📞

Cập nhật 20h ngày 26/2: Hy Lạp có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, EU trấn an, WHO tuyên bố không thành đại dịch

20:43 | 26/02/2020
TGVN. Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế Việt Nam, cập nhật đến 20h ngày 26/2, thế giới ghi nhận gần 1.000 trường hợp nhiễm bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới virus corona (Covid-19) và hơn 60 người tử vong trong 24 giờ qua.
Hy Lạp đã ghi tên vào trong bản đồ các nước nhiễm dịch Covid-1. (Nguồn: Reuters)

Đáng chú ý, như tổng kết của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện số ca mới nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19 trong ngày ở bên ngoài Trung Quốc có xu hướng cao hơn ở quốc gia bùng phát dịch bệnh này.

Phát biểu với các nhà ngoại giao ở Geneva ngày 26/2, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: "Hôm qua, lần đầu tiên số lượng các ca mới nhiễm SARS-CoV-2 được thống kê bên ngoài Trung Quốc đã vượt quá số trường hợp nhiễm mới ở Trung Quốc".

Theo WHO, số lượng ca mới nhiễm SARS-CoV-2 ở Trung Quốc ngày 25/2 là 411 người trong khi số trường hợp nhiễm mới bên ngoài gã khổng lồ châu Á này lại là 427.

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế Việt Nam, cập nhật đến 20h ngày 26/2, thế giới ghi nhận 81.255 người nhiễm bệnh Covid-19 và 2.770 ca tử vong.

Tại châu Âu

Bộ Y tế Hy Lạp ngày 26/2 thông báo, nước này đã xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này.

Tại Italy, Cơ quan Bảo vệ dân sự nước này ghi nhận 11 ca tử vong và 357 ca nhiễm virus gây chết người, trong đó có trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh là bé gái 4 tuổi tại Castiglione d'Adda, vùng Lombardia. Ngoài ra, 3 trường hợp khác ở độ tuổi vị thành niên ở Lombardia cũng dương tính với SARS-CoV-2, gồm 2 trường hợp 10 tuổi và 1 trường hợp 15 tuổi.

Quốc gia Nam Âu vẫn là tâm dịch Covid-19 ở châu Âu với 21 tỉnh thuộc 9/20 vùng có người nhiễm SARS-CoV-2, trong đó Lombardia là vùng có nhiều người nhiễm nhất. Các khu vực có người lây nhiễm liên tục mở rộng từ các vùng phía Bắc tới 3 vùng miền Trung và 1 vùng miền Nam Italy.

Tại Áo, một du khách người Italy đã tử vong, không loại trừ khả năng người phụ nữ 56 tuổi này nhiễm SARS-CoV-2 tại khu nghỉ dưỡng ở Bad Kleinkirchheim, Carinzia. Cơ quan y tế nước này đang tiến hành xác định chính xác nguyên nhân tử vong và đã phong tỏa khu nghỉ dưỡng, triển khai xét nghiệm virus SARS-CoV-2 với tất cả du khách tại đây.

Cũng liên quan đến dịch bệnh Covid-19, Vương quốc Anh đã bắt đầu tiến hành các xét nghiệm virus SARS-CoV-2 ngẫu nhiên đối với các bệnh nhân cúm nhằm cảnh báo sớm trong trường hợp dịch Covid-19 lan rộng tại nước này.

Việc xét nghiệm ngẫu nhiên sẽ được tiến hành tại tất cả 11 bệnh viện và 100 cơ sở y tế đa khoa đối với các bệnh nhân có triệu chứng cúm, bao gồm cả ho, khó thở và sốt. Đến nay, Anh đã xác nhận 13 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.

Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, hàng trăm hành khách tại một khách sạn trên đảo Tenerife của Tây Ban Nha sẽ phải cách ly tại đây trong 14 ngày sau khi các du khách người Italy tại khách sạn này được có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Trong bối cảnh bản đồ dịch bệnh ở châu Âu có dấu hiệu lan rộng, Ủy viên y tế của Liên minh châu Âu (EU) Stella Kyriakides ngày 26/2 trấn an rằng Covid-19 đang gây lo ngại cho châu Âu, song không có lý do gì để hoảng sợ.

"Chúng ta cũng phải cảnh giác trong lúc nhiều thông tin sai, thông tin giả cũng như những tuyên bố bài ngoại đang khiến công dân hiểu sai và hoài nghi công việc của các quan chức công", ông Stella Kyriakides nhấn mạnh khi phát biểu với các phóng viên ở Rome sau cuộc gặp Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza.

Tại Trung Đông - châu Phi

Nhân viên y tế tiến hành khử trùng tại khu tàu điện ngầm ở thủ đô Tehran, Iran. (Nguồn: Aljazeera)

Ngày 26/2, Iran thông báo ghi nhận thêm 3 trường hợp tử vong do dịch Covid-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 19 người, trong khi tổng số ca nhiễm là 139 trường hợp.

Các ca tử vong mới nằm trong số 44 trường hợp mắc Covid-19 mới trong 24 giờ qua được ghi nhận tại Iran trong 24h qua. Iran hiện là quốc gia có số ca tử vong do Covid-19 cao nhất bên ngoài Trung Quốc.

Một phái bộ của WHO tại Iran - vốn ban đầu được cho là đến nước Cộng hòa Hồi giáo này vào ngày 25/2 - sẽ xuất phát vào cuối tuần này.

