📞

Cập nhật 19h ngày 5/6: WHO nhấn mạnh dịch Covid-19 chưa hết, khuyên người dân tự bảo vệ, số ca nhiễm mới ở Nga chưa có dấu hiệu suy giảm

Chu Văn 19:03 | 05/06/2020
TGVN. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 5/6 cho rằng một số quốc gia đang chứng kiến sự gia tăng các ca mắc dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 khi nới lỏng phong tỏa, đồng thời khuyến cáo người dân phải tiếp tục bảo vệ chính mình trước dịch bệnh này.
Tướng Mỹ cáo buộc Trung Quốc đang lợi dụng đại dịch Covid-19 làm vỏ bọc thúc đẩy các hoạt động trên biển Đông. (Nguồn: Newsweek)

Phát biểu tại cuộc họp báo của Liên hợp quốc ở Geneva, người phát ngôn WHO Margaret Harris nói: "Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng (các ca mắc) ở nhiều nước trên thế giới - tôi không đề cập riêng về châu Âu - khi các lệnh phong tỏa và các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, điều mà đôi khi người dân hiểu rằng dịch bệnh đã qua". Bà nhấn mạnh: "Dịch bệnh này vẫn chưa hết cho đến khi không còn virus nào trên thế giới".

Bà còn cảnh báo những người biểu tình Mỹ cũng phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa khi tụ tập đông người.

* Đúng như cảnh báo của WHO, Ngày 5/6, Nga thông báo vẫn ghi nhận thêm hơn 8.700 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên xấp xỉ 450.000 ca.

Cụ thể, với 8.726 ca nhiễm mới và 144 ca tử vong được báo cáo trong 24 giờ qua, hiện Nga ghi nhận tổng cộng 449.834 ca mắc bệnh và 5.528 ca tử vong. Tuy số ca mắc mới vẫn tăng hơn 8.000 ca nhưng số người được chữa khỏi trong 24 giờ qua cũng lên tới 8.057 người, nâng tổng cộng số ca khỏi bệnh tại Nga lên 212.680 ca.

Thủ đô Moscow, địa phương chịu tác động mạnh nhất trên cả nước, ghi nhận tổng cộng 191.069 ca mắc bệnh, trong đó có 1.855 ca mới trong 24 giờ qua. Ngày 4/6, Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin cho biết, hầu hết các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan sẽ được dỡ bỏ trước ngày 1/7 tới.

* Trong khi đó, trong một tin không liên quan đến các bệnh nhân Covid-19, Chỉ huy Các lực lượng Mỹ tại Nhật Bản, Trung tướng Kevin Schneider ngày 5/6 cho rằng Trung Quốc đang lợi dụng đại dịch Covid-19 làm vỏ bọc để thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông thông qua việc tăng đột biến hoạt động hải quân, nhằm mục đích răn đe các bên cũng có tuyên bố chủ quyền ở vùng biển chiến lược này.

Tướng Schneider khẳng định, Trung Quốc đã nhanh chóng tăng cường hoạt động ở Biển Đông bằng cách huy động các tàu hải quân, tàu hải cảnh và tàu dân quân biển để quấy rối những tàu đi lại trong vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Reuters qua điện thoại, ông Schneider nhấn mạnh: "Trong suốt thời gian xảy ra khủng hoảng dịch Covid, chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng các hoạt động trên biển. Ông còn cho biết Bắc Kinh cũng đã tăng cường hoạt động ở vùng biển, nơi có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản. Vị tướng Mỹ lưu ý việc gia tăng mức độ hoạt động của Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục.

Văn phòng báo chí của Đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo hiện chưa bình luận về phát biểu trên.

* Tại Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 5/6, Tổng thống Tayyip Erdogan đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm và cuối tuần vốn được áp dụng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan do các lo ngại về tác động kinh tế. Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng lệnh giới nghiêm vào cuối tuần và các dịp nghỉ lễ từ tháng 4 vừa qua.

Sáng 5/6, Bộ Nội vụ nước này thông báo 15 thành phố trên cả nước sẽ tiếp tục áp dụng biện pháp này trong cuối tuần. Tuy nhiên, sau đó vài giờ, Tổng thống Erdogan đăng tải thông báo trên tài khoản mạng xã hội Twitter về việc dỡ bỏ lệnh giới nghiêm sau khi cân nhắc phản ánh của người dân về những tác động kinh tế kinh tế của biện pháp này. Tổng thống Erdogan kêu gọi người dân đeo khẩu trang, tuân thủ các quy định giãn cách xã hội và đảm bảo các quy định vệ sinh dịch tễ. Trước đó, các quán cafe, nhà hàng và những địa điểm công cộng khác mở cửa trở lại trong tuần này khiến nhiều người hy vọng lệnh giới nghiêm sẽ được dỡ bỏ.

Tới nay, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận hơn 167.000 ca bệnh và 4.630 ca tử vong. Trong vài tuần qua, số ca tử vong mỗi ngày đã giảm xuống dưới mức 50.

*Tại Tây Ban Nha, ngày 4/6, hàng trăm người có người thân tử vong vì dịch bệnh đã tham dự một lễ tang tập thể tại nhà thờ ở Seville. Đây là một trong những sự kiện tập trung đông người nhất tại quốc gia này kể từ khi chấm dứt biện pháp phong tỏa.

