Đến nay, Covid-19 đã xuất hiện ở 27 quốc gia châu Phi. (Nguồn: AP) |
Châu Phi không còn may mắn, Vùng Vịnh đón tin xấu
Châu Phi cho đến gần đây được coi là may mắn đứng ngoài những gì tệ hại nhất bởi đại dịch Coronavirus. Tuy nhiên, theo thống kê của hãng tin Reuters và các nguồn khác trong những ngày qua, hiện châu Phi đã có 27 quốc gia có người nhiễm Covid-19, chiếm ½ số lượng quốc gia của châu lục.
Quốc gia mới nhất gia nhập vào danh sách nhiễm Covid-19 ở châu Phi là Liberia khi ngày 16/3 công bố trường hợp đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2. Thông báo của Bộ Thông tin Liberia cho biết, bệnh nhân trên là người đứng đầu cơ quan môi trường ở Liberia và gần đây trở về từ Thụy Sỹ.
Các chuyên gia y tế dự đoán sự may mắn của châu Phi không tồn tại lâu, do bản chất lây lan cao của loại virus này. Ngoài ra còn một số lý do khác. Đó là sự giao lưu phong phú, đa dạng với các vùng miền khác của thế giới, sự cắt giảm đáng kể trong viện trợ của Mỹ nhằm cải thiện hệ thống y tế của khu vực châu Phi sẽ làm cho một số quốc gia “lục địa đen” chắc chắn sẽ phải đối mặt với sự bùng phát tệ hại của loại bệnh này và sẽ làm nặng nề thêm hệ thống y tế còn đang chống chọi với các bệnh dịch thường xuyên như bệnh sởi, viêm gan, sốt rét và HIV.
Trong khi đó, tại Bahrain, Bộ Y tế ngày 16/3 thông báo ca tử vong đầu tiên do mắc bệnh Covid-19. Theo bộ trên, bệnh nhân là một phụ nữ người Bahrain, 65 tuổi, đã có bệnh lý sẵn. Đây cũng là trường hợp tử vong đầu tiên được ghi nhận tại các nước Vùng Vịnh.
Thống kê cho thấy số ca mắc Covid-19 tại 6 nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Kuwait, Bahrain, Qatar và Oman, đã lên tới gần 1.000, hầu hết là những người trở về từ Iran. Do lo ngại dịch Covid-19 lây lan, các nước trên đã áp dụng nhiều biện pháp, trong đó có đóng cửa các rạp chiếu phim và trung tâm giải trí.
Iran - quốc gia có bờ biển bên Vùng Vịnh nhưng không phải thành viên GCC đã để cho đại dịch Covid-19 lan tràn ngoài tầm kiểm soát, trở thành ổ dịch lớn thứ hai bên ngoài Trung Quốc (sau Italy). Thậm chí, tờ The Economist đánh giá Iran là một “Nhà nước bệnh tật” khi mà không có nước nào mà virus corona tấn công vào các nhà lãnh đạo dữ dội như Iran. Hai Phó Tổng thống, nhiều Bộ trưởng và 24 nghị sỹ (chiếm 1/10 Quốc hội) đã nhiễm bệnh.
Đến ngày 16/3, Iran ghi nhận 14.991 ca nhiễm, trong đó 853 người tử vong. Riêng trong 24 giờ qua, theo quan chức Bộ Y tế Iran Alireza Vahabzade, "chúng tôi đã ghi nhận thêm 1.053 người nhiễm virus và 129 người tử vong". Iran vốn đã bị cô lập vì cấm vận của Mỹ, nay lại càng khốn khó hơn, với GDP ước tính sẽ mất đến 25-30%.
Thị trường chứng khoán “ngộp thở”
Các chỉ số chứng khoán chủ chốt trên các sàn chứng khoán châu Âu đồng loạt sụt giảm mạnh trong ngày 16/3. (Nguồn: Reuters) |
Tình trạng lây lan nhanh của virus SARS-CoV-2 đã tác động mạnh tới chứng khoán châu Âu. Mở cửa phiên giao dịch ngày 16/3, các chỉ số chứng khoán chủ chốt trên các sàn chứng khoán châu Âu đã đồng loạt sụt giảm mạnh, trong đó chỉ số DAX trên sàn giao dịch Frankfurt ở Đức đã giảm trên 5%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2016.
Bất chấp biện pháp khẩn cấp ở Mỹ như việc Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất về gần mức 0%, chỉ số chứng khoán DAX của Đức đã giảm xuống dưới 9.000 điểm, còn 8.715 điểm, giảm 1% so với chốt phiên cuối tuần trước. Chỉ khoảng nửa giờ sau khi mở phiên giao dịch, DAX còn mất giá tơi 7,64% khi giảm xuống 8.525 điểm. Chỉ số MDAX cũng giảm 4,6% xuống 19.318,33 điểm và là lần đầu tiên kể từ mùa Hè năm 2016, chỉ số này giảm xuống dưới ngưỡng 20.000 điểm. Trong khi đó, chỉ số EuroStoxx 50 cũng giảm 4,7%, xuống 2.465,56 điểm.
Tại thị trường chứng khoán Paris, chỉ số CAC của 40 doanh nghiệp hàng đầu nước này cũng mất 5,9% giá trị, trong khi chỉ số chứng khoán chủ chốt ở thị trường London (Anh) cũng giảm 5,3%, tại Milan (Italy) giảm 5,4% và Madrid (Tây Ban Nha) mất gần 7%.
