Cập nhật top 15 quốc gia có 120.000 ca nhiễm Covid-19 trở lên ngày 13/6. (Nguồn: Worldometers) |
Trong 24 giờ qua, thế giới lại thiết lập kỷ lục mới về số ca nhiễm trong ngày, với 139.456 trường hợp được ghi nhận. Nhiều nước trở thành ổ dịch lớn như Pakistan, Chile, Peru với số ca nhiễm trong ngày luôn ở mức trên 5.000.
* Trong 24 giờ qua, Pakistan đã ghi nhận kỷ lục mới về số ca nhiễm Covid-19, với 6.397 người mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 125.933, trong đó, số ca tử vong do Covid-19 là 2.463. Nước láng giềng của Ấn Độ đã ghi tên mình vào "15 quốc gia có số ca nhiễm cao nhất thế giới".
* Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 và tử vong cao nhất thế giới. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất kể từ ngày 21/5, với 26.451 trường hợp mắc mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 2.115.839, trong đó, có 116.813 ca tử vong và 839.681 bệnh nhân bình phục.
* Brazil vươn lên đứng thứ 2 cả về số ca tử vong do Covid-19 lẫn số ca nhiễm với tổng số ca lần lượt là 41.901 và 829.902 trong tổng số 212 triệu dân. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, số ca mắc trên thực tế có thể cao gấp 10 hoặc 15 lần.
Ngày 12/6, Bộ Y tế Brazil đã ra mắt một trang web mới cập nhập số ca mắc bệnh Covid-19 trên toàn quốc.
Trang thông tin điện tử có tên miền susanalitico.saude.gov.br còn cung cấp thông tin về số bệnh nhân hồi phục và số người đang trong diện theo dõi, cũng như các biểu đồ hàng ngày về số ca tử vong do Covid-19.
Thông qua nền tảng mới này, người dùng còn có thể truy cập thông tin về số người chết do Covid-19 cũng như các trường hợp nhiễm bệnh tại từng địa phương, dựa trên dữ liệu được cung cấp bởi các cơ quan y tế tại các tiểu bang khác nhau.
Trước đó, trong một phiên điều trần tại Hạ viện ngày 9/6, quyền Bộ trưởng Y tế Brazil Eduardo Pazuello đã tuyên bố, nền tảng mới sẽ cho phép phân tích các biểu đồ liên quan đến Covid-19 theo từng tiểu bang, qua đó giúp cải thiện việc lập các kế hoạch để chống lại dịch bệnh.
* Hai quốc gia khác trong khu vực Mỹ Latinh cũng đang tăng nhanh số ca nhiễm Covid-19 là Chile và Peru, với số trường hợp mắc mới trong 24 giờ qua lần lượt là 6.754 và 5.961, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên lần lượt là 160.846 và 220.749, xếp lần lượt thứ 12 và 6 trong bảng xếp hạng các quốc gia có số người mắc bệnh cao nhất thế giới.
* Hiện một số quốc gia châu Phi đã có thể hoàn toàn kiểm soát được diễn biến của dịch Covid-19 như Tunisia, Burkina Faso hay Morocco, tuy nhiên, nhiều nước khác như Nam Phi, Ai Cập và Nigeria đang rơi vào tình trạng mất kiểm soát. Ba nước hiện ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất châu lục, từ vài trăm cho đến vài nghìn ca nhiễm mới sau 24 giờ.
Cụ thể, trong ngày 12/6, Nam Phi ghi nhận thêm 3.359 ca mắc và 70 ca tử vong mới, Ai Cập ghi nhận thêm 1.577 ca mắc và 45 trường hợp tử vong, trong khi đó, Nigeria ghi nhận thêm 681 mắc mới.
Theo thống kê từ ngày 31/5-11/6, tức là trong vòng 11 ngày, số trường hợp mắc Covid-19 ở châu Phi đã tăng từ 147.600 lên khoảng 216.800, tương đương gần 48%.
