📞

Cập nhật 19h ngày 21/3: Đức và Iran vượt quá 20.000 ca nhiễm Covid-19, Nam Á siết chặt biện pháp kiểm soát

19:00 | 21/03/2020
TGVN. Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã xuất hiện và lây lan ở khoảng 186 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, với tổng số ca nhiễm lên tới hơn 283.738 người và hơn 11.832 trường hợp tử vong.
Đức hiện ghi nhận gần 17.000 ca nhiễm Covid-19, trong đó 47 ca tử vong. (Nguồn: DPA)

Viện Robert Koch chuyên về các bệnh truyền nhiễm ngày 21/3 cho biết, số ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch bệnh Covid-19 ở Đức đã tăng 2.705 người trong vòng 1 ngày. Tổng số ca nhiễm hiện nay của Đức là 20.581, trong đó có 72 ca tử vong.

Trong thông điệp gần đây gửi Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, các cuộc khủng hoảng về sức khỏe cộng đồng làm dấy lên thách thức chung đối với nhân loại, sự đoàn kết và hợp tác là vũ khí mạnh nhất để chống lại chúng.

Trong khi đó, số liệu mới được Bộ Y tế Tây Ban Nha cập nhật cũng cho thấy số ca tử vong vì dịch bệnh Covid-19 tại quốc gia này tăng lên tổng số 1.326 ca trong ngày 21/3, cao hơn nhiều mức 1.002 ca của một ngày trước đó. Số ca xác nhận nhiễm bệnh tại Tây Ban Nha trong ngày cũng tăng lên mức 24.926 từ mức 19.980 ca ngày 20/3.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von der Leyen thông báo đình chỉ Hiệp ước Ổn định để hỗ trợ các quốc gia thành viên quản lý tốt hơn tình trạng khẩn cấp dịch Covid-19. Theo đó, Italy có thể bơm thêm tiền vào nền kinh tế khi cần. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử EC đình chỉ Hiệp ước Ổn định. Bà Ursula Von der Leyen khẳng định EC ưu tiên duy trì thị trường chung châu Âu hoạt động và linh hoạt nhất có thể.

Thủ tướng Gruzia Giorgi Gakharia ngày 21/3 đã đề nghị Tổng thống nước này tuyên bố tình trạng khẩn cấp do bùng phát dịch Covid-19.

Thủ tướng Gakharia cho hay, biện pháp trên, dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua sau khi Tổng thống phê chuẩn, sẽ được áp dụng trong 1 tháng.

Gruzia đã ghi nhận 47 ca nhiễm SARS-CoV-2 tính đến ngày 21/3.

Quan chức y tế Mauritius Kavish Pultoo ngày 21/3 cho biết, nước này đã ghi nhận trường hợp đầu tiên tử vong do mắc bệnh Covid-19, trong khi số người nhiễm SARS-CoV-2 gia tăng.

Mauritius hiện có 13 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.

Theo người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour, trong vòng 24h qua ghi nhận 966 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm bệnh trên toàn Iran lên 20.610 người, trong khi số ca tử vong do Covid-19 tăng thêm 123 ca, lên 1.556 ca.

Cùng ngày, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng các biện pháp tránh tiếp xúc xã hội để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19, như hạn chế di chuyển, sẽ chỉ kéo dài thêm 2 đến 3 tuần vì ông hy vọng sau đó cuộc khủng hoảng sẽ giảm dần.

Phát biểu trên truyền hình, ông Rouhani cho biết Iran sẽ làm mọi thứ cần thiết để đưa hoạt động sản xuất kinh tế trở lại nhịp độ bình thường. Hiện Iran là một trong những quốc gia bên ngoài tâm dịch Trung Quốc chịu tác động mạnh nhất của dịch Covid-19.

Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã tạm thời đình chỉ hoạt động nhập cảnh đối với công dân các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.

Trong thông báo ngày 20/3, Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế UAE khẳng định quyết định này có hiệu lực vào nửa đêm cùng ngày cho đến khi có một hệ thống kiểm tra trước dành cho Covid-19. Đến ngày 21/3, tổng số ca mắc Covid-19 ở UAE là 140 người, trong đó có 2 ca tử vong.

Ấn Độ có kế hoạch cấm mọi chuyến bay quốc tế nhằm ngăn chặn dịch Covid-19. Ảnh chụp nhân viên y tế tiến hành khử trùng ở sân bay quốc tế Kempegowda ở Bengaluru, Ấn Độ. (Nguồn: PTI)

Chính phủ các nước Nam Á cũng đang siết chặt biện pháp kiểm soát biên giới và giới nghiêm nhằm ngăn chặn virus lây lan. Vùng đất có 1,9 tỷ dân này thời gian qua chưa chịu tác động nhiều của dịch bệnh so với những nơi khác trên thế giới nhưng tỷ lệ gia tăng các ca nhiễm mới tại Pakistan, Ấn Độ, Nepal, Bhutan và Sri Lanka đang có dấu hiệu gia tăng, với tổng cộng 869 ca được xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2 và 7 ca tử vong.

