Những gì còn lại sau một cuộc biểu tình ở thành phố Minneapolis, Mỹ, ngày 29/5. (Nguồn: AP) |
Hơn 106.000 người đã chết vì Covid-19 trên đất Mỹ. Trong đó, người da màu bị ảnh hưởng nặng nề, tỷ lệ nhập viện và tử vong vượt xa so với người da trắng. Các cuộc biểu tình tự phát đòi quyền lợi cho cộng đồng này diễn ra ở các bang, ngay khi quốc gia vừa nới lệnh hạn chế, mở cửa trở lại các trường học, bãi biển và công viên.
Tại Los Angeles, tình trạng hỗn loạn khiến nhiều trạm xét nghiệm bệnh Covid-19 bị đóng cửa. Thị trưởng Eric Garcetti cảnh báo các cuộc biểu tình có thể trở thành nguồn siêu lây nhiễm Covid-19, tạo ra làn sóng bùng phát thứ hai, trong khi Mỹ có thể nói là chưa kiểm soát được đợt dịch đầu tiên.
Thống đốc bang Maryland Larry Hogan lo ngại các ca nhiễm tại đây sẽ tăng đột biến trong khoảng hai tuần, thời gian ủ bệnh trung bình trước khi biểu hiện triệu chứng đầu tiên. Trong khi đó, Keisha Lance Bottoms, Thị trưởng thành phố Atlanta, khuyến nghị người biểu tình đi xét nghiệm Covid-19 ngay trong tuần.
Những cuộc biểu tình nổ ra sau khi cảnh sát Minneapolis ghì gáy George Floyd, một người Mỹ gốc Phi, anh này sau đó đã chết tại bệnh viện.
* Còn tại Nga, sau khi cấp phép thuốc kháng virus SARS-CoV-2, có tên gọi Avifavir, do Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) và Trung tâm Công nghệ cao ChemRar hợp tác sản xuất, nhà chức trách Nga cho biết, sẽ bắt đầu phân phối loại thuốc này để điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 từ tuần tới.
Theo giới chức RDIF, các bệnh viện Nga có thể bắt đầu phân phát thuốc Avifavir cho bệnh nhân từ 11/6. Lượng thuốc được sản xuất đủ để điều trị khoảng 60.000 bệnh nhân mỗi tháng.
Trước đó, ngày 31/5, Bộ Y tế Nga đã cấp phép lưu hành thuốc kháng virus SARS-CoV-2, được đăng ký dưới tên thương mại Avifavir. Đây là loại thuốc đầu tiên điều trị Covid-19 được cơ quan y tế Nga cấp phép sau khi trải qua các cuộc thử nghiệm.
Người đứng đầu RDIF Kirill Dmitriev cho biết, các cuộc thử nghiệm được tiến hành trên 330 bệnh nhân. Kết quả cho thấy thuốc phát huy tác dụng và điều trị thành công hầu hết các ca mắc Covid-19 trong vòng 4 ngày. Theo ông, không chỉ là loại thuốc chống virus SARS-CoV-2 đầu tiên được đăng ký ở Nga, mà có thể còn là loại thuốc chống Covid-19 hứa hẹn nhất thế giới.
Ông Dmitriev tin tưởng loại thuốc này có thể làm giảm áp lực của hệ thống y tế, khi có ít bệnh nhân rơi vào tình trạng nặng, trong khi 90% số bệnh nhân có thể loại bỏ virus trong vòng 10 ngày. Bên cạnh đó, loại thuốc này có thể giúp Nga khôi phục hoàn toàn hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, người đứng đầu RDIF cũng cho rằng, người dân Nga vẫn cần tuân thủ giãn cách xã hội và Nga vẫn cần vaccine phòng bệnh.
Ngày 1/6, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 của LB Nga cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 9.035 trường hợp mắc Covid-19 tại 84 chủ thể liên bang. Như vậy, tính đến nay, Nga ghi nhận tổng cộng 414.878 người mắc Covid-19, trong đó có 175.877 người đã bình phục và 4.855 trường hợp tử vong.
Thủ đô Moscow vẫn là địa phương ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 mới nhất, với 2.297 trường hợp, đưa tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại đây lên 183.088 người. Hiện đã có 82.239 trường hợp đã khỏi bệnh và 2.553 người tử vong.
Theo kế hoạch, trong ngày 1/6, các trung tâm thương mại và công viên sẽ được mở cửa trở lại tại Thủ đô Moscow sau khi Tổng thống Vladimir Putin thông báo nước Nga đã qua đỉnh dịch Covid-19.
* Cũng ngày, Bộ Y tế Belarus cho biết nước này đã ghi nhận thêm 894 ca mắc Covid-19. Tính đến nay, Belarus đã ghi nhận tổng cộng 41.658 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 17.964 bệnh nhân đã bình phục và 229 người tử vong.
Belarus là một trong 5 nước châu Âu ghi nhận tổng số ca mắc Covid-19 nhiều nhất trong vòng 14 ngày qua đồng thời là một trong 10 nước có tỷ lệ số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trên một triệu dân lớn nhất.
