Nhân viên y tế Malaysia lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 của người dân. (Ảnh: Reuters) |
Trong số các ca mới ngày 25/5 chỉ có 5 trường hợp từ nước ngoài về, 167 trường hợp là lây nhiễm trong nước, bao gồm 159 trường hợp không phải là công dân Malaysia. Đáng chú ý là trong số 159 ca nhiễm là người nước ngoài này có 112 ca phát hiện trong các trung tâm giam giữ của cơ quan nhập cư.
Như vậy, tính tới ngày 25/5, Malaysia có tổng cộng 7.417 ca mắc Covid-19, trong đó có 115 ca tử vong, chiếm 1,55% và chỉ còn 1.323 ca đang tiếp tục điều trị, bao gồm 8 ca phải điều trị tích cực. Số người mắc Covid-19 đã được chữa khỏi là 5.979, chiếm 80,6%.
* Ngày 25/5, Ấn Độ ghi nhận số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trong ngày cao kỷ lục, là 1 trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh.
Sau khi ghi nhận thêm 6.977 ca, số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh xuất hiện trong nước, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 của Ấn Độ đã tăng lên 138.845 ca. Số ca nhiễm tăng nhanh bất chấp lệnh phong tỏa toàn quốc được áp dụng từ tháng 3 vừa qua. Trong khi đó, số người tử vong vì dịch bệnh tại Ấn Độ đã là hơn 4.000.
Số ca nhiễm gia tăng nhanh trong khi nhiều doanh nghiệp và các hoạt động vận tải được nối lại tại Ấn Độ do nước này chuyển sang giai đoạn mới của lệnh phong tỏa toàn quốc.
Ngày 25/5 là ngày đầu tiên các chuyến bay nội địa Ấn Độ được phép hoạt động trở lại sau quyết định của Chính phủ đưa ra tuần trước cho phép nối lại hoạt động hàng không nội địa. Ước tính, mỗi ngày sẽ có khoảng 1.050 chuyến bay nội địa.
Bộ trưởng Hàng không Ấn Độ Hardeep Singh Puri cho biết, hành khách phải tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu bắt buộc như đeo khẩu trang và quét thân nhiệt. Dù chính quyền liên bang không yêu cầu các hành khách phải cách ly sau chuyến bay, nhưng một số địa phương vẫn thực hiện các biện pháp cách ly kiểm dịch.
* Ngày 25/5, Nhật Bản đã công bố một lộ trình theo giai đoạn về việc mở cửa trở lại nền kinh tế trong bối cảnh Chính phủ nước này cùng ngày đã dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp.
Theo kế hoạch, từ giờ tới tháng 8, Tokyo sẽ nới lỏng dần các hạn chế được áp đặt do sự bùng phát của dịch Covid-19. Những hạn chế về đi lại trong nước và những sự kiện quy mô lớn cũng như việc sử dụng những cơ sở điều trị các ca lây nhiễm theo ổ, sẽ dần được nới lỏng cứ 3 tuần một lần sau khi đánh giá tình hình. Chính phủ cũng sẽ yêu cầu các nhà tổ chức hoãn tổ chức các lễ hội cho tới tháng 8, thời điểm họ có thể tổ chức miễn là những người tham dự duy trì một khoảng cách hợp lý với người khác. Các sự kiện thể thao trong nhà được phép diễn ra từ ngày 19/6 với việc các nhà tổ chức có thể cho phép khán giả vào địa điểm thi đấu cũng như tăng số lượng người theo các giai đoạn.
Tuy nhiên, những hạn chế giới hạn số khán giả ít hơn 1 nửa sức chứa của địa điểm thi đấu sẽ vẫn được áp đặt ngay cả sau tháng 8.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cho hay Tokyo sẽ mở rộng lệnh cấm nhập cảnh với các du khách tới từ Ấn Độ và 10 nước khác như một phần của những biện pháp kiểm soát biên giới nhằm kiềm chế lây lan virus.
Bộ Ngoại giao nước này đã đưa khuyến cáo du lịch với 11 nước, trong đó có cả Nam Phi và Argentina, đồng thời kêu gọi người dân không nên có bất kỳ chuyến du lịch nào tới những địa điểm này.
Phát biểu trong một cuộc họp với biệt đội Chính phủ về đối phó Covid-19, Thủ tướng Nhật Bản cũng tuyên bố sẽ duy trì những biện pháp kiểm soát biên giới hiện tại cho đến cuối tháng 6.
* Ngày 25/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết nước này coi việc Washington cáo buộc Bắc Kinh có thể dốc sức đánh cắp vaccine ngừa Covid-19 của Mỹ là không có cơ sở.
Trước đó, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ Robert O'Brien đã bày tỏ tin tưởng rằng Mỹ sẽ là quốc gia đầu tiên phát triển vaccine ngừa Covid-19, song không loại trừ khả năng Trung Quốc có thể tìm cách đánh cắp vaccine của Mỹ.
Một con robot được tạo hình virus corona chủng mới gây bệnh Covid-19 được lực lượng chức năng địa phương điều khiển để phun thuốc khử trùng trong khu dân cư tại Chennai, Ấn Độ, ngày 20/5. (Nguồn: Getty Images) |
* Ngày 25/5, Iran đã mở cửa trở lại các ngôi đền lớn theo dòng Shiite trên khắp nước Cộng hòa Hồi giáo sau hơn 2 tháng đóng cửa do sự bùng phát của dịch Covid-19 nguy hiểm tại Trung Đông.
Theo Hãng thông tấn nhà nước IRNA, đền Shah Abdol-Azim tại thủ đô Tehran, đền Imam Rexa tại Mashhad, Đông Bắc Iran, đền Fatima Masumeh và thánh đường Jamkaran ở thành phố linh thiêng Qom đã mở cửa trở lại trong khi vẫn thực hiện những quy định về y tế. Những đền này được phép mở cửa từ một giờ sau bình minh và cho tới một giờ trước hoàng hôn.
Trong một thông báo trên mạng, đền Imam Reza cho biết các du khách phải tuân thủ những yêu cầu y tế như đeo khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội và mang theo thảm chùi chân, sách và những đồ dùng cá nhân khác.
Các ngôi đền này bị đóng cửa cùng với các trường học, trường đại học và tất cả cơ sở kinh doanh không cần thiết hồi tháng 3 sau khi Iran công bố 2 ca tử vong đầu tiên tại Qom hồi cuối tháng 2.
Iran đã cho phép mở cửa trở lại nền kinh tế theo giai đoạn và dần nới lỏng những hạn chế kể từ đầu tháng 4 cùng với những quyết định nới lỏng thêm nữa trong những ngày tới dù gần đây vẫn có thêm nhiều ca nhiễm mới.