📞

Cập nhật 7h ngày 14/6: Brazil chưa hết 'sốt', ca mắc Covid-19 tăng kỷ lục ở Ai Cập, châu Âu chi ‘bạo’ cho vaccine

Tấn Thông 07:04 | 14/06/2020
TGVN. Tính đến 7h ngày 14/6, thế giới đã có 7.853.937 ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra, trong đó có 431.715 người tử vong và vẫn còn gần 300.000 ca nguy kịch, theo thống kê của trang mạng worldometers.info. 
Tình hình Brazil vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt". (Nguồn: AA)

Theo thống kê cập nhật, Brazil hiện là quốc gia đứng thứ 2 thế giới về số ca mắc Covid-19 (sau Mỹ) với tổng cộng 850.796 ca mắc Covid-19, trong đó 42.720 ca tử vong.

Chuyên gia hàng đầu của WHO Mike Ryan nhận định tình hình hiện nay ở Brazil, một trong những "điểm nóng" trên bản đồ Covid-19 hiện tại, ngày càng trở nên đáng quan ngại ở khu vực các thành phố. Theo ông Ryan, hệ thống y tế Brazil vẫn đang ứng phó được dịch, dù một số khoa điều trị tích cực đang chịu áp lực lớn với hơn 90% số giường đều có bệnh nhân.

Trước đó, Bộ Y tế Brazil đã ra mắt trang web mới cập nhập số ca mắc Covid-19 trên toàn quốc. Bên cạnh đó, trang tin điện tử có tên miền susanalitico.saude.gov.br còn cung cấp thông tin về số bệnh nhân hồi phục và số người đang trong diện theo dõi, cũng như các biểu đồ hàng ngày về số ca tử vong do Covid-19.

Thông qua nền tảng mới này, người dùng còn có thể truy cập thông tin về số người chết do Covid-19 cũng như các trường hợp nhiễm bệnh tại từng địa phương, dựa trên dữ liệu được cung cấp bởi các cơ quan y tế tại các tiểu bang khác nhau.

Ngày 13/6, Bộ Y tế Mexico đã xác nhận 3.494 ca mới mắc Covid-19, đưa tổng số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 lên 142.690 người, trong đó có 16.872 ca tử vong (tăng 424 ca trong vòng 24 giờ qua).

Thứ trưởng Y tế Hugo Lopez-Gatell nhấn mạnh Mexico vẫn đang ở trong giai đoạn đỉnh dịch và dự báo số ca tử vong do Covid-19 ở nước này có thể lên đến 35.000 người. Mexico không tiến hành xét nghiệm trên diện rộng mà chỉ xét nghiệm đối với những người có triệu chứng bệnh. Tính đến thời điểm hiện tại, Mexico đã tiến hành tổng cộng 401.755 lượt xét nghiệm, trong đó có tới 35,5% cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Mặc dù chưa kiểm soát được dịch bệnh, song chính phủ Mexico từ ngày 1/6 đã từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế. Theo mức thang cảnh báo Covid-19 trên cả nước, 16/32 bang của Mexico sẽ chuyển từ trọng thái "Đỏ" sang trạng thái "Cam" từ ngày 15/6, qua đó cho phép nhiều lĩnh vực kinh tế không thiết yếu hoạt động trở lại.

Tại khu vực Trung Mỹ, Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala và El Salvador đã ghi nhận thêm 1.904 ca mắc mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 trong khu vực lên 42.438 người, trong đó có 1.170 ca tử vong.

Ủy ban châu Âu (EC) đã nhận được ủy quyền của chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đứng ra thương lượng mua trước các loại vaccine có tiềm năng phòng bệnh Covid-19 với số tiền 2,4 tỷ Euro (khoảng 2,7 tỷ USD). Tuy nhiên, chưa rõ liệu EU có đủ số tiền này hay không.

Theo Ủy viên EC về y tế và An toàn thực phẩm, Stella Kyriakides, EU sẽ sử dụng phần lớn số tiền trong quỹ để mua trước 6 loại vaccine cho 450 triệu công dân trong liên minh.

Một chiến lược vaccine lớn như vậy có thể tiêu tốn nhiều hơn thỏa thuận trị giá 1,2 tỷ USD mà Mỹ đã ký tháng trước để đảm bảo có 300 triệu liều vaccine cùng 1 loại do tập đoàn dược phẩm Anh AstraZenceca sản xuất. Khi được hỏi liệu các nước EU có bổ sung quỹ hay không, bà Kyriakides cho biết tại thời điểm này, chưa cần thêm các cam kết tài chính.

