TIN LIÊN QUAN | |
Dịch Covid-19: Nghiên cứu chứng minh 'sự thần kỳ' của khẩu trang, Canada mở cửa đón hàng nghìn người nước ngoài | |
Israel sát nhập bờ Tây Palestine: Nước đi mạo hiểm |
Indonesia trong ngày 9/6 ghi nhận số người mắc Covid-19 cao nhất từ trước tới nay. (Nguồn: Reuters) |
Bộ Y tế Indonesia ngày 9/6 thông báo nước này đã ghi nhận thêm 1.043 trường hợp mắc Covid-19. Đây là ngày có số người mắc Covid-19 cao nhất từ trước tới nay.
Như vậy, tính tới nay, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 33.076 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 1.923 người tử vong. Quốc gia Đông Nam Á này cũng đã tiến hành 286.650 xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2.
Cũng trong 24 giờ qua, Philippines đã ghi nhận thêm 6 ca tử vong do mắc Covid-19 và 518 người nhiễm bệnh. Tính tới nay, tổng số người mắc Covid-19 tại Philippines là 22.992 người, trong đó có 1.071 trường hợp tử vong.
Cùng ngày 9/6, Thái Lan thông báo nước này có thêm 2 ca mắc Covid-19, đưa tổng số người mắc bệnh lên 3.121 người. Hai ca bệnh mới đã được cách ly là công dân Thái Lan, trở về từ Saudi Arabia và Hà Lan. Trong 15 ngày qua, Thái Lan không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng. Số ca tử vong do mắc Covid-19 tại Thái Lan hiện là 58.
Phát biểu với báo giới ngày 8/6, Bộ trưởng cao cấp phụ trách vấn đề an ninh, kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết, ngay sau khi hai bên đạt được thỏa thuận, công dân Malaysia, đặc biệt là những người sinh sống tại bang Johor tiếp giáp Singapore, có thể qua lại đảo quốc Sư tử làm việc.
Cũng theo Bộ trưởng Ismail, Malaysia đã sẵn sàng thực hiện công tác kiểm tra dịch bệnh cho công dân qua lại biên giới với Singapore. Phía Singapore cũng đã phối hợp với Malaysia trong việc cung cấp các bộ xét nghiệm và hai phòng xét nghiệm di động phát hiện người nhiễm bệnh Covid-19.
Sau hơn 2 tháng phát hiện bệnh nhân đầu tiên dương tính với virus SARS-CoV-2, ngày 9/6, bệnh nhân cuối cùng trong số 19 bệnh nhân mắc Covid-19 tại Lào đã xuất viện. Như vậy, Lào đã không còn bệnh nhân Covid-19 và đã có gần 60 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng.Đây được coi là một thắng lợi đối với ngành y tế vốn còn nhiều khó khăn của Lào.
Phát biểu với các phóng viên tại buổi lễ tiễn bệnh nhân cuối cùng mắc Covid–19 của Lào ra viện, Bộ trưởng Y tế Lào Bounkong Syhavong đã chúc mừng thành công của đội ngũ y, bác sĩ, coi đây là một thành công của ngành y tế Lào.
Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới nói chung và khu vực nói riêng, Lào sẽ đề cao cảnh giác và tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh, trong đó chú trọng tới các biện pháp như giám sát chặt chẽ tất cả mọi trường hợp nhập cảnh vào Lào, thành lập trung tâm cách ly ở tất cả các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với các nước láng giềng, cách ly mọi trường hợp nhập cảnh.
Những người muốn nhập cảnh Lào phải tuân thủ các quy định của Bộ Ngoại giao Lào và Ban chỉ đạo quốc gia Lào về phòng chống Covid-19 như phải có giấy chứng nhận sức khỏe, phải xét nghiệm lại Covid-19 tại Lào. Bên cạnh đó, người dân và người ngoại quốc tại Lào cần tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sát khuẩn, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người…
| Dịch Covid-19 ở Việt Nam chiều 9/6: Không ca mắc mới, Thủ tướng đồng ý mở lại dịch vụ karaoke, vũ trường |
Ngày 9/6, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết chính phủ sẽ cung cấp gói cứu trợ15 tỷ euro (16,9 tỷ USD) nhằm giúp ngành hàng không phục hồi từ cuộc khủng hoảng dịch Covid-19.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Le Maire cho biết kế hoạch giải cứu khẩn cấp ngành hàng không này bao gồm một quỹ đầu tư với số tiền khởi điểm là 500 triệu euro và sẽ tăng lên 1 tỷ euro nhằm thúc đẩy sự phát triển của các nhà cung cấp tầm trung, và 300 triệu euro tiền viện trợ khác để trợ giúp các nhà thầu phụ trong ngành hàng không hiện đại hóa nhà máy.
Pháp cũng đầu tư 1,5 tỷ euro (khoảng 1,7 tỷ USD) trong 3 năm để hỗ trợ việc nghiên cứu công nghệ hàng không mới thân thiện với môi trường, trong đó 300 triệu euro sẽ được giải ngân trong năm nay. Trong 15 tỷ euro này có khoản cứu trợ 7 tỷ euro dành cho hãng hàng không Air France-KLM đã được công bố trước đó.