Về hậu quả của đại dịch Covid-19 trên lĩnh vực kinh tế, tờ L’Express (Pháp) nêu câu hỏi “Suy thoái: Phải chăng còn tệ hại hơn năm 2008?”. Chuyên gia thống kê Nassim Nicholas Taleb nổi tiếng với cuốn Thiên nga đen khẳng định điều này là chắc chắn, vì đã mất đi công cụ điều chỉnh, với chính sách lãi suất hầu như bằng 0. Lý do là con virus từ bên ngoài vừa tấn công vào tiêu thụ, vừa làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là công nghệ và dược phẩm. Ngoài ra, Trung Quốc vốn đóng vai trò giảm sốc năm 2008, giờ đây đang trong tâm bão và hơn nữa, thế giới ngày nay dễ tổn thương hơn so với 12 năm trước. |
Ngày 16/3, thị trường chứng khoán Ấn Độ tiếp tục chứng kiến xu hướng sụt giảm trong phiên giao dịch đầu tuần khi cả hai chỉ số chính là S & P BSE Sensex giảm hơn 1.800 điểm trong phiên mở cửa trong khi NSE Nifty 50 xuống dưới mốc 10.000, giảm 500 điểm. Không mã nào trong số 30 cổ phiếu cấu thành S & P BSE Sensex được giao dịch trong sắc xanh. Các nhà đầu tư đã mất khoảng 87 tỷ USD riêng trong phiên giao dịch sáng cùng ngày. Tính từ đầu tháng 3 đến nay, thị trường chứng khoán Ấn Độ đã "bốc hơi" hơn 220 tỷ USD.
Thị trường tài chính Hàn Quốc vẫn chưa có dấu hiệu ổn định trở lại do tâm lý lo ngại dịch Covid-19 kéo dài. Chỉ số chứng khoán tổng hợp Hàn Quốc (KOSPI) khép lại phiên giao dịch ngày 16/3 ở mức 1.714,86 điểm, giảm 56,58 điểm (tương đương 3,19%). Chỉ số này mở đầu phiên với 1.805,43 điểm, giảm 33,99 điểm (1,92%) so với phiên trước, sau đó tiếp tục lao dốc tới cuối phiên.
Khoa học - giả thuyết và nhận định
Tác động của thời tiết tới tốc độ lây lan virus SARS-CoV-2 tới nay vẫn chưa rõ rệt. Đây là thông tin mới nhất được bà Tào Vĩ, Phó Trưởng Khoa Truyền nhiễm thuộc Bệnh viện Đại học Y Hiệp hòa Bắc Kinh (Trung Quốc) đưa ra trong cuộc họp báo ngày 16/3.
Đánh giá trên khiến những hy vọng rằng virus SARS-CoV-2 sẽ "yếu đi" vào mùa Hè khi thời tiết nóng trở nên mong manh. Hồi tuần trước, các nhà khoa học của Đại học Tôn Trung Sơn ở Trung Quốc đã phát hiện ra rằng tốc độ lan truyền của SARS-CoV-2 phụ thuộc vào mùa và nhiệt độ. Cụ thể, kết quả nghiên cứu đăng trên báo South China Morning Post số ra ngày 12/3 cho biết sau một loạt thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng virus SARS-CoV-2 rất nhạy cảm với nhiệt độ cao.
Các nhà khoa học ước tính rằng nhiệt độ lý tưởng để SARS-CoV-2 sinh sản và lây lan là 8,72 độ C. Thời tiết nóng và ẩm có thể làm virus suy yếu, song nếu không có vaccine thì bệnh dịch khó có thể biến mất - dịch vẫn phát tác dù không bùng phát nghiêm trọng như trong mùa Đông.
Về triển vọng chữa trị Covid-19, trong Chương trình BBC Radio 4’s Today Programme, Cố vấn trưởng về khoa học của chính phủ Anh, chuyên gia Patrick Vallance, nói rằng “miễn dịch cộng đồng” sẽ được tạo ra khi có khoảng 60% dân số Anh (tức 39 triệu người) nhiễm Covid-19. Theo trang The Independent, ông Patrick Vallance nói rằng Covid-19 có khả năng trở thành một “virus thường niên” và chiến lược tương ứng là hạn chế tác động chứ không ngăn chặn virus hoàn toàn.
Giới khoa học Anh đã phản bác ý tưởng “miễn dịch cộng đồng”, thúc giục chính phủ áp dụng các biện pháp chặt chẽ hơn để ngăn chặn dịch Covid-19, thay vì chiến lược miễn dịch cộng đồng. Trong một lá thư ngỏ, nhóm 229 nhà khoa học từ các trường đại học của Anh nói rằng cách tiếp cận “miễn dịch cộng đồng” hiện nay sẽ khiến dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) bị gia tăng căng thẳng và “rủi ro nhiều sinh mạng hơn mức cần thiết”.
Tuy nhiên, Bộ Y tế Anh nói rằng bình luận của ông Patrick đã bị hiểu sai. Bộ trưởng Y tế Matt Hancock tuyên bố không dùng chiến lược “miễn dịch cộng đồng” để chống Covid-19. Một trong những chiến lược mà Anh chuẩn bị làm là sẽ cách ly người cao tuổi trong nhiều tuần và cưỡng chế cách ly với người bị nhiễm Covid-19. Những người trên 70 tuổi sẽ tự cách ly tối đa 4 tháng nhằm loại bỏ rủi ro bị mắc và lây nhiễm Covid-19.