* Trong khi đó, Hội đồng An ninh quốc gia và quốc phòng Ukraine thông báo nước này ghi nhận thêm 468 trường hợp mắc Covid-19, đưa tổng số người mắc bệnh ở nước này lên 23.672 trường hợp. Hiện đã có 798 người tử vong do mắc Covid-19 tại Ukraine.
* Ngày 1/6, với dân số 83 triệu người, Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi nhận hơn 4.500 ca tử vong do COovid-19 trong số 163.900 bệnh nhân.
* Trong khi đó, Phần Lan ghi nhận 6.776 ca nhiễm Covid-19 và 314 ca tử vong trong tổng dân số 5,5 triệu người.
* Na Uy xác nhận 8.411 ca nhiễm Covid-19 và 236 ca tử vong. Nước này đã áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh từ ngày 12/3 và đã từng bước nới lỏng từ ngày 20/4.
* Ngày 1/6, Iran thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 2.979 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây là mức tăng số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất trong hai tháng qua tại nước Hồi giáo này. Iran là một trong những nước ở Trung Đông chịu tác động nghiêm trọng nhất của dịch Covid-19.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Iran ghi nhận tổng cộng 154.445 ca mắc Covid-19, trong đó có 7.878 ca tử vong sau khi có thêm 81 ca tử vong trong 24 giờ qua. Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, Bộ trưởng Y tế Iran Saeed Namaki cảnh báo nước này có thể đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới nghiêm trọng hơn nếu người dân không tuân thủ các hướng dẫn và các quy định về giãn cách xã hội.
Phát biểu tại cuộc họp báo được phát trên truyền hình, Bộ trưởng Namaki nêu rõ: "Dịch bệnh chưa kết thúc và có thể tái bùng phát bất kỳ lúc nào với mức độ nghiêm trọng hơn trước". Ông nhấn mạnh nếu người dân không tuân thủ các hướng dẫn y tế thì nước này có nguy cơ phải đón nhận tình huống tồi tệ nhất, đồng thời khẳng định Iran vẫn còn phải trải qua một chặng đường dài trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19.
* Bộ Y tế Ấn Độ ngày 1/6 thông báo trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 8.392 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Đây là ngày có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất từ trước tới nay.
Tính tới nay, quốc gia Nam Á này ghi nhận tổng cộng 190.535 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 5.394 người tử vong và 91.819 người khỏi bệnh. Như vậy, Ấn Độ đã vượt Pháp, trở thành nước có số ca nhiễm bệnh nhiều thứ 7 trên thế giới.
Mặc dù số ca mắc Covid-19 tại Ấn Độ khá cao, song số ca tử vong so với những nước có số ca mắc Covid-19 tương tự lại khá thấp. Chính phủ Ấn Độ cho rằng, điều này là nhờ các biện pháp phong tỏa giúp kiềm chế số ca mắc theo cấp số nhân và các bệnh viện vẫn còn đủ chỗ để chữa trị. Tuy nhiên, hiện vẫn còn lo ngại nếu số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng, đặc biệt là tại Delhi và Mumbai, hệ thống y tế sẽ trở nên quá tải.
Từ cuối tháng 3, Ấn Độ đã áp đặt lệnh phong tỏa sâu rộng và chưa từng có tiền lệ trên quy mô toàn quốc để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Sau 2 tháng phong tỏa khiến hàng triệu rơi vào cảnh thất nghiệp, nước này đã bắt đầu nới lỏng một số hạn chế từ ngày 1/6. Tuy nhiên, ngay trước thời điểm Ấn Độ kết thúc giai đoạn phong tỏa toàn quốc, nhiều bang của nước này đã gia hạn lệnh phong tỏa khi số ca mắc Covid-19 tăng nhanh trở lại.
* Theo Bộ Y tế Philippines, trong ngày 1/6, nước này đã ghi nhận thêm 3 ca tử vong và 552 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 18.638 ca và 960 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi là 3.979 người. Philippines hiện có số ca nhiễm cao thứ ba và số ca tử vong do Covid-19 cao thứ hai tại khu vực Đông Nam Á.
* Tại Indonesia, Bộ Y tế nước này cho biết đã ghi nhận thêm 467 ca nhiễm mới và 28 ca tử vong trong ngày 1/6, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 tại nước này lên lần lượt là 26.940 ca và 1.641 ca. Tính đến nay, số bệnh nhân phục hồi tại Indonesia là 7.637 người.
* Ngày 1/6, Celltrion, một công ty sinh học của Hàn Quốc tham gia dự án phát triển thuốc điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tuyên bố đã đạt được những kết quả khả quan khi thử thuốc trên động vật là chồn sương.
Theo Celltrion, các triệu chứng như ho đã không còn kể từ ngày thứ năm dùng thuốc, lượng virus SARS-CoV-2 đã giảm tới 100 lần khi sử dụng thuốc nồng độ cao và tình trạng viêm phổi được cải thiện rất nhiều. Công ty này sẽ tiến hành đánh giá hiệu quả và độc tính của thuốc trên chuột đồng và khỉ trước khi bắt đầu thử thuốc ở người vào tháng 7 tới. Viện Y tế Quốc gia Hàn Quốc, một cơ quan nghiên cứu nhà nước, đã chọn Celltrion làm đối tác hợp tác để phát triển vaccine và thuốc điều trị Covid-19.