📞

Cập nhật 19h ngày 13/6: Hơn 310.000 ca mắc Covid-19 ở Ấn Độ, châu Âu hạ nhiệt, Indonesia trình làng máy thở nội địa

Mai Khanh 19:02 | 13/06/2020
TGVN. Theo worldometers.info, Ấn Độ đã ghi nhận thêm gần 11.500 người nhiễm virus SARS-CoV-2, là mức tăng trong ngày cao nhất, đưa tổng số ca nhiễm lên 310.131 ca. Tổng số ca tử vong ở đất nước sông Hằng hiện là 8.895 trường hợp.
Ấn Độ hiện ghi nhận gần 9.000 ca tử vong do Covid-19. Ảnh chụp tại nghĩa trang Bada Qabranstan, thành phố Mumbai, bang Maharashtra. (Nguồn: EPA-EFE)

Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình cho biết số ca mắc Covid-19 ở Ấn Độ đã tăng gấp đôi sau 17 ngày, và tăng thêm 100.000 ca chỉ trong 10 ngày qua. Phần lớn ca nhiễm bệnh được ghi nhận tại 4 bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Maharashtra với 101.141 ca, Tamil Nadu với 40.698 ca, Delhi với 36.824 ca và Gujarat với 22.527 ca.

Một số bang khác cũng đang chứng kiến số ca nhiễm tăng nhanh, lên trên 10.000 ca, gồm Tây Bengal, Uttar Pradesh, Rajasthan và Madhya Pradesh.

Trung tâm tài chính Mumbai là thành phố bị ảnh hưởng nặng nề tại Ấn Độ với hơn 2.000 ca tử vong. Chính quyền địa phương đã buộc phải phong tỏa Dharavi, một trong những khu ổ chuột lớn nhất châu Á, trong suốt một tháng qua.

Điều đáng lo ngại là trái ngược với xu hướng chung, tỷ lệ dương tính tại các bang này tăng dù mức xét nghiệm ở một số bang giảm. Tại vùng lãnh thổ thủ đô Delhi, mức xét nghiệm trung bình của 7 ngày (tính đến 11/6) đã giảm từ 6.540 xét nghiệm/ngày xuống còn 5.001, nhưng tỷ lệ cho kết quả dương tính tiếp tục tăng từ 18,3% lên 27,7%, khiến thủ đô New Delhi trở thành nơi có tỷ lệ xét nghiệm dương tính cao nhất trên cả nước.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp ghi nhận sau khi nước này đã nới lỏng lệnh phong tỏa áp dụng từ cuối tháng 3 vừa qua.

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch Liên bang Nga, đến ngày 13/6, Nga ghi nhận 520.129 ca mắc Covid-19, thêm 8.706 ca mắc mới so với một ngày trước đó. Toàn nước Nga đã có 6.829 trường hợp tử vong và 274.641 bệnh nhân hồi phục.

Hiện nay, nhiều thành phố của Nga đã bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế trong phòng chống Covid-19 theo các cấp độ khác nhau. Cuộc sống đang dần chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Tuy nhiên, theo bà Elena Malinnikova, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế Liên bang Nga, còn quá sớm khi nói rằng đã hoàn toàn chiến thắng trước đại dịch Covid-19. Những nguy cơ trước đây về lây lan virus SARS-CoV-2 vẫn đang ở phía trước và trước khi có thể sử dụng đại trà vaccine, người dân phải học cách sống chung với Covid-19.

Bà Malinnikova kêu gọi người dân cần quan tâm đến sức khỏe của mình và tuân thủ các biện pháp vệ sinh phòng dịch như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang và sử dụng găng tay tại nơi công cộng, đồng thời cần tránh tham gia các hoạt động tập trung đông người cũng như tuân thủ giãn cách xã hội.

Khu vực châu Âu hiện ghi nhận 2.186.184 ca nhiễm, trong đó có 182.274 ca tử vong. Theo báo cáo mới nhất của Liên minh châu Âu (EU), làn sóng nhiễm đã qua giai đoạn đỉnh điểm ở tất cả các nước thành viên, ngoại trừ Ba Lan và Thụy Điển.

Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết nhờ các biện pháp hạn chế, các nước EU đã giảm được 80% số ca nhiễm so với thời điểm đỉnh dịch. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết tỷ lệ nhiễm ở Ba Lan và Thụy Điển hiện vẫn ở mức cao nhất. Trong khi tại các nước khác, tỷ lệ lây nhiễm mới trong thời gian 14 ngày hiện dưới 20 trường hợp trên 100.000 dân, Thụy Điển là quốc gia duy nhất có tỷ lệ lên tới trên 100 ca/100.000 dân.

Tại châu Phi, một số nước đã có thể hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh như Tunisia, Burkina Faso hay Morocco, dù nhiều nước khác như Nam Phi, Ai Cập và Nigeria vẫn gặp khó khăn thực sự trong ứng phó với dịch. Ba nước này hiện ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất châu lục, từ vài trăm cho đến vài nghìn ca nhiễm mới được ghi nhận sau 24 giờ.

Trong khi đó, Nam Phi từng ghi nhận tỷ lệ tử vong do dịch thấp, nhưng nay lại đang chứng kiến tỷ lệ tử vong ngày càng tăng, với tổng cộng 1.354 ca tính từ khi đại dịch bùng phát. Với 1.442 ca tử vong, Ai Cập hiện là quốc gia có nhiều người tử vong vì Covid-19 nhất châu Phi. Tổng cộng, châu lục này đến nay ghi nhận 228.564 ca nhiễm và 6.101 ca tử vong.

Theo thông báo của Bộ Y tế Singapore, ngày 13/6, nước này đã ghi nhận thêm 347 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại đảo quốc Sư tử lên thành 40.197 người. Tổng số ca tử vong là 25 người.

Trong số các ca nhiễm mới, có 5 ca lây nhiễm trong cộng đồng, số còn lại sống trong các khu lao động nước ngoài đã được khoanh vùng cách ly.

Cho đến nay, Singapore đã có 28.040 người được chữa khỏi bệnh và xuất viện.

Trong khi đó, tại Indonesia, chính phủ nước này vừa cấp phép sản xuất và lưu hành hai mẫu máy thở nội địa đầu tiên, phục vụ điều trị các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2.

Trưởng bộ phận nghiên cứu và sáng tạo thuộc Lực lượng đặc trách chống Covid-19 (TFRIC-19) của Chính phủ Indonesia, ông Soni Solistia Wirawan cho biết hai mẫu máy thở nói trên do Cơ quan đánh giá và ứng dụng công nghệ (BPPT) hợp tác với 3 công ty địa phương là PT Len Industri, PT Poly Jaya và PT Dharma Precision sản xuất.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng mẫu thiết kế của châu Âu song thay thế các vật liệu và linh kiện sản xuất trong nước cho hai mẫu máy thở cầm tay này.

Theo ông Wirawan, chính phủ Indonesia đã hỗ trợ các nỗ lực sản xuất máy thở để đáp ứng nhu cầu trong nước. Theo dự báo, Indonesia cần ít nhất 70.000 máy thở để điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, trong khi các bệnh viện trên khắp cả nước hiện chỉ có khoảng 7.000 máy.

Trước đó, hôm 22/4, Bộ trưởng Công nghiệp Agus Gumiwang Kartasasmita cho biết bộ này đang phối hợp với ít nhất 4 nhóm nghiên cứu chế tạo máy thở, bao gồm nhóm thuộc Đại học Indonesia (UI), nhóm Đại học Yogyakarta và Đại học Gadjah Mada (UGM) phối hợp với công ty công nghệ Yogya và công ty PT STECHOQ, nhóm thuộc Học viện Công nghệ Bandung (ITB) và nhóm Viện Công nghệ (ITS).

Tính đến ngày 13/6, Indonesia đã xác nhận 37.420 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 2.091 người đã tử vong và 13.776 người đã được chữa khỏi.

Thế giới hiện ghi nhận 7.765.626 ca mắc Covid-19, trong đó 428.745 ca tử vong và 3.983.706 ca phục hồi. Tại Việt Nam, tổng số ca mắc Covid-19 tính đến nay là 334 trường hợp, trong đó số ca được chữa khỏi là 323 (chiếm 97%), trong đó 49/50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi (hiện cả nước chỉ còn duy nhất bệnh nhân 91 là phi công người Anh đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy).

(tổng hợp)