📞

Cập nhật 19h ngày 8/4: Số ca Covid-19 tử vong ở Iran vượt 4.000, Thái Lan phong tỏa Pattaya, nhiều thủy thủ tại tàu sân bay của Pháp nghi nhiễm

19:07 | 08/04/2020
TGVN. Ngày 8/4, Bộ Quốc phòng Pháp cho biết tàu sân bay Charles de Gaulle - hiện đang được triển khai trên Đại Tây Dương, sẽ về nước sớm hơn dự định sau khi một số thủy thủ trên tàu xuất hiện triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.    
Tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp. (Nguồn: French Marine)

Theo Bộ trên, khoảng 40 thủy thủ trên tàu đang được theo dõi y tế nghiêm ngặt và những người có triệu chứng giống Covid-19 đã được cách ly. Không có thủy thủ nào có dấu hiệu bị nặng.

Tàu sân bay Charles de Gaulle, có thể chở tới 2.000 thủy thủ, đã được điều đến Đại Tây Dương để tham gia diễn tập với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

* Trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận thêm 4.003 ca nhiễm Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra, đưa tổng số ca mắc lên 103.228. Trong khi đó, số ca tử vong tại nước này cũng tăng thêm 254 lên 1.861 ca.

Giới chức Đức khẳng định, các biện pháp áp dụng đang phát huy hiệu quả và sẽ tiếp tục đưa ra đánh giá dựa trên số ca mắc mới theo ngày cũng như số người bị lây nhiễm từ 1 ca bệnh. Hiện cứ 1 ca mắc Covid-19 lại lây cho khoảng 1,3 người và mục tiêu của Đức là đưa con số này giảm xuống dưới 1.

* Bộ Y tế công cộng Thụy Sĩ ngày 8/4 thông báo số ca tử vong tại nước này do mắc Covid-19 đã lên tới 705 người.

Theo Bộ trên, so với ngày 7/4, số ca tử vong mới đã tăng 64 ca. Số ca nhiễm cũng tăng từ 22.242 ca trong ngày 7/4 lên 22.789 ca.

* Cùng ngày, Ba Lan cũng thông báo số ca mắc Covid-19 tại nước này lên tới 5.000 ca, với 136 ca tử vong.

Số ca nhiễm tại Ba Lan đã tăng theo cấp số nhân ngay cả khi Chính phủ áp đặt thêm các biện pháp hạn chế sự đi lại của người dân hồi đầu tuần. Chính phủ Ba Lan đã quy định một số giờ chỉ người già được phép đi mua sắm, hạn chế số lượng khách hàng tại các cửa hiệu bán lẻ, yêu cầu người dân phải cách nhau 2 mét, cấm tụ tập hơn 2 người nếu không phải là thành viên gia đình. Cảnh sát cũng bắt đầu phạt những người bỏ qua quy định.

* Cũng trong ngày 8/4, Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo dù tỷ lệ tử vong theo ngày có giảm nhẹ, song trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 757 người tử vong do mắc Covid-19.

Tính đến nay, Tây Ban Nha đã ghi nhận 14.555 người tử vong do Covid-19. Tỷ lên tử vong theo ngày hiện là 5,5%, giảm 0,2% so với một ngày trước đó. Số ca mắc Covid-19 mới tại Tây Ban Nha cũng tăng thêm 146.690, đưa tổng số người mắc bệnh 140.510.

Người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại khu vực châu Âu Hans Kluge khẳng định, dịch Covid-19 tại châu Âu "rất đáng quan ngại", đồng thời hối thúc các chính phủ "cần cân nhắc rất thận trọng" trước khi nới lỏng các biện pháp nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh.

Trong khi đó, cố vấn cấp cao Tổng Giám đốc WHO Bruce Aylward - người vừa có chuyến công tác tới Tây Ban Nha, cho rằng hiện quá sớm để lạc quan, nhưng dịch Covid-19 tại đây chắc chắn đang "giảm dần".

* Cũng trong ngày 8/4, Bộ Y tế Czech cho biết đã ghi nhận thêm 195 ca mắc Covid-19 mới, đưa tổng số trường hợp mắc bệnh ở nước này vượt qua 5.000. Như vậy, tổng cộng đã có 5.033 trường hợp mắc Covid-19 và 91 ca tử vong tại Czech.

Tuy nhiên, theo giới chức Czech, số ca mắc Covid-19 mới ở nước này đang chậm lại.

* Liên quan tình hình dịch bệnh, truyền thông nhà nước Iran ngày 8/4 đưa tin số bệnh nhân tử vong do mắc Covid-19 ở nước này đã lên tới hơn 4.000 người.

Theo người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianush Jahanpur, số ca tử vong do mắc Covid-19 tại nước này trong 24 giờ qua là 121, đưa tổng số người tử vong lên 4.003. Cũng trong khoảng thời gian trên, quốc gia Trung Đông này đã ghi nhận thêm 1.997 ca mắc Covid-19 mới. Như vậy, tính tới nay, tổng số người mắc bệnh tại Iran là 67.286, trong đó có 3.956 người đang trong tình trạng nguy kịch.

Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn lây lan nhanh, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố một số công ty sẽ tiếp tục phải đóng cửa cho đến khi có thông báo tiếp theo. Tuy nhiên, những công ty nào mà hoạt động của nó không tạo ra nguy cơ lây lan dịch bệnh sẽ được phép mở cửa trở lại từ ngày 11/4.

Cùng ngày, Tổng thống Rouhani đã hối thúc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông qua khoản tín dụng khẩn cấp, trị giá 5 tỷ USD cho nước này để đối phó với dịch Covid-19.

Ngày 12/3, Iran thông báo đã đề nghị IMF cho nước này vay 5 tỷ USD từ Sáng kiến Tài chính nhanh - một chương trình hỗ trợ khẩn cấp các nước đối phó với những cú sốc bất ngờ như thảm họa tự nhiên, nhằm giúp nước này có thêm nguồn lực đối phó với đại dịch Covid-19. Đây là lần đầu tiên Iran đề nghị IMF hỗ trợ kể từ năm 1979. Một quan chức IMF cho biết hiện thể chế tài chính này đang thảo luận với Iran nhằm hiểu rõ nhu cầu của quốc gia Trung Đông này cũng như những điều kiện để thúc đẩy khoản tín dụng.

* Ngày 8/4, Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt đã khẩn thiết yêu cầu người dân duy trì biện pháp giãn cách xã hội để tiếp tục cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Theo Bộ trên, tính đến 6h sáng ngày 8/4 (giờ địa phương), Australia đã ghi nhận 5.956 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, tăng khoảng 2% so với một ngày trước đó, với 50 ca tử vong. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp Australia có số ca nhiễm mới tăng chưa đến 3%. Tuy nhiên, Bộ trưởng Hunt cảnh báo rằng số người mắc bệnh có thể gia tăng đáng kể, nếu người dân không tuân thủ các quy định giãn cách xã hội qua 4 ngày Lễ phục sinh vào cuối tuần.

Ông Hunt cũng thông báo sẽ cung cấp 11 triệu khẩu trang mới cho lực lượng y tế từ hôm nay cho đến cuối tuần này. Ngoài ra, Australia sẽ tiếp tục tăng số lượng xét nghiệm đối với đội ngũ y tế trong thời gian tới.

Những người lao động nhập cư ở Ahmedabad, Ấn Độ trong một chiếc xe tải để trở về địa phương trong bối cảnh phong tỏa toàn quốc trong 21 ngày. (Nguồn: Reuters)

* Cùng ngày, theo Bộ Y tế và phúc lợi gia đình Ấn Độ, số người nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này đã tăng lên 5.194 ca, trong đó có 149 ca tử vong do Covid-19.

Maharashtra đã trở thành bang đầu tiên của Ấn Độ ghi nhận hơn 1.000 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, Tamil Nadu và Delhi là 2 trong số những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Chính phủ Ấn Độ đang xem xét kéo dài lệnh phong tỏa toàn diện dự kiến kết thúc vào ngày 15/4 tới, theo kiến nghị của các chính quyền bang và các chuyên gia, để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

* Nhằm ngăn ngừa sự lây lan của Covid-19, chính quyền Thái Lan thông báo Pattaya - thành phố du lịch ven biển miền Đông nước này - sẽ áp đặt lệnh phong tỏa tạm thời, qua đó đóng cửa đối với toàn bộ du khách trong và ngoài nước.

Tỉnh trưởng tỉnh Chonburi, Phakharathorn Thianchai, đã xác nhận việc cấm toàn bộ du khách vào Pattaya theo lệnh phong tỏa, có hiệu lực từ ngày 9/4 đến hết tháng này, cùng với lệnh giới nghiêm vừa có hiệu lực trên toàn Thái Lan từ 22h tối đến 4h sáng các ngày. Chỉ những ai được xác minh có nhà hay đang làm thuê ở Pattaya được phép đi vào thành phố này. Một số chốt kiểm soát đã được thiết lập để kiểm tra việc người dân đi vào các khu vực trong thành phố.

Trong khi đó, chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) đang mở chiến dịch xét nghiệm Covid-19 tại nhà dành cho những người nghi ngờ họ có thể bị nhiễm SARS-CoV-2.

Cho tới nay, Bangkok là địa phương có nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2 nhất ở Thái Lan. Trong tổng số 2.369 ca nhiễm được ghi nhận ở quốc gia Đông Nam Á này tính đến ngày 8/4, Bangkok có 1.223 bệnh nhân, tiếp theo là tỉnh lân cận Nonthaburi (141 bệnh nhân) và hòn đảo du lịch Phuket (140 bệnh nhân).

(tổng hợp)