Khách hàng đang chọn mua thịt tại chợ Tân Phát Địa. (Nguồn: Reuters) |
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ hôm nay (22/6), Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) Jeong Eun-kyeong cho hay, "Tại khu vực Thủ đô, chúng tôi tin rằng, làn sóng đầu tiên là vào khoảng tháng 2-tháng 3, hay tháng 3-tháng 4. Sau đó, chúng ta thấy làn sóng dịch bệnh thứ hai bắt đầu vào kỳ nghỉ tháng 5, đang tiếp diễn".
Hồi tháng 2, Hàn Quốc báo cáo số ca nhiễm Covid-19 kỷ lục với hơn 900 người nhiễm mới/ngày, trong đợt bùng phát dịch lớn đầu tiên bên ngoài Trung Quốc. Số ca nhiễm mới đã giảm xuống một con số vào cuối tháng 4. Nhưng ngay khi nước này tuyên bố nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội vào đầu tháng 5, số ca nhiễm mới đã tăng đột biến, bao gồm các ca ở những người trẻ tuổi đã đến các hộp đêm và quán bar ở Seoul vào dịp cuối tuần.
Giám đốc KCDC Jeong thừa nhận, ban đầu, chúng tôi dự đoán làn sóng thứ hai có thể xuất hiện vào mùa Thu hoặc mùa Đông. Nhưng dự báo của chúng tôi đã sai. "Khi mọi người tiếp xúc gần với người khác, chúng tôi tin rằng nguy cơ lây nhiễm sẽ tiếp tục", bà Jeong nói.
Hàn Quốc hiện ghi nhận tổng cộng 12.438 ca nhiễm, 280 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc ghi nhận thêm 17 ca nhiễm mới, trong đó có 11 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
* Giới chức y tế Trung Quốc đang tiến hành điều tra kỹ lưỡng các quầy hàng hải sản trong khu chợ Tân Phát Địa - nơi được nghi ngờ nguồn gốc của ổ dịch Bắc Kinh. Trước đó, hôm 18/6, Wu Zunyou, Trưởng nhóm chuyên gia dịch tễ tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), cho biết, cơ quan này đã xem xét các trường hợp dương tính mới nhất, dựa trên ngành nghề và ngày nhiễm virus.
"Kết quả cho thấy số người bán hải sản mắc Covid-19 nhiều nhất, tiếp đến là chủ sạp hàng thịt bò và thịt cừu. Bên cạnh đó, biểu hiện triệu chứng sớm hơn các bệnh nhân còn lại", chuyên gia Wu cho biết. Theo vị chuyên gia này, mật độ virus tại các quầy buôn bán hải sản, thịt bò và thịt cừu nhiều hơn những khu vực khác.
Trưởng nhóm chuyên gia CDC tiết lộ, "Những phát hiện này gợi nhớ về đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên ở Vũ Hán vào năm ngoái, tại chợ Hoa Nam. Dù nhà chức trách chú trọng điều tra hoạt động buôn bán động vật hoang dã, các sạp hàng hải sản lại ở ngay bên cạnh".
* Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới là lý do Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo dịch bệnh Covid-19 vẫn đang lây lan mạnh.
Tuyên bố tại Hội nghị cấp cao trực tuyến ngày 22/6, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết dịch Covid-19 vẫn đang lây lan và tác động của nó sẽ còn tồn tại trong vài thập kỷ nữa. Theo ông Ghebreyesus, đại dịch Covid-19 không chỉ là cuộc khủng hoảng y tế, mà còn là cuộc khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng xã hội và ở nhiều nước là cuộc khủng hoảng chính trị.
Mối đe dọa lớn nhất đối với thế giới không chỉ là virus SARS-CoV-2, mà là "sự thiếu vắng tinh thần đoàn kết và lãnh đạo toàn cầu". Người đứng đầu WHO cho rằng không thể chiến thắng đại dịch với một thế giới chia rẽ và việc chính trị hóa đại dịch đã góp phần làm dịch bệnh lây lan mạnh hơn, đồng thời khẳng định "không ai trong chúng ta an toàn cho đến khi tất cả chúng ta được an toàn".