Bộ trưởng Le Maire nhấn mạnh kế hoạch giải cứu khẩn cấp ngành hàng không sẽ giúp lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19 này trở nên cạnh tranh hơn. Nếu không có sự can thiệp kịp thời của chính phủ, sẽ có khoảng 1/3 số việc làm trong ngành hàng không Pháp biến mất, tương đương khoảng 100.000 trong tổng số 300.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp.
Kế hoạch giải cứu ngành hàng không được công bố sau khi Tổng thống Emmanuel Macron cam kết dành 8 tỷ euro để giải cứu ngành công nghiệp ô tô, với trọng tâm phát triển thị trường xe điện. Pháp cũng đặt mục tiêu sản xuất hơn 1 triệu ô tô sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường trong vòng 5 năm.
Cũng trong ngày 9/6, Ngân hàng Trung ương Pháp (BoF) nhận định nền kinh tế nước này sẽ cần 2 năm để thoát khỏi cuộc suy thoái tồi tệ nhất do đại dịch Covid-19 gây ra.
Theo dự báo của BoF, nền kinh tế lớn thứ hai Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể sẽ giảm 10,3% trong năm nay, trước khi phục hồi với mức tăng 6,9% vào năm 2021 và 3,9% vào năm tiếp theo. Trong năm nay, ước gần 1 triệu người ở Pháp bị mất việc làm và tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên mức kỷ lục 11,8% trong nửa đầu năm 2021.
Tại Anh, số người tử vong được xác nhận và nghi nhiễm Covid-19 thực tế đã tăng lên gần 50.000. Theo Cơ quan Thống kê quốc gia (ONS), đến nay đã có tổng số 49.989 ca tử vong tại nước này liên quan đến dịch Covid-19, cao hơn so với con số thông báo mới nhất của chính phủ là 40.597 ca. Nguyên nhân là Chính phủ Anh chỉ thống kê các ca tử vong có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.
Số ca tử vong của Anh cao nhất châu Âu và chỉ đứng sau Mỹ. Anh cũng thông báo 55 ca tử vong mới do Covid-19 trong ngày 8/6, mức thấp nhất kể từ ngày 22/3, với các hạn chế đang dần được dỡ bỏ và trẻ em đang quay trở lại trường học.
Người dân thủ đô Mosow (Nga) bắt đầu nối lại các hoạt động bình thường trong ngày 9/6 khi lệnh đóng cửa được áp dụng nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19 được dỡ bỏ sau hơn 2 tháng mặc dù chính quyền địa phương vẫn thông báo hơn 1.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.
Gần 13 triệu dân ở Moscow giờ đây tự do đi ra khỏi nhà nếu muốn, sử dụng phương tiện giao thông công cộng và đi lại trong thành phố bằng xe riêng không hạn chế hoặc giấy phép điện tử.
Thị trưởng Mosow Sergei Sobyanin cho rằng dịch bệnh đang bị đẩy lùi trong thành phố và các hạn chế khác dự kiến sẽ được dỡ bỏ trong tháng 6. Ông Sobyanin nói quyết định của ông hoàn toàn dựa trên thực tế là số ca nhiễm Covid-19 giảm đều trong những tuần gần đây, cách hành xử có trách nhiệm của người dân Mosow và thực tế sự quá tải của hệ thống y tế thành phố đã giảm.
Chính quyền Nga ngày 9/6 cho biết đã ghi nhận 8.595 ca nhiễm mới Covid-19 trên toàn quốc trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm lên 485.253, cao thứ 3 thế giới. Nước này cũng ghi nhận 171 ca tử vong do Covid-19 trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca tử vong lên 6.142. Riêng Moscow ghi nhận 1.572 ca nhiễm mới Covid-19 trong ngày 9/6.
| Cập nhật 7h ngày 9/6: Mỹ Latinh 'gồng mình' chuẩn bị vào đỉnh dịch Covid-19, WHO khẩn thiết 'đã 6 tháng rồi, đừng lơ là!' TGVN. Tính đến 6h ngày 9/6, theo thống kế của Worldometers, thế giới ghi nhận 7.188.208 ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 ... |
| Cập nhật 19h ngày 8/6: Mặc ‘kỷ lục buồn’ Covid-19, Ấn Độ mở cửa đền thờ, Mỹ khuyến cáo không tái sử dụng khẩu trang Trung Quốc TGVN. Ngày 8/6, các trung tâm thương mại và đền thờ tại một số thành phố của Ấn Độ đã mở cửa trở lại bất chấp ... |
| Cập nhật 7h ngày 8/6: Cùng biểu tình, 'bão Covid-19' càn quét thế giới mạnh hơn bao giờ, nước Mỹ Latin đầu tiên kiểm soát được dịch TGVN. Tính đến 6h ngày 8/6, theo trang thống kê Worldometers, số người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng ... |