Ấn Độ hiện đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm. Quốc gia đông dân thứ hai thế giới ghi nhận 270 ca nhiễm và có kế hoạch cấm mọi chuyến bay quốc tế để ngăn chặn dịch.

Bangladesh đã siết chặt các biện pháp kiểm soát biên giới, cấm mọi chuyến bay đến từ những nước như Trung Quốc và Thái Lan từ đêm 21/3 sau khi phát hiện 20 ca nhiễm mới.

Trong khi đó, giới chức Sri Lanka đã bắt giữ hàng chục người vi phạm lệnh giới nghiêm trên toàn quốc. Sri Lanka hiện ghi nhận 72 ca nhiễm bệnh Covid-19.

Chính phủ Pakistan đã yêu cầu tất cả công dân tự cách ly thêm ít nhất 45 ngày trong bối cảnh đã có ca tử vong thứ 3 còn số ca nhiễm tăng lên 481 ca.

Ngày 21/3, Malaysia có thêm 153 ca nhiễm Covid-19 mới, đưa tổng số bệnh nhân lên thành 1.183, bao gồm 37 người được điều trị tích cực.

Cùng ngày, Malaysia đã ghi nhận bệnh nhân thứ 4 tử vong vì Covid-19 là một người đàn ông 50 tuổi thuộc nhóm tham dự sự kiện tôn giáo tại nhà thờ Sri Petaling ở Kuala Lumpur từ 27/2-1/3. Trong số 153 ca nhiễm mới ngày 21/3 có 90 ca liên quan tới sự kiện tôn giáo tại nhà thờ Sri Petaling, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 liên quan tới sự kiện này lên thành 651.

Sự kiện tôn giáo tại nhà thờ Sri Petaling được xác định là có 16.000 người tham dự, trong đó có 14.500 người Malaysia và 1.500 người nước ngoài. Malaysia hiện truy vết được hơn 10.650 người tham dự sự kiện, lấy mẫu xét nghiệm từ 4.986 người và phát hiện 513 người dương tính với Covid-19. Cảnh sát Malaysia đang nỗ lực truy tìm khoảng 4.000 người còn lại vẫn chưa khai báo để lấy mẫu xét nghiệm.

Một quan chức y tế ngày 21/3 thông báo, Indonesia đã xác nhận thêm 81 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 6 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên thành 450 người, trong khi số ca tử vong do bệnh này hiện là 38.

Thông tin trên được công bố sau khi thị trưởng Jakarta ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô trong 2 tuần do bùng phát Covid-19 giữa lúc số người tử vong do bệnh này tăng lên mức cao nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Bộ Y tế Philippines đã thông báo thêm 45 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm trong ngày 21/3 lên thành 77 người.

Với con số thống kê bổ sung nêu trên, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Philippines hiện đã lên tới 307 người. Trước đó cùng ngày, Philippines đã thông báo 32 ca nhiễm mới và trường hợp tử vong thứ 19 do Covid-19.

Chính quyền thành phố Bangkok đã ra lệnh cho tất cả các trung tâm thương mại đóng cửa trong 22 ngày từ 22/3 đến 12/4 nhằm nỗ lực hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19.

Thống đốc Bangkok Aswin Kwanmuang ngày 21/3 cho biết hầu hết các cửa hàng trong các trung tâm thương mại sẽ bị đóng cửa, ngoại trừ các siêu thị, hiệu thuốc, nơi bán thực phẩm để mang về hoặc giao hàng, và những dịch vụ thiết yếu khác. Thống đốc Aswin kêu gọi công chúng không hoảng loạn và tích trữ thực phẩm, đồng thời đảm bảo rằng người dân sẽ có thể mua đủ thực phẩm và hàng hóa

Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) đưa ra động thái quyết liệt này trong lúc Bộ Y tế ngày 21/3 ghi nhận thêm 89 ca mắc Covid-19, nâng tổng số người bị nhiễm lên 441 bệnh nhân. Đây là ngày có số lượng người bị nhiễm SARS-CoV-2 được ghi nhận cao nhất từ trước tới nay.

Tại Việt Nam, chiều 21/3, Bộ Y tế thông tin bệnh nhân thứ 92 mắc Covid-19 đã đi từ Paris (Pháp) đến Doha (Quatar) trên chuyến bay của hãng hàng không Quatar Airways, số hiệu QR40, hàng ghế 29. Sau đó, người này bay chuyến cũng của hãng hàng không Quatar Airways, số hiệu QR970, số ghế 18D, tới sân bay Tân Sơn Nhất, TP. Hồ Chí Minh. Việt Nam hiện ghi nhận 92 ca mắc Covid-19, trong đó 17 trường hợp điều trị khỏi.