Điều đáng quan ngại là đại dịch đang lây lan nhanh ở Nigeria - quốc gia đông dân nhất châu Phi với hơn 200 triệu dân. Trong khi đó, Nam Phi từng ghi nhận tỷ lệ tử vong do dịch thấp, nhưng nay lại đang chứng kiến tỷ lệ tử vong ngày càng tăng, với tổng cộng 1.354 trường hợp tử vong tính từ khi đại dịch bùng phát.
Với 1.442 ca tử vong, Ai Cập hiện là quốc gia có nhiều người thiệt mạng nhất do đại dịch Covid-19 tại châu Phi. Châu lục này đang trong giai đoạn tồi tệ, khi ghi nhận hơn 30 người chết mỗi ngày kể từ đầu tháng 6 đến nay.
Ở khía cạnh tích cực, Tunisia hiện là ví dụ điển hình của quốc gia kiểm soát tốt đại dịch. Từ giữa tháng 4 đến nay, quốc gia Bắc Phi chỉ ghi nhận thêm 14 ca tử vong và tính từ khi dịch bùng phát, Tunisia chỉ ghi nhận 49 ca tử vong trên tổng cộng 1.093 ca mắc.
Burkina Faso và Morocco cũng là những trường hợp thành công khác.
Tính đến chiều 12/6, ngoài Nam Phi, Ai Cập và Nigeria, một số quốc gia châu Phi khác cũng đang ghi nhận số ca nhiễm cao đáng quan ngại từ 2 đến 3 con số mỗi ngày, dẫn đầu là Ghana với 498 ca mắc mới.
* Tại châu Âu, theo báo cáo mới nhất của Liên minh châu Âu (EU), làn sóng mắc Covid-19 đã vượt qua đỉnh dịch ở tất cả các nước thuộc EU trừ Ba Lan và Thụy Điển.
Báo cáo của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết, nhờ vào các biện pháp hạn chế, các nước EU đã giảm được 80% số ca nhiễm bệnh Covid-19 so với thời điểm đỉnh dịch. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết, tỷ lệ mắc Covid-19 ở Ba Lan và Thụy Điển hiện đang ở mức cao nhất.
Tại các quốc gia EU, tỷ lệ lây nhiễm mới trong khoảng thời gian 14 ngày hiện đang là dưới 20 trường hợp trên 100.000 dân, trong khi Thụy Điển là quốc gia duy nhất có tỷ lệ lên tới hơn 100 trường hợp trên 100.000 dân.
* Ngày 12/6, Chính phủ Venezuela quyết định kéo dài thêm một tháng “tình trạng báo động” được tuyên bố hồi giữa tháng 3 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Thông cáo đăng tải trên tờ Công báo nhấn mạnh, do bối cảnh trật tự xã hội có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe công cộng và an toàn của người dân, chính phủ quyết định kéo dài thêm 30 ngày “tình trạng báo động”, biện pháp tạo cơ sở pháp lý để kéo dài lệnh cách ly xã hội.
Đây là lần thứ 3 Chính phủ Venezuela gia hạn biện pháp này sau khi đã thử nghiệm việc linh hoạt các biện pháp giãn cách xã hội từ hôm 1/6.
“Tình trạng báo động” là một biện pháp để trao quyền đặc biệt giúp cho Tổng thống có thể thể ngay lập tức ra lệnh cách ly xã hội bắt buộc tại các khu vực bùng phát dịch bệnh.
Theo thống kê chính thức, đến nay Venezuela đã ghi nhận 2.814 ca mắc Covid-19, trong đó có 23 trường hợp tử vong.
Tại Việt Nam, tính đến nay, đã 58 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng, số ca mắc bệnh hiện là 333 người, trong đó, 323 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Trong 10 bệnh nhân còn đang được điều trị, có 4 ca đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ 1 lần trở lên. |