Dịch Covid-19 đã khiến hơn 27.000 người Tây Ban Nha tử vong, chủ yếu trên 70 tuổi. Quốc gia này áp dụng biện pháp phong tỏa để kiềm chế tốc độ lây lan dịch bệnh từ giữa tháng 3 vừa qua nhưng khi dịch bệnh hiện đã được kiểm soát tốt, các biện pháp hạn chế dần được nới lỏng theo giai đoạn. Hiện Seville đang trong giai đoạn hai, cho phép các địa điểm tôn giáo hoạt động 50% công suất thông thường. Các quan chức chính quyền, quân đội, học giả và thẩm phán cũng tham gia tang lễ tại nhà thờ được xếp hạng Di sản Văn hóa thế giới này.

* Ấn Độ cũng là quốc gia đang phải chứng kiến tốc độ gia tăng nhanh số người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, đặc biệt trong vài ngày qua kể từ khi Chính phủ Ấn Độ tuyên bố nới lỏng đáng kể lệnh phong tỏa toàn quốc.

Số liệu ngày 5/6 của Bộ Y tế và phúc lợi gia đình Ấn Độ cho biết, nước này đã ghi nhận thêm 9.851 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua - số ca nhiễm trong ngày cao nhất từ khi dịch bùng phát ở nước này, đưa tổng số người nhiễm trên cả nước lên 226.770, trong đó có 6.348 trường hợp tử vong.

Ngay cả sau khi đã áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài hơn 2 tháng, dịch bệnh ở Ấn Độ vẫn chưa đạt đỉnh và số ca nhiễm tiếp tục tăng mỗi ngày. Do đó, giới chuyên gia nhận định Ấn Độ hiện chưa có đủ năng lực cần thiết để kiểm soát các đợt bùng phát của Covid-19 và việc mở cửa trở lại nền kinh tế tiềm ẩn nguy cơ rất lớn virus lây lan trên diện rộng trong thời gian tới.

* Bangladesh cũng là quốc gia Nam Á ghi nhận số ca mắc mới cao trong cùng ngày với 2.828 trường hợp, trong khi số ca tử vong cũng tăng thêm 30 ca. Hiện số tổng số ca nhiễm và tử vong do dịch COVID-19 tại nước này lần lượt là 60.391 ca và 811 ca.

* Trong khi đó, Indonesia cùng ngày cũng ghi nhận 703 ca mắc mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 29.521 trường hợp. Số ca tử vong cũng tăng 49 ca lên 1.770 trường hợp. Có thêm 551 bệnh nhân mắc Covid-19 được xuất viện, nâng tổng số người khỏi bệnh ở nước này lên 9.443 người.

Dịch bệnh đã lây lan ra toàn bộ 34 tỉnh trên cả nước Indonesia. Tổng thống Joko Widodo đã kêu gọi chính quyền thận trọng và theo dõi sát tình hình dịch bệnh lây lan tại 3 tỉnh có số ca mắc cao gồm Đông Java, Nam Sulawesi và Nam Kalimantan.

* Bộ Y tế Singapore cùng ngày thông báo ghi nhận thêm 261 ca mắc Covid-19, mức tăng thấp nhất trong gần 2 tháng qua. Tuy nhiên, Bộ trên cho biết số ca nhiễm mới thấp một phần do số lượng xét nghiệm được thực hiện giảm. Hiện tổng số ca mắc Covid-19 tại Singapore là 37.183 ca.

* Cũng trong ngày 5/6, Philipppines thông báo ghi nhận 224 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 20.626 người. Nước này cũng ghi nhận thêm 3 ca tử vong do dịch Covid-19, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi lên 987 người. Số bệnh nhân Covid-19 đã bình phục cũng tăng thêm 82 người, nâng số ca khỏi bệnh lên 4.330 người.

* Tại Malaysia, Bộ Y tế nước này ngày 5/6 thông báo có thêm 19 trường hợp mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 8.266 ca. Cũng trong ngày này, Bộ trên ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên do Covid-19 trong 2 tuần, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi lên 116 người.

* Các nhà khoa học Australia kỳ vọng, vào cuối năm 2021, sẽ có thể sản xuất được khoảng 100 triệu liều vaccine phòng bệnh Covid-19, khi các nhà nghiên cứu tại Đại học Queensland (UQ) hợp tác với hãng dược phẩm khổng lồ CSL đạt thành công trong chương trình bào chế vaccine.

Thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Queensland, Tập đoàn CSL và Liên minh Đổi mới Phòng chống Dịch bệnh (CEPI) vừa được ký kết, sau khi các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm về một loại vaccine phòng Covid-19 của UQ đã cho một kết quả sớm với nhiều khả quan và đang bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng tại Australia.

Dựa trên thỏa thuận này, CSL và CEPI sẽ tài trợ để UQ tiến hành thử nghiệm vaccine trên cơ thể người, dự kiến bắt đầu vào tháng sau.

Nhà nghiên cứu của UQ, Paul Young, cho biết, hiện đã có 120 ứng cử viên tình nguyện tham gia trong đợt thử nghiệm đầu tiên, với mục đích kiểm tra độ an toàn của vaccine và theo dõi tác động đối với hệ thống miễn dịch. Sau khi thử nghiệm lần một kết thúc, các thử nghiệm tiếp theo sẽ nhân rộng số ứng cử viên lên từ 800 – 1.000 người. Tiến sĩ Young hy vọng kết quả cuối cùng sẽ đạt được vào giữa năm 2021 và tiến tới là sản xuất đại trà vaccine vào cuối năm 2021, kịp thời giúp thế giới chấm dứt nỗi lo về đại dịch Covid-19.

(theo Reuters, TTXVN)