Quốc gia có số người nhiễm cao nhất trong ngày là Nga với 11.012 ca, Mexico đứng thứ hai với 1.938 ca, Tây Ban Nha đứng thứ ba với 1.880 ca. Qatar và Kuwait có số người nhiễm trên 1.000 ca trên tổng số 24.718 ca nhiễm trong ngày trên toàn thế giới.
* Tại Đông Nam Á, số ca mắc Covid-19 ở Singapore cũng tiếp tục gia tăng cao nhất khu vực. Bộ Y tế Singapore thông báo trong 24 giờ qua, nước này phát hiện thêm 876 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca lên 23.336 người.
Đa số các ca nhiễm mới là người lao động nhập cư sống tập trung trong các khu nhà tập thể. Số ca tử vong ở Singapore không tăng, hiện đang là 20 người.
* Chính phủ Indonesia đã xác nhận 387 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ở quốc gia này lên 14.032 người.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia phụ trách các vấn đề liên quan đến dịch bệnh Covid-19 - ông Achmad Yurianto cũng thông báo về 14 trường hợp tử vong do virus SARS-CoV-2, nâng tổng bệnh nhân Covid-19 thiệt mạng ở nước này lên 973 người.
Cũng theo ông Yurianto, Indonesia cùng ngày đã ghi nhận thêm 91 bệnh nhân Covid-19 được phép xuất viện sau khi bình phục, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh được điều trị thành công lên 2.698 người. Bên cạnh đó, tổng số ca nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn Indonesia hiện là 30.317 người.
Các nhân viên y tế điều trị bệnh nhân Covid-19 trong phòng chăm sóc đặc biệt của Trung tâm nghiên cứu y học quốc gia về phẫu thuật tim mạch của Bộ Y tế Nga tại Moscow, Nga, ngày 2/5. (Nguồn: Sputnik) |
* Bộ Y tế Philippines đã xác nhận thêm 15 ca tử vong do virus SARS-CoV-2 và 184 trường hợp mắc Covid-19 ở quốc gia Đông Nam Á này. Như vậy, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 được xác nhận ở Philippines tính đến thời điểm hiện tại là 10.794 trường hợp, trong đó có 719 người tử vong.
Bản tin của bộ trên cũng thông báo về 82 ca mới hồi phục sức khỏe, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 được điều trị thành công ở Philippines lên 1.924 người.
* Trong khi đó, Lào khẳng định, 279 ca nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Lào, tổng số bệnh nhân Covid-19 ở quốc gia Đông Nam Á này hiện vẫn là 19 người.
* Chính phủ Malaysia đã quyết định gia hạn các biện pháp hạn chế đi lại và kinh doanh thêm 4 tuần đến ngày 9/6, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang dần mở cửa trở lại hoạt động kinh tế vốn bị đình trệ bởi đại dịch Covid-19.
Phát biểu trên truyền hình ngày 10/5, Thủ tướng Muhyiddin Yassin nhấn mạnh những quy định hiện hành theo lệnh kiểm soát đi lại có điều kiện sẽ tiếp tục được duy trì cho tới thời hạn mới vào tháng 6, trong đó có quy định thực hiện vệ sinh và giãn cách xã hội một cách nghiêm ngặt.
24 giờ qua, Malaysia ghi nhận thêm 67 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, đưa tổng số ca mắc Covid-19 ở nước này lên 6.656 người, trong đó có 108 ca tử vong.
Hãng thông tấn IRNA của Iran dẫn thông báo của Bộ Y tế nước này cho biết đã ghi nhận 1.383 ca mới mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên 107.603 trường hợp.
Thông báo cũng cho biết Iran đã ghi nhận thêm 51 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên thành 6.640 người. Số ca bình phục là 86.143 người, trong khi vẫn còn 2.675 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.
Tính đến nay, Iran đã tiến hành xét nghiệm cho tổng cộng 586.699 người.
* Theo Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) Thomas Jordan, đại dịch Covid-19 gây thiệt hại từ 11-17 tỷ CHF mỗi tháng, tạo áp lực lên nền kinh tế Thụy Sĩ đến mức phải mất nhiều năm để phục hồi.
