Những người tình nguyện sản xuất trang phục bảo hộ dành cho nhân viên y tế ở Arnedo, Tây Ban Nha. (Nguồn: AP) |
* Cũng trong ngày 6/4, Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo trong 24 giờ qua, số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 tại nước này đã tăng thêm 637 ca lên 13.055 ca. Trong khi đó, số ca nhiễm đã tăng từ 130.759 ca lên 135.032 ca.
Dù Tây Ban Nha có số ca tử vong do Covid-19 cao thứ hai trên thế giới, chỉ sau Italy, song số ca tử vong tại nước này đang có xu hướng giảm dần kể từ khi lên mức đỉnh là 950 ca vào ngày 2/4 vừa qua.
Chính phủ Tây Ban Nha cho biết đang lên kế hoạch xét nghiệm trên diện rộng, bao gồm cả những người không có triệu chứng mắc Covid-19, trong bước đi đầu tiên nhằm nới lỏng dần lệnh phong tỏa.
Phát biểu trên truyền hình, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Arancha Gonzalez nêu rõ để chuẩn bị cho việc nới lỏng các biện pháp hạn chế, điều quan trọng là phải xác định được những người lây nhiễm trong cộng đồng. Cho đến nay, Tây Ban Nha mới chỉ xét nghiệm cho những người đã nhiễm hoặc nghi nhiễm virus SARS-CoV-2.
Việc xét nghiệm trên quy mô lớn sẽ giúp xác định được những người mang mầm bệnh nhưng lại chưa có triệu chứng. Các công ty Tây Ban Nha đã sản xuất 240.000 bộ xét nghiệm/tuần và đang nỗ lực tăng công suất, trong khi các thiết bị đang được đặt mua từ nước ngoài.
Tây Ban Nha đã triển khai biện pháp phong tỏa kể từ ngày 14/3. Cuối tuần qua, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez thông báo sẽ kéo dài lệnh này cho đến ngày 26/4 tới.
* Trong cuộc họp của chính phủ sáng 6/4, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin tuyên bố không cho phép đóng cửa các ranh giới hành chính ở một số chủ thể nhất định. Ông cho biết chính quyền liên bang đã thấy những tín hiệu như vậy cuối tuần qua.
Theo Thủ tướng Mishustin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trao cho các chủ thể thêm quyền để chống lại sự lây lan của virus SARS-CoV-2, song các quyền này phải phù hợp với tình hình và các biện pháp do chính quyền trung ương đưa ra.
Thủ tướng Mishustin lưu ý rằng tuần trước đã có tiền lệ khi lãnh đạo một số chủ thể đóng cửa ranh giới hành chính, chặn đường đi của người dân và phương tiện vào lãnh thổ của họ. Ông nói: “Tín hiệu từ chính phủ đã được lắng được nghe và tình hình đã được cải thiện... Không được nhầm giữa quyền của chủ thể với quyền liên bang”. Ông Mishustin cũng chỉ trích lãnh đạo các chủ thể đã cản trở giao thương hàng hóa và cho rằng không chấp nhận làm phức tạp hoạt động giao dịch trực tuyến với các lệnh cấm vô lý.
Chủ thể đầu tiên đóng cửa hoàn toàn ranh giới hành chính là Cộng hòa Chechnya, nơi các phương tiện bị cấm hoạt động ngày 5/4. Sau đó các hạn chế bắt đầu được đưa ra ở một số chủ thể khác.
Udmurtia dự kiến lập các chốt kiểm soát và đặc biệt lưu ý đến hoạt động vận chuyển từ các khu vực lân cận. Ở Sevastopol, các rào cản được thiết lập trong vài ngày.
Tỉnh Irkutsk tuyên bố tất cả những người từ Moscow, St. Petersburg đến sẽ phải đi cách ly, thành phố Krasnoyarsk và Norilsk cũng qui định tương tự đối với người đến từ thủ đô.
* Malaysia ngày 6/4 đã ghi nhận thêm 131 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 3.793 ca. Hiện Malaysia là nước có số ca nhiễm nhiều nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Bộ Y tế Malaysia thông báo, đến nay nước này có 62 ca tử vong do Covid-19.
Báo The Star ngày 6/4 đưa tin, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin tiết lộ gói kích thích kinh tế trị giá 10 tỷ ringgit (khoảng 2,3 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước này. Đây là nỗ lực mới nhất nhằm giảm nhẹ tác động của Mệnh lệnh Kiểm soát Di chuyển (MCO) được áp dụng trong bối cảnh nước này đẩy mạnh ngăn chặn đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Trước đó, hôm 27/3 vừa qua, Thủ tướng Muhyiddin đã công bố gói kích thích kinh tế trị giá 250 tỷ ringgit (58,28 tỷ USD). Đây là gói cứu trợ thứ hai được chính phủ quốc gia Đông Nam Á này đưa ra trong vòng 1 tháng nhằm hạn chế tác động về kinh tế do dịch Covid-19 gây ra.
* Cùng ngày, Bộ Y tế Indonesia xác nhận có thêm 218 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 2.491. Đây là mức tăng cao nhất trong ngày tại Indonesia kể từ khi quốc gia này phát hiện ca bệnh đầu tiên cách đây một tháng.
Cũng theo số liệu của Bộ Y tế Indonesia, đã có thêm 11 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 209, trong khi có tổng cộng 192 đã khỏi bệnh.
* Tại Philippines, có thêm 414 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 tính đến chiều 6/4, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 3.660. Số ca tử vong do Covid-19 cũng tăng thêm 11 ca lên 163. Trong khi đó, tổng cộng 73 trường hợp đã hồi phục.
Mọi người ngồi cách nhau xa nhau để tránh lây lan dịch Covid-19 trong khi chờ đến lượt và chợ Divisoria ở Manila, Philippines, ngày 1/4. (Nguồn: Getty) |
* Tại New Zealand ngày 6/4 ghi nhận thêm 67 ca nhiễm mới SARS-CoV-2 và là mức tăng thấp nhất trong 5 ngày qua, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại đây lên 1.100. Hiện nước này chỉ có 1 ca tử vong.
Phát biểu trước báo giới tại Wellington, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuyên bố bất chấp một số tín hiệu tích cực cho thấy tình hình dịch bệnh trong nước đang dần ổn định, quốc gia này vẫn sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt.
Thủ tướng Ardern nhấn mạnh "Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức nhằm đảm bảo không để uổng phí những kết quả đã đạt được ở nửa đầu thời gian thực hiện hạn chế cấp độ 4".
Biện pháp hạn chế cấp độ 4 nói trên cho phép người dân được đi bộ hoặc tới siêu thị mua những mặt hàng thiết yếu, song đều phải giữ khoảng cách 2m với người khác.
* Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi ngày 6/4 tuyên bố, Tehran sẽ không bao giờ đề nghị Mỹ giúp nước này trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2, đồng thời cho rằng Washington nên dỡ bỏ lệnh trừng phạt "bất hợp pháp" của họ đối vưới nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Phát biểu họp báo qua truyền hình, ông Mousavi nói: "Iran chưa và sẽ không bao giờ đề nghị Mỹ giúp đỡ Tehran trong cuộc chiến chống dịch bệnh này... Tuy nhiên, Mỹ phải dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp của họ đối với Iran. Họ (Mỹ) đang tìm cách buộc Tehran phải chấp nhận thương lượng với Mỹ".