Bộ Y tế Kuwait ngày 26/2 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 6 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số người nhiễm virus này trên toàn quốc lên 18 người.

Cùng ngày, Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune đã chỉ thị chính phủ và cơ quan y tế quốc gia cảnh giác cao độ sau khi nước này ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2, là một công dân quốc tịch Italy hiện đang bị cách ly.

Trên tài khoản Facebook cá nhân, ông Tebboune kêu gọi các ngành hữu quan tăng cường việc nâng cao nhận thức bằng cách huy động mọi phương tiện truyền thông để giữ gìn sức khỏe cho cộng đồng.

Ngành du lịch Nam Phi bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19, dù nước này chưa ghi nhận ca nhiễm nào. Phát biểu trước Ủy ban giám sát du lịch của Quốc hội Nam Phi, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Cape Town Lin Jing cho biết thời điểm hiện tại hầu như không có du khách Trung Quốc đến Nam Phi, trong khi hằng năm Nam Phi đón khoảng 100.000 khách Trung Quốc, hầu hết đến thành phố Cape Town.

Ông Lin Jing cũng đánh giá cao các biện pháp phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19 của Nam Phi, với việc thiết lập các trạm kiểm tra thân nhiệt ở toàn bộ các sân bay quốc tế và 11 bệnh viện được chỉ định đã sẵn sàng tiếp nhận các ca nghi vấn nhiễm bệnh.

Tại châu Mỹ

Ngày 26/2, Bộ Y tế Brazil đã xác nhận ca đầu tiên mắc bệnh Covid-19 tại Mỹ Latinh, sau khi một bệnh viện ở Sao Paulo thông báo một người đàn ông 61 tuổi từng thăm Italy gần đây nghi nhiễm SARS-CoV-2.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Y tế Brazil Luiz Henrique Mandetta cho hay chính phủ nước này đã triển khai các biện pháp đối phó trước khi dịch bệnh COVID-19 lây lan vào Brazil.

Hiện Brazil đang theo dõi 20 trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2.

Tại châu Á

Đài NHK của Nhật Bản ngày 26/2 đưa tin nước này ghi nhận thêm một ca tử vong vì Covid-19. Bệnh nhân là một người đàn ông khoảng 80 tuổi, ở thủ đô Tokyo, đã tử vong sau khi được xác nhận nhiễm SARS-CoV-2. Đây là ca tử vong thứ 3 tại Nhật Bản.

Cùng ngày, Ban tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo 2020 thông báo hai sự kiện thể thao lớn này vẫn sẽ diễn ra dù Chính phủ Nhật Bản kêu gọi hoãn, hủy hoặc thu hẹp quy mô tổ chức các sự kiện lớn trong vài tuần tới trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường.

Cơ quan Giám sát dịch bệnh Đài Loan (Trung Quốc) ngày 26/2 cho biết, vùng lãnh thổ này đã ghi nhận thêm 1 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại đây lên 32 người.

Cùng ngày, Singapore đã buộc tội một nam công dân Trung Quốc mắc bệnh Covid-19 cùng với vợ nói dối cơ quan y tế điều tra về nguy cơ họ truyền bệnh cho những người khác. Nếu bị kết tội, cặp vợ chồng này có thể đối mặt với mức phạt 7.150 USD và lĩnh án 6 tháng tù.

Đến nay, đảo quốc Sư tử đã ghi nhận 91 ca nhiễm bệnh Covid-19 và chính quyền Singapore đã quyết định cấm nhập cảnh đối với những du khách từng ghé qua Trung Quốc hoặc một số khu vực của Hàn Quốc trong 2 tuần gần đây.

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 07/2020/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm. Cụ thể, bệnh Covid-19 thuộc nhóm A, thời gian ủ bệnh trung bình 14 ngày, thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới là 28 ngày (thời gian được tính từ ngày trường hợp mắc bệnh gần nhất được cách ly tại cơ sở y tế).

Trước đó, theo yêu cầu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, tất cả các trường hợp người Việt Nam từ Hàn Quốc về nước đều phải cách ly y tế theo đúng quy định. Với các trường hợp từ Hàn Quốc đã nhập cảnh vào Việt Nam trong 14 ngày qua (cả người nước ngoài và công dân Việt Nam), cấp uỷ, chính quyền các địa phương, cơ sở chỉ đạo cảnh sát khu vực, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố… tổ chức theo dõi sức khoẻ, giám sát y tế theo quy định; Tiếp tục thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với người đến từ Hàn Quốc, trong đó cần triển khai thực hiện khai báo điện tử, cũng như thông tin, phổ biến về nghĩa vụ, trách nhiệm cho các hành khách khi đến Việt Nam ngay tại các sân bay của Hàn Quốc.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 26/2 nhận định, sự gia tăng bất ngờ các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 ở Italy, Iran và Hàn Quốc "hết sức quan ngại" song loại virus này có thể vẫn bị kiềm chế và không phát triển thành đại dịch.

Trong bài phát biểu trước các nhà ngoại giao ở Geneva, ông Ghebreyesus nói: "Việc dùng từ đại dịch một cách bất cẩn không mang lại lợi ích gì rõ ràng mà còn mang tới rủi ro đáng kể nếu phóng đại nỗi lo sợ thái quá và không lý giải được cũng như làm tê liệt các hệ thống. Nó cũng là dấu hiệu cho thấy chúng ta có thể không còn kiềm chế được loại virus này, điều đó là không đúng".

(tổng hợp)