Bức ảnh “One shot, please” tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55, ngày 14/10/2021 ở Phnom Penh, Campuchia. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Đúng vậy đấy, nếu là phóng viên, đặc biệt là phóng viên ảnh như tôi, bạn cần chuẩn bị rất nhiều cho một chuyến công tác. Thế nhưng, những bất ngờ vẫn luôn chờ đợi, và những chia sẻ dưới đây có thể giúp ích cho bạn.
Kinh nghiệm“xương máu”
Chuyện thứ nhất là về sim điện thoại. Vâng, tôi đã vướng vào chuyện này không dưới hai lần và bạn biết rồi đấy, điện thoại không kết nối được mạng Internet trong thời buổi này khốn khổ thế nào.
Kinh nghiệm là tôi thường chọn roaming quốc tế, khá an toàn do bạn có nơi để “kiện” nếu không kết nối được Internet... mà giá cũng ko quá đắt. Còn một cách nữa là nhờ chính cán bộ lễ tân tiền trạm hoặc cán bộ sở tại mua sim giúp. Một bí mật nho nhỏ là bạn sẽ dễ dàng sử dụng sim của Viettel ở sở tại.
Chuyện thứ hai là quần áo. Mang đủ trang phục cho quá trình đi đoàn là điều tất nhiên nhưng cũng chưa đủ. Bạn cần chuẩn bị một bộ quần áo cho những tình huống bất ngờ.
Số tôi may chưa bị thất lạc hành lý ký gửi như một số thành viên khác (khi bay dân hàng) nên quần áo luôn đủ dùng. Nhưng tôi “đen” hơn họ là đã tự làm đổ đồ ăn lên áo sơ mi khi đang ở sự kiện. Thật khốn khổ nếu bạn gặp trường hợp này. Bạn thử tưởng tượng, còn đến 4-5 sự kiện trong ngày mà cứ phải mặc cái áo lấm lem.
Kinh nghiệm là tôi luôn có một bộ quần áo trong ba lô đeo trên người. Dù lỉnh kỉnh và khá nặng với các thiết bị, nhưng thêm một bộ quần áo nữa, tôi thấy yên tâm hơn. Dù sau đó, tôi chưa bị thêm lần đổ thức ăn hay cà phê nào nữa… nhưng biết đâu đấy!
Một chuyện khác là áo vest. Bạn biết là phóng viên thường ăn mặc thoải mái thế nào, nhất là với các phóng viên ảnh. Là phóng viên ảnh phục vụ đối ngoại, tôi thường xuyên sơ mi “đóng thùng” bởi từng có lần trong một sự kiện ở nước bạn, lễ tân và cảnh vệ của bạn nhất định không cho tôi tham gia vì không có áo… vest. Kết quả là tôi phải nhờ lễ tân mình cứu (cho mượn áo vest). Sau lần ấy, cứ đi đoàn là áo vest demi (loại nhẹ) luôn đồng hành cùng tôi.
Chính chiếc áo vest ấy đã giúp một đồng nghiệp được tham gia sự kiện ở một quốc gia Hồi giáo do bạn không cho phép phóng viên mặc áo cộc tay (bạn bảo, áo gì cũng được, miễn là dài tay).
Tuấn Anh là phóng viên ảnh của Báo Thế giới và Việt Nam |
Tự kiến tạo... ghi bàn
Chuyện tác nghiệp thì cần quá nhiều điều kiện để thành công, bao gồm cả kinh nghiệm “chiến trường”. Tỷ dụ như giữa một “rừng” phóng viên đang chụp ảnh, nhất là ở các sự kiện đa phương như: ASEAN, APEC, G20... để các nhà lãnh đạo hướng vào ống kính của mình thật là khó, nhất là khi bạn không chọn được vị trí tốt ngay từ đầu. Cách tốt nhất là bạn “to mồm” một chút. Hãy hô lên và các nhà lãnh đạo sẽ hướng về phía âm thanh ấy. Bạn sẽ có ảnh cần chụp.
Tôi cũng gặp trường hợp không kịp chụp khi tham gia một sự kiện thì đã bị cảnh vệ đuổi ra (địa bàn hẹp, tôi nhường phóng viên bạn chụp trước do bạn là chủ nhà). Tôi hô lên “One shot, please”, cảnh vệ bạn thì nương tay, các nhà lãnh đạo thì cùng nhìn về phía tôi. Tôi đã có ảnh mình cần.
Lần khác, sau khi chụp ở ngoài sảnh, phóng viên quá đông khiến tôi không kịp “chen” để chụp lãnh đạo đứng bắt tay nhau dưới cờ. Tôi kiên nhẫn chờ đợi đến cuối buổi hội đàm và may mắn thay, hai nhà lãnh đạo đã đứng lại nói chuyện. Tôi ra sức chụp, thuận tiện “đề nghị” các nhà lãnh đạo bắt tay nhau. Họ cùng cười, bắt tay và quay ra cho tôi chụp. Tôi đã có bức ảnh đẹp vì hai nhà lãnh đạo tươi lại cùng nhìn một hướng.
Bí mật nằm ở... cán bộ tiền trạm
Thật đấy... với những người đi tiền trạm, họ chính là nguồn thông tin chính xác và chuẩn mực nhất cho chuyến công tác sắp tới của bạn. Hãy xin tư vấn của những người này, họ có đủ cả: dự báo thời tiết, quy định xuất nhập cảnh, đồ ăn khó hay dễ, quy định về trang phục (đặc biệt là khu vực Trung Đông), giao thông nước bạn, địa điểm sự kiện gần hay xa, môi trường làm việc...
Không ngoa khi nói họ chính là “bách khoa toàn thư” cho chuyến công tác sắp tới của bạn, hãy kết nối và trao đổi.
(*) Tác giả là phóng viên ảnh của Báo Thế giới và Việt Nam, có nhiều năm kinh nghiệm trong việc chụp ảnh, đưa tin, tháp tùng các đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Ngoại giao.
| Báo Thế giới và Việt Nam - 'Sợi dây' kết nối tôi với dải đất xinh đẹp hình chữ S Báo Thế giới và Việt Nam đã và đang có giá trị đặc biệt đối với tôi. Tôi đã dựa trên những phân tích chuyên ... |
| Nhịp cầu tin cậy đưa Việt Nam ra thế giới và mang thế giới vào Việt Nam Thời gian trực tiếp làm việc cùng Báo Thế giới và Việt Nam đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp và ấn tượng ... |
| ĐBQH. Bùi Hoài Sơn: Đổi mới, sáng tạo giúp Báo Thế giới và Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trong kỷ nguyên mới Nếu kết hợp hài hòa giữa đổi mới công nghệ, xây dựng nội dung chất lượng cao và duy trì giá trị cốt lõi, Báo ... |
| Bạn đồng hành Báo Thế giới và Việt Nam Có lẽ đúng như tên gọi “Thế giới và Việt Nam”, hành trình 35 năm của Báo đã luôn khắc họa rõ nét hình ảnh ... |
| Báo Thế giới và Việt Nam thực sự trở thành cầu nối Việt Nam với thế giới Kỷ niệm của tôi với Báo Thế giới và Việt Nam không liên quan đến nghiệp vụ báo chí và bắt đầu cách đây 15 ... |