong ngày 4/4, Thủ tướng nước này Narendra Modi đã lần lượt điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nhằm thảo luận về tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên thế giới. Trong đó, ông Modi nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác quốc tế nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu này.
Cùng ngày, Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ cho biết đa số người mắc Covid-19 ở nước này dưới 60 tuổi. Tuyên bố của bộ trên nêu rõ khoảng 42% số ca dương tính với Covid-19 được báo cáo ở Ấn Độ thuộc độ tuổi 21-40, tiếp theo là nhóm tuổi 41-60 chiếm gần 33%, nhóm tuổi trên 60 tuổi chiếm 17% và còn lại thuộc nhóm tuổi 0-20 tuổi. Theo trang mạng worldometer.info, tính đến sáng 5/4, Ấn Độ đã ghi nhận 3.588 ca mắc Covid-19, trong đó có 99 ca tử vong.
Sự xuất hiện của các điểm nóng về dịch bệnh Covid-19 trên khắp cả nước đang là một nguyên nhân gây lo ngại cho Chính phủ Ấn Độ. Khu vực Nizamuddin của Delhi đã chứng kiến một đợt bùng phát quy mô lớn. Trong tổng số hơn 3.000 ca nhiễm trên cả nước, 1.023 ca liên quan đến địa điểm tôn giáo của tổ chức Tablighi Jamaat tại Nizamuddin. Đến nay, chính phủ đã xác định được 22.000 thành viên của Tablighi Jamaat và những người tiếp xúc với họ ở 17 bang. Tất cả những người này đều đã bị cách ly.
Trong khi đó, Hội đồng Nghiên cứu y tế Ấn Độ (ICMR) cho biết đến nay đã xét nghiệm cho khoảng 75.000 người và cơ quan y tế nước này đã mở rộng quy mô xét nghiệm lên 10.000 xét nghiệm/ngày, so với con số 5.000-6.000 hồi đầu tuần. Chính phủ Ấn Độ tái khẳng định tất cả mọi người phải thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách xã hội và lệnh phong tỏa để phá vỡ chuỗi lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.
* Tại Pakistan, giới chức nước này cho biết đang tìm kiếm hàng chục nghìn người tham dự một sự kiện tôn giáo của tổ chức Tablighi Jamaat tại thành phố Lahore diễn ra từ ngày 10-12/3 vừa qua. Các nhà tổ chức cho biết khoảng 100.000 người đã đến dự lễ, bất chấp chính quyền Pakistan yêu cầu hủy sự kiện này trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Hiện nhà chức trách đang nỗ lực tìm những người dự sự kiện trên để tiến hành xét nghiệm và cách ly họ. Khoảng 2.500 người, trong đó có 1.500 người nước ngoài, có mặt gần khu vực tổ chức buổi lễ đang được cách ly.
Đến nay, ít nhất 154 tín đồ dự lễ của Tablighi Jamaat đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 2 người đã tử vong. Trên cả nước Pakistan ghi nhận tổng cộng 2.818 ca mắc Covid-19, trong đó có 41 ca tử vong.
* Ngày 4/4, Quốc hội Tunisia đã quyết định trao một số quyền lực đặc biệt cho chính phủ nước này trong khoảng thời gian 2 tháng, nhằm giúp đất nước có thể vượt qua đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và khủng hoảng kinh tế.
Quyết định này nhận được sự ủng hộ của tất cả các đảng phái chính trị, theo đó cho phép chính phủ của Thủ tướng Elyes Fakhfakh ban hành các sắc lệnh, thực hiện các thoả thuận mua sắm và huy động nguồn tài chính mà không cần phải chờ Quốc hội thông qua. Thủ tướng Fakhfakh khẳng định động thái của Quốc hội Tunisia là cần thiết và sẽ giúp chính phủ có thể đưa ra các quyết định nhanh chóng để giải quyết khủng hoảng.
Đến nay, cơ quan chức năng Tunisia thông báo 553 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó 18 người đã tử vong. Chính phủ đã ban hành lệnh giới nghiêm trên toàn quốc cho đến ngày 19/4 tới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
* Cùng ngày 4/4, Chính phủ Nigeria cho biết đang có kế hoạch thành lập một quỹ trị giá 500 tỷ Naira (1,39 tỷ USD) để tăng cường cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khoẻ nhằm đối phó với dịch Covid-19.
Theo Bộ trưởng Tài chính Zainab Ahmed, Chủ tịch lưỡng viện Quốc hội của Nigeria đã nhất trí về việc nguồn tài chính của quỹ sẽ được huy động từ các khoản vay của chính phủ và từ viện trợ. Quỹ sẽ cần sự chấp thuận của Quốc hội để được phép huy động tài chính từ các nguồn đặc biệt.
Đến nay, Nigeria - quốc gia đông dân nhất châu Phi - đã ghi nhận 209 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 4 người đã tử vong. Các bang Lagos, Ogun và thủ đô Abuja đang thực thi lệnh giới nghiêm trong 2 tuần kể từ ngày 30/3 để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.
* IMF đã quyết định cung cấp các khoản hỗ trợ khẩn cấp có tổng trị giá 50 tỷ USD cho 80 quốc gia trên thế giới, trong đó có 20 nước châu Phi, để đối phó với dịch Covid-19. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã thông qua gói cứu trợ Covid-19 trị giá 14 tỷ USD.