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Na Uy Bent Hoeie cũng cho rằng, đại dịch Covid-19 còn lâu mới kết thúc, do đó, cần có sự hợp tác quốc tế để vượt qua đại dịch này.
Tuần trước, WHO cảnh báo giai đoạn mới và nguy hiểm của đại dịch Covid-19 trong bối cảnh nhiều nước đã nới lỏng các biện pháp phong tỏa bất chấp sự lây lan nhanh của dịch bệnh. Hiện dịch Covid-19, vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 465.000 người và khiến khoảng 9 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh, đang lây lan nhanh ở châu Mỹ, một số nước châu Á và ngay cả châu Âu, khi "lục địa già" bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế.
Dù đã trải qua nhiều lần thử nghiệm, song chưa có loại vaccine nào thực sự phát huy hiệu quả. Trong khi đó, các nhà khoa học vẫn đang phát hiện thêm nhiều điều khác thường về virus SARS-CoV-2.
* Các nhà khoa học Thái Lan ngày 22/6 đã tiêm liều vaccine thứ hai thử nghiệm phòng chống bệnh Covid-19 cho khỉ và chờ đợi phản ứng tích cực để có thể tiến hành các thử nghiệm lâm sàng ở người vào tháng 10 tới.
13 con khỉ đã được tiêm vaccine và 2 tuần tới sẽ quyết định liệu các nhà nghiên cứu có thể tiếp tục thử nghiệm nữa không. Ông Kiat Ruxrungtham, Trưởng nhóm nghiên cứu của chương trình phát triển vaccine phòng chống Covid-19 tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, cho biết :"Chúng tôi sẽ phân tích phản ứng miễn dịch một lần nữa. Nếu phản ứng miễn dịch rất cao, thì đây sẽ là phản ứng tốt".
Những con khỉ được chia thành 3 nhóm với một nhóm được tiêm liều cao, một nhóm khác được tiêm liều thấp và nhóm cuối cùng không được tiêm. Các con khỉ sẽ được tiêm tổng cộng 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tháng.
Chính phủ Thái Lan đang hỗ trợ các cuộc thử nghiệm và hy vọng có thể có được vaccine sản xuất trong nước và sẵn sàng sử dụng vào năm 2021.
* Về tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á, Bộ Y tế Indonesia ngày 22/6 đã công bố thêm 954 ca nhiễm mới Covid-19, đưa tổng số ca nhiễm lên 46.854. Bộ này cũng thông báo thêm 35 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca tử vong tại nước này lên 2.500 ca.
* Trong khi đó, Bộ Y tế Philippines thông báo phát hiện 630 ca nhiễm mới Covid-19 đưa tổng số ca nhiễm bệnh dịch tại Philippines lên 30.682. Số ca khỏi bệnh cũng tăng lên 8.143 sau khi có thêm 250 bệnh nhân khỏi bệnh. Tổng số ca tử vong tại Philippines cũng tăng lên 1.177, sau khi có thêm 8 bệnh nhân tử vong trong 24 giờ qua.
* Mông Cổ hiện ghi nhận 206 ca nhiễm Covid-19, tất cả đều là các ca ngoại nhập và không có ca tử vong. Nhiều người Mông Cổ cho rằng tỷ lệ nhiễm thấp này là do không khí sạch, chế độ ăn gồm thịt và sữa từ động vật chăn thả tự nhiên. Họ cũng tin rằng các yếu tố như ngươi dân làm việc liên tục, cưỡi ngựa, chăn cừu, cũng như sinh sống giữa điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thấp nhất -60 độ C và cao nhất 45 độ C, đã khiến họ khỏe mạnh hơn và chống được bệnh tật.
Nhưng điều quan trọng nhất, người Mông Cổ cho rằng những di sản của Thành Cát Tư Hãn, người sáng lập đế quốc Mông Cổ, đã giúp họ an toàn trước đại dịch đang hoành hành khắp thế giới.