Các chuyên gia kinh tế của chính phủ đã dự đoán sự sụt giảm sản lượng kinh tế là -6,7% trong năm nay, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng. Đây sẽ là mức suy giảm tồi tệ nhất kể từ những năm 1930.
* Tây Ban Nha tiếp tục ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 trong ngày giảm. Theo số liệu của Bộ Y tế Tây Ban Nha công bố ngày 10/5, trong 24 giờ qua, nước này có thêm 143 ca tử vong, giảm so với 179 ca của ngày trước đó. Đây là số ca tử vong trong ngày thấp nhất ở Tây Ban Nha kể từ giữa tháng 3 vừa qua.
Như vậy, tính đến nay, Tây Ban Nha xác nhận 26.621 ca tử vong do COVID-19 trong tổng số 224.390 ca mắc bệnh.
* Ngày 10/5, Tổng thống Moon Jae-in đã tuyên dương những nỗ lực của Hàn Quốc trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2 và đề ra những kế hoạch để Seoul vươn lên vị trí của một quốc gia lãnh đạo thế giới trong kỷ nguyên hậu Covid-19.
Trong bài diễn văn đặc biệt kỷ niệm 3 năm nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc, ông Moon Jae-in khẳng định: "Chúng ta đã trở thành một quốc gia dẫn đầu thế giới trong công tác ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh", đồng thời nhận định, phản ứng của Hàn Quốc trước cuộc khủng hoảng Covid-19 "đã trở thành một tiêu chuẩn toàn cầu".
Tổng thống Moon Jae-in tự tin cho rằng, nỗ lực quay trở lại cuộc sống hàng ngày bình thường của Hàn Quốc "cũng sẽ trở thành một hình mẫu để thế giới noi theo".
Đề cập đến 2 năm còn lại trong nhiệm kỳ Tổng thống Hàn Quốc, ông Moon Jae-in cam kết cống hiến hết mình cho những nỗ lực ứng phó với những thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra. Tổng thống Moon Jae-in nêu rõ: "Tôi sẽ cố gắng mở đường để Hàn Quốc vươn lên nắm giữ vai trò lãnh đạo toàn cầu".
* Bộ trưởng Nhà ở Anh Robert Jenrick cho biết Chính phủ nước này muốn tái khởi động nền kinh tế một cách "chậm rãi và thận trọng".
Phát biểu với Sky News, Bộ trưởng Jenrick nêu rõ thông điệp yêu cầu người dân ở nhà cần phải được sửa đổi vì Chính phủ Anh muốn dần dần và thận trọng mở cửa trở lại đất nước cũng như nền kinh tế. Ông nhấn mạnh quyết định nới lỏng lệnh phong tỏa sẽ phụ thuộc vào việc kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Nếu tỷ lệ lây nhiễm bắt đầu gia tăng ở một số khu vực, Chính phủ Anh có thể sẽ áp dụng trở lại các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Đầu tuần này, Thủ tướng Johnson tuyên bố Anh sẽ nới lỏng lệnh phong tỏa ở mức "thận trọng tối đa" trong bối cảnh nước này ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất ở châu Âu và cao thứ 2 thế giới (sau Mỹ), với hơn 31.500 người. Theo các số liệu của Bộ Y tế Anh, tính đến thời điểm hiện tại, nước này hiện có 215.260 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 31.587 trường hợp tử vong.
* Bộ Tài chính Indonesia vừa quyết định hủy bỏ kế hoạch phát hành “trái phiếu đại dịch” để chi cho các nỗ lực ứng phó với cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế do dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 gây ra.
Tổng cục trưởng Tài chính và Quản lý rủi ro thuộc Bộ Tài chính Indonesia, ông Luky Alfirman, cho biết thay vào đó, Chính phủ nước này sẽ phát hành giấy nợ thông qua các cuộc đấu giá thường xuyên và có thể dựa vào Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) như một "phương sách cuối cùng" để hấp thu trái phiếu.
Theo ông Luky, Indonesia cần phát hành ít nhất 35.000-45.000 tỷ rupiah trái phiếu chính phủ mỗi hai tuần nhằm đáp ứng các nhu cầu tài chính. Mới đây, Chính phủ Indonesia đã công bố các gói kích thích có tổng trị giá 436.100 tỷ rupiah dành cho lĩnh vực y tế, an sinh xã hội và ưu đãi thuế.