EU đã chấp nhận các nguy cơ phát sinh để không bị bỏ lại sau Mỹ và Trung Quốc trong cuộc chạy đua tìm vaccine. Bà Kyriakides cho biết EC đã thảo luận các kế hoạch với các công ty dược phẩm.

Tuy nhiên, giới chức EU cho biết khối sẽ không mua các vaccine được sản xuất tại Mỹ, do lo ngại nguy cơ trì hoãn việc cung cấp cho châu Âu.

Hiện có hơn 10 loại vaccine phòng Covid-19 đang được thử nghiệm trên thế giới, của các công ty dược phẩm như AstraZeneca của Anh, Sanofi của Pháp, và các công ty của Mỹ như Pfizer, Novavax, Johnson & Johnson và Moderna.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 13/6, Bộ Y tế liên bang Đức công bố nước này cùng với Pháp, Italy và Hà Lan đã ký hợp đồng đầu tiên với công ty dược phẩm AstraZeneca, nhằm cung cấp ít nhất 300 triệu liều vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 cho các nước thành viên EU. Đơn đặt hàng với công ty dược phẩm AstraZeneca lên tới 400 triệu liều vaccine và trong trường hợp thuận lợi sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay.

Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố, trong ngày 13/6, nước này ghi nhận thêm 346 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 236.651 trường hợp. Trong khi đó, số ca tử vong đã tăng lên 34.301 trường hợp (tăng 55 ca).

Bên cạnh đó, 1.780 ca đã hồi phục trong ngày, nâng tổng số ca hồi phục lên 174.865 ca. Số ca phải điều trị tích cực tiếp tục giảm xuống mức 220 ca (giảm 7 ca). Tổng số ca phải nhập viện tại Italy hiện còn 3.747 ca trong tổng số ca bệnh hiện tại 27.485 người.

Bộ Y tế Ai Cập ngày 13/6 đã ghi nhận thêm 1.677 ca mắc Covid-19 mới, đưa tổng số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ở quốc gia Bắc Phi này lên 42.980 người. Đây là mức gia tăng số ca bệnh mới cao nhất trong 1 ngày kể từ khi Ai Cập phát hiện trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 hôm 14/2.

Bộ trên cũng đã xác nhận 62 trường hợp tử vong mới do Covid-19, đưa tổng số ca tử vong do căn bệnh nguy hiểm này lên 1.484 người. Đây cũng là con số tử vong cao nhất được thống kê trong 1 ngày kể từ khi bùng phát dịch bệnh.

Trước đó, người phát ngôn Nội các Ai Cập Nader Saad cho biết nước này đang cân nhắc đóng cửa các cửa hàng và quán cà phê trong một khoảng thời gian nhất định vào ban đêm, kể cả sau khi cuộc khủng hoảng Covid-19 kết thúc.

Chính phủ Ai Cập quyết tâm thực thi biện pháp đóng cửa nhiều cửa hàng, và khung thời gian áp dụng có thể sẽ khác nhau đối với từng địa phương. Nếu được triển khai, đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử Ai Cập áp dụng biện pháp này.

Theo quy định được áp dụng từ ngày 14/6 cho đến hết tháng này, các cửa hàng được phép mở cửa đến 18h hàng ngày, trong khi các phương tiện vận tải công cộng hoạt động đến 20h.

Chính phủ Algeria ngày 13/6 tuyên bố sẽ tiếp tục nới lỏng lệnh phong toả được áp đặt từ đầu tháng 3/2029 nhằm ngăn ngừa sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Theo đó, Chính phủ Algeria sẽ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh giới nghiêm tại 19 tỉnh, thành phố, đồng thời rút ngắn thời gian giới nghiêm tại 29 tỉnh, thành phố còn lại, trong đó có thủ đô Algiers.

Tại 29 địa phương này, lệnh giới nghiêm sẽ được thực thi từ 20h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau, thay vì từ 17h ngày hôm trước đến 7h ngày hôm sau như quy định trước đó. Ngoài ra, các phương tiện giao thông công cộng và các doanh nghiệp đều được phép hoạt động trở lại tại các thành phố.

Tuy nhiên, các dịch vụ xe buýt và taxi trong khu vực thành thị chỉ được phục vụ số lượng hành khách hạn chế.

Chính phủ Algeria cũng quyết định kết thúc chế độ nghỉ việc tránh dịch Covid-19 được hưởng lương đối với 50% các công chức nhà nước được áp dụng từ tháng 3 vừa qua. Tuy nhiên, phụ nữ có thai và những người có con nhỏ sẽ vẫn tiếp tục được hưởng đặc quyền này.

Algeria hiện ghi nhận tổng cộng 10.810 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 760 người tử vong.

